Chủ Nhật, ngày 30 tháng 6 năm 2024

Làm rõ điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 27/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.

Các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về PCCC, đặc biệt về nội dung cứu nạn, cứu hộ; luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về cứu nạn, cứu hộ và thực hiện xã hội hóa trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác này thời gian qua.

Góp ý cụ thể, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần làm rõ cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Về trách nhiệm chữa cháy, dự thảo quy định: cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường, đô thị, giao thông và cơ quan chức năng có liên quan khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi sẽ cháy để phục vụ chữa cháy. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, ở nhiều nước khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ, họ điều động cùng một lúc ba lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế. Đối với Việt Nam, chưa đủ điều kiện để huy động cả ba lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ. Tuy nhiên, chúng ta luôn có lực lượng y tế cơ sở; đối với các trường hợp cháy nổ thường có liên quan đến hô hấp và bỏng da. Nếu lực lượng y tế có mặt sớm sẽ giúp ích cho nhiều nạn nhân sơ cứu ban đầu tốt hơn. Vì vậy, ĐB đề nghị quy định khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi có cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn...

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đề nghị rà soát phạm vi điều chỉnh của dự án Luật về việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia PCCC, cứu nạn, cứu hộ. ĐB cho rằng, đây là nội dung liên quan đến quyền tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, nhưng quy định trong dự thảo Luật còn chung chung. Do đó, để có cơ sở triển khai quy định này và tránh phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, cần bổ sung quy định về cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm việc bồi thường là cơ quan PCCC, cứu nạn cứu hộ, hay là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn, hay là cơ quan chuyên môn nào khác?

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Đồng thời, ĐB cũng bổ sung quy định về quy trình, thủ tục thực hiện việc bồi thường; bổ sung quy định về nguyên tắc và phương án, xác định giá trị đối với các phương tiện giá trị bị tổn hao, nhà và công trình bị phá dỡ…; bổ sung quy định về nguồn kinh phí thực hiện việc bồi thường.

Đáng chú ý, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, ĐB Dương Khắc Mai cho rằng dự thảo Luật vẫn chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Do đó, cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.

Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc, bất cập đó là công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật. Dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về PCCC. ĐB đề nghị, nếu chính sách này được Quốc hội thông qua, cần kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nhanh chóng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Các đại biểu dự phiên họp Quốc hội chiều 27/6 Các đại biểu dự phiên họp Quốc hội chiều 27/6

Bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, dự thảo luật cũng cần bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân về trang bị các thiết bị báo động cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tự động hoặc từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Quốc hội nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các quy định. Trong đó có việc rà soát thống nhất trong hệ thống pháp luật; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; quy hoạch về PCCC và cứu hộ, cứu nạn; áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy; hoạt động của PCCC; hoạt động cứu nạn, cứu hộ; trang thiết bị PCCC; hướng dẫn thoát nạn PCCC; công tác quản lý nhà nước về PCCC và một số nội dung khác...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với ban soạn thảo dự án Luật cần làm rõ về một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Đồng thời tiếp tục rà soát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa, coi PCCC và cứu nạn, cứu hộ là công việc của toàn dân; chủ động phòng ngừa, xử lý với phương châm 4 tại chỗ, lấy phòng là chính trong công tác PCCC; tăng cường giáo dục ý thức, trang bị kỹ năng PCCC, thoát nạn cho người dân cũng như công tác phân cấp, phân quyền trong PCCC...

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo