Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4-1-2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã nêu rõ: “Chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự”. Yêu cầu này đặt ra trách nhiệm cho các tổ chức đảng và đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động về cuộc bầu cử nói chung cũng như tham gia phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái liên quan đến bầu cử nói riêng. Là đảng viên, cần hết sức cảnh giác sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong “ma trận” thông tin về cuộc bầu cử năm nay.
Hiện nay, nhân cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta, cũng như âm mưu phá hoại cuộc bầu cử. Các thủ đoạn họ tập trung sử dụng có thể kể: lập các trang web phê phán cuộc bầu cử qua đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta; trả lời phỏng vấn với nội dung xuyên tạc cuộc bầu cử nói riêng và đường lối lãnh đạo của Đảng ta trên một số trang thông tin điện tử, báo mạng nước ngoài; kêu gọi người dân không đi bỏ phiếu để phản đối điều mà họ gọi là “Đảng cử dân bầu”, “Quốc hội chỉ là hội nghị mở rộng của Đảng”…; giới thiệu, quảng bá cho một số người mà họ gọi là “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh nhân quyền”… tham gia tự ứng cử; tuyên truyền, vận động bỏ phiếu cho một số người mà họ gọi là “ứng cử viên tự do”…
Trước các luận điệu xuyên tạc và bịa đặt đó, nếu người đảng viên không đủ thông tin, không đủ bản lĩnh, không vững lập trường có thể ít nhiều bị dao động, từ đó có thể “tự diễn biến”. Biểu hiện của sự “tự diễn biến” có thể là: bày tỏ tâm tư, băn khoăn về những điều đọc được trên mạng internet với người khác mà lẽ ra bản thân nên tự lý giải xem điều đó có đúng không; phê phán cách thức tổ chức bầu cử cũng như đường lối lãnh đạo của Đảng nói chung; phủ nhận các thành tựu của Quốc hội và HĐND các cấp trong thời gian qua; có tâm lý chán chường, mặc kệ trong công tác, trong thực hiện trách nhiệm của một đảng viên… Từ “tự diễn biến”, nếu không được giải tỏa, ngăn chặn kịp thời có thể trở thành “tự chuyển hóa” với những hành động sai trái, như trở thành “cái loa” tuyên truyền thay cho các phần tử xấu, góp phần làm các quan điểm sai trái lan rộng hơn; không thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong việc bầu cử; tác động đến những người xung quanh, nhất là người thân, để họ không tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình…
Hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các thủ đoạn của các thế lực thù địch, bản thân mỗi đảng viên nên chú ý một số điều liên quan đến kỳ bầu cử này:
Thứ nhất, tìm hiểu kỹ và đầy đủ về cuộc bầu cử. Trước hết phải nắm chắc các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về bầu cử, chẳng hạn chủ trương về giảm hợp lý số đại biểu Quốc hội là người công tác ở các cơ quan hành chính, tăng đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số… Cần tìm hiểu kỹ các thông tin về bầu cử, như thời gian tiến hành các lần hiệp thương, các ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, các điểm mới trong các chỉ đạo, lãnh đạo… Cần tìm hiểu về những người tham gia ứng cử (khi chưa chốt danh sách ứng cử), các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở địa phương mình cư trú (sau khi đã chốt danh sách bầu cử) về tiểu sử, chương trình hành động, một số đặc điểm nhân thân có liên quan đến tư cách, phẩm chất… Việc tìm hiểu này thực sự là một trách nhiệm của đảng viên, sẽ giúp bản thân “miễn nhiễm” được với các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, từ đó tránh được sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ hai, tuyên truyền, giải thích với mọi người xung quanh về cuộc bầu cử. Bản thân có thông tin thì cần chia sẻ thông tin với nhiều người khác, qua đó lồng ghép việc tuyên truyền, giải thích, định hướng cho mọi người. Chẳng hạn, có người ngộ nhận rằng việc xác nhận đúng sự thực về một số người tự ứng cử có tham gia một số hoạt động sai trái của chính quyền địa phương được cho là “cản trở, làm khó người tự ứng cử” thì phải giải thích ngay rằng việc xác nhận đó là đúng quy định của pháp luật và cần thiết, tránh để họ che giấu những việc làm sai trái, từ đó có thể làm cử tri đánh giá sai về tư cách, phẩm chất, mục đích của họ liên quan đến cuộc bầu cử. Không được làm ngơ trước các ý kiến sai trái, nhầm lẫn hoặc hùa theo ý kiến đó, khiến điều sai trái có điều kiện lan rộng hơn.
Thứ ba, bản thân thực hiện tốt và vận động mọi người thực hiện tốt quyền công dân của mình. Tại cơ quan công tác và nơi cư trú, đảng viên có thể tham gia cho ý kiến đối với người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử; trong các sinh hoạt đó, người đảng viên nên có ý kiến trung thực và trách nhiệm, ai là người xứng đáng, xứng đáng như thế nào, ai là người không xứng đáng, vì sao…; ý kiến này không chỉ thể hiện chính kiến của bản thân mà còn góp phần định hướng cho người khác, nhất là quần chúng nhân dân không có điều kiện nắm bắt thông tin về những người tham gia ứng cử. Đến ngày bầu cử, bản thân cần gương mẫu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, đồng thời động viên người thân, những người xung quanh thực hiện tốt, tránh hiện tượng vi phạm các quy định về bầu cử.
Thứ tư, kịp thời thông tin, phản ánh đến cấp ủy, cơ quan chức năng về các hiện tượng tích cực và chưa tích cực về cuộc bầu cử. Trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ bầu cử, mỗi đảng viên cần kịp thời phản ánh những vấn đề liên quan đến bầu cử đến cấp ủy, đến các cơ quan chức năng để được giải thích hoặc kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện chưa tích cực. Chẳng hạn, ở nơi cư trú, có ứng cử viên thực hiện tranh cử thay vì vận động bầu cử theo quy định bằng cách đi thăm, tặng quà cho các gia đình cử tri, kêu gọi bỏ phiếu, có ẩn ý chỉ trích, phê phán ứng cử viên khác… thì cần báo ngay chính quyền và cơ quan phụ trách bầu cử ở địa phương, đồng thời phản ánh với cấp ủy, với tổ chức đảng để kịp thời phản ánh với Thành ủy… Bên cạnh đó, nếu phát hiện có cách làm hay, cá nhân tích cực thực hiện tốt công việc liên quan đến bầu cử thì cũng cần giới thiệu, biểu dương, nhân rộng…
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 được đánh giá là kỳ bầu cử đầu tiên mà nước ta có một hệ thống thiết chế pháp luật phục vụ cho công tác bầu cử hoàn thiện nhất trong lịch sử 70 năm của Quốc hội. Hệ thống pháp luật ấy bao gồm: Bản Hiến pháp mới được sửa đổi năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015... Tức là, các quyền và nghĩa vụ của công dân, của đại biểu Quốc hội và HĐND, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các quy trình tổ chức… đều đã được xây dựng một cách chặt chẽ, bài bản, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân cũng như phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Về việc mở rộng quyền dân chủ trong ứng cử, chúng ta có các con số: tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII vào năm 2011, có 82 người tự ứng cử ở 22 tỉnh, thành phố được lập danh sách ở vòng 2 và đã có 15 người lọt vào danh sách bầu đại biểu Quốc hội; trong số 500 đại biểu Quốc hội được bầu, có 4 người tự ứng cử, 42 đại biểu ngoài Đảng (chiếm 8,4%). Trước đó, tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII (năm 2007), có 30 người tự ứng cử lọt vào vòng cuối cùng; có 43 người ngoài Đảng trúng cử, trong tổng số 493 đại biểu (chiếm 8,7%). Năm 2007, TP.HCM là địa phương có số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhiều nhất cả nước (hơn 100 người); năm 2011, thành phố có 22 người tự ứng cử; còn năm nay, sau khi chốt danh sách sơ bộ, thành phố có 48 người tự ứng cử… Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng tiếng nói đại diện của tất cả các tầng lớp nhân dân, trong đó có việc mở rộng số lượng đại biểu Quốc hội cho người ngoài Đảng và tạo điều kiện cho mọi công dân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện có thể ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tuy nhiên, việc lựa chọn thế nào là quyền quyết định của cử tri.
Cần nhắc lại rằng, với Chỉ thị 51-CT/TW, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Đồng thời, lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ... Như vậy, rất rõ ràng, Đảng ta đã chỉ đạo tổ chức kỳ bầu cử đạt kết quả tốt nhất, bầu chọn được những người xứng đáng về đức và tài, đại diện cho nhân dân để thực hiện quyền làm chủ của mình, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch của Đảng về công tác nhân sự. Mỗi đảng viên chúng ta cần thực hiện tốt chỉ đạo đó của Đảng.