Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương và Thành ủy, từ năm 2009, TP.HCM tiến hành xây dựng mô hình nông thôn mới ở 56/58 xã (trừ xã Bình Hưng huyện Bình Chánh và xã Trung Chánh huyện Hóc Môn đã đô thị hóa), trong đó 1 xã xây dựng thí điểm theo chương trình của Ban Chỉ đạo Trung ương, 5 xã thực hiện theo chương trình của Ban Chỉ đạo thành phố, 50 xã còn lại thực hiện nhân rộng xây dựng nông thôn mới. Từ nhận thức và quyết tâm chính trị thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị(1), Thành ủy chỉ đạo: “Xây dựng mô hình nông thôn mới xã hội chủ nghĩa văn minh, giàu đẹp, kinh tế phát triển và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường”.
Qua hơn 6 năm thực hiện, tính đến tháng 12-2015, thành phố đã có 3 huyện Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn được Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu nông thôn mới Quốc gia công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có 52/56 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Kết quả đó để lại nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó sự lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng đóng vai trò quyết định. Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới và Ban Chỉ đạo Nông nghiệp và Nông thôn thành phố. UBND thành phố kiện toàn Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới và thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới của thành phố và các huyện. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo vào từng thời điểm, giai đoạn, Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới đều ban hành Kết luận thông báo cụ thể nội dung, công việc của từng địa phương; tổ chức nhiều cuộc họp tổng kết, sơ kết, kiểm tra thực hiện chương trình, rút kinh nghiệm tiếp tục chỉ đạo thực hiện ở giai đoạn tiếp theo.
Các huyện ủy đã tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào nghị quyết xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài gắn với xây dựng nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, đời sống văn hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, học hành cho người dân nông thôn; nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên, đoàn viên, hội viên, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng được đề cao nhằm tác động đến nhận thức của từng người dân.
Hoạt động HĐND xã thể hiện được vị trí, vai trò của cơ quan dân cử, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; có sự cải tiến nội dung các kỳ họp, nghị quyết đề ra sát với nhiệm vụ và thẩm quyền cấp cơ sở, thực hiện tốt chức năng giám sát đối với hoạt động của chính quyền trong việc triển khai thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới. Đa số đại biểu HĐND đã thể hiện tốt vai trò giám sát, thường xuyên tiếp xúc cử tri để lắng nghe ý kiến, kịp thời phản ánh đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết những yêu cầu chính đáng, phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
UBND các xã đã tăng cường quản lý nhà nước, tổ chức điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh được nâng lên. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được các xã triển khai hiệu quả, góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị ở cơ sở và tác động tích cực đến đời sống của đại bộ phận người dân. Công tác cải cách hành chính của UBND xã có nhiều chuyển biến tích cực, giảm tồn đọng hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết, công tác tiếp công dân được thực hiện thành nền nếp, thường xuyên kịp thời hướng dẫn, giải quyết những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện có hiệu quả, không để tồn đọng kéo dài. Thường xuyên kiểm tra, chủ động xử lý nghiêm những hành vi có dấu hiệu tiêu cực, góp phần giáo dục phòng ngừa sai phạm của đảng viên, cán bộ, công chức, phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển xã nông thôn mới.
Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò giám sát và vận động nhân dân giám sát việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật và xây dựng các tiêu chí nông thôn mới; phát huy các hình thức đa dạng, phong phú trong tập hợp nhân dân vào tổ chức; phát triển đoàn viên, hội viên, giới thiệu đoàn viên, hội viên cho tổ chức đảng xem xét phát triển đảng; phối hợp đồng bộ giữa các ngành hỗ trợ cho các xã thực hiện những tiêu chí quan trọng về phát triển sản xuất, vệ sinh môi trường, nhà ở, vốn sản xuất, hộ nghèo(2); quán triệt nhận thức việc xây dựng nông thôn mới với nguồn lực cơ bản chính là cư dân nông thôn, nông dân tại các địa phương. Quá trình xây dựng nông thôn mới, huy động nội lực, nguồn lực tại chỗ, nguồn lực của địa phương là chính cùng với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước; nhân dân chính là chủ thể, sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân là nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các chi bộ trực thuộc đưa nội dung 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới vào nội dung tuyên truyền, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội, ấp, tổ nhân dân để mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đều nắm, biết và đồng thuận trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương trợ, người có giúp người khó; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân đã có tinh thần tự nguyện đóng góp của cải, vật chất (hiến đất, vật kiến trúc trên đất làm đường, góp công sức, có khả năng vận động) được nhiều người dân đồng thuận thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới(3).
Quá trình xây dựng nông thôn mới, các cấp đã thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã và ấp, tổ nhân dân. Đó là khuyến khích cho người có trình độ đại học, trợ cấp cho người có trình độ trên đại học, được hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức các xã nông thôn mới, được hưởng mức khoán kinh phí quản lý hành chính; hỗ trợ hàng tháng đối với cấp phó thứ hai của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã (không được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách và không kiêm nhiệm các chức danh khác) bằng hệ số 0,5 mức lương cơ sở; bồi dưỡng trách nhiệm hàng tháng đối với 5 chức danh cán bộ không chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; điều chỉnh mức phụ cấp hàng tháng đối với cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân(4).
Qua hơn 6 năm trình thực hiện Chương trình, mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, có thể thấy, kết quả đạt được lớn nhất là lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, là sự tự tin của nông dân thành phố với tư cách chủ thể xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp đô thị, người nông dân được đặt ở vị trí trung tâm, là chủ thể, vừa là người thực hiện và đồng thời là người thụ hưởng. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để cập nhật, bổ sung một số nội dung chính sách phù hợp với thực tiễn nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 – 2020.
--------------------------------------------
(1) Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, có nêu rõ: thành phố Hồ Chí Minh phải “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững...”.
(2) Trong sơ kết 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã ký kết và triển khai thực hiện hỗ trợ, phối hợp “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, giữa tất cả các quận, 25 đảng ủy cấp trên cơ sở và tổng công ty, 4 đảng ủy lực lượng vũ trang thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Hội Nông dân thành phố với 5 huyện.
(3) Chỉ riêng việc hiến đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các xã đã có hơn 8.000 hộ dân tham gia, hiến trên 841.000 m2 đất, giá trị ước trên 710 tỉ đồng.
(4) Khoán quỹ phụ cấp hàng tháng đối với khu phố, ấp: từ 3.500.000 đồng/tháng lên hệ số 5,0 mức lương cơ sở (bao gồm cả 3% mức đóng bảo hiểm y tế). Khoán quỹ phụ cấp hàng tháng đối với tổ dân phố, tổ nhân dân: từ 350.000 đồng/tháng lên hệ số 0,5 mức lương cơ sở (bao gồm cả 3% mức đóng bảo hiểm y tế). Mức chi hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng đối với ấp và 150.000 đồng/tháng đối với tổ nhân dân tại các xã xây dựng nông thôn mới được tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 3708/QĐ-UBND ngày 9-7-2013 của UBND thành phố về trợ cấp cho cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách và phụ cấp đối với ấp, tổ nhân dân thuộc các xã xây dựng nông thôn mới. Khoán hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng tháng ở khu phố, ấp là 1.500.000 đồng/tháng.