“Đất nước được bao nhiêu mùa Xuân hòa bình thì tôi được chừng đó tuổi!”. Đó là niềm tự hào của anh Lâm Bằng Phi, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất, Phó Bí thư Chi bộ Xí nghiệp hỗn hợp cao su. Gần 20 năm qua, anh đã và đang khẳng định sự chuyên nghiệp, sức sáng tạo của mình qua hơn 40 sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiêu biểu trong lĩnh vực cơ khí, làm lợi cho các đơn vị mình công tác hàng chục tỉ đồng.
Lâm Bằng Phi ra đời sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một tuần, ở Bạc Liêu. Từ thuở thiếu niên, ngoài giờ học, anh hay ra tiệm sửa máy “đuôi tôm” (máy nổ nhỏ dùng chạy ghe, xuồng đi trên kênh rạch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long) của ba để “vừa phá, vừa học”, phụ sửa những hỏng hóc nhỏ... Học xong cấp III, năm 1993, anh lên TP.HCM chọn học ngành cơ khí Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Năm 1996, ra trường, anh làm công nhân kỹ thuật của bộ phận khuôn mẫu thuộc phân xưởng 5 của Xí nghiệp Ruthimex (thuộc Công ty Cao su Thống Nhất). Năm 1998, anh bắt đầu tham gia chế tạo máy, khuôn cho Công ty để phục vụ sản xuất và có nhiều đề tài, sáng kiến đạt giải thưởng.
Đầu tiên là sáng kiến cải tiến chén ói (dụng cụ để tạo thiết bị sứ trong ngành cấp nước), không hài lòng với những bất cập trong kỹ thuật của chén ói có sẵn, vừa tốn công sức, thời gian lại không cho ra bán thành phẩm như ý…, suốt một tháng, cứ sau giờ làm việc, anh ở lại mày mò, tháo, lắp, mài, giũa… Cuối cùng, anh chế tạo thêm phần gá để có thể điều chỉnh tự động chén ói, giúp điều chỉnh lại kích thước và trọng lượng bán thành phẩm ngay trên máy, không cần phải tháo chén ói ra điều chỉnh thủ công như trước. Chén ói còn có thể dùng chung cho các sản phẩm có mặt cắt tương tự thay vì sản phẩm nào thì dùng bộ chén ói đó như trước đây. Sáng kiến này đã làm lợi cho công ty vài chục triệu đồng mỗi năm, giảm nhiều công lao động và góp phần tăng năng suất lao động lên 120%. Rồi tiếp theo là những công trình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mà anh tham gia cùng các đồng nghiệp trong công ty như: cải tiến ghép các loại khuôn tạo ron cao su; photphat hóa lõi kim loại để tăng cường độ bám dính giữa cao su và kim loại; cải tiến các loại khuôn giúp giảm tỉ lệ phế phẩm từ 8% xuống còn dưới 3%; công nghệ sản xuất phụ tùng cao su kỹ thuật có lõi kim loại, chịu áp lực cao dùng trong ngành cấp nước; máy định hình Barwell để định hình bán thành phẩm có trọng lượng chính xác…
Sau gần 10 năm lao động miệt mài và sáng tạo không mệt mỏi, năm 2005, anh được đề bạt làm tổ trưởng tổ tạo mẫu - nơi kiểm nghiệm, thiết kế, phát triển sản phẩm đầu vào cho mọi sản phẩm của công ty. Anh nhớ lại: “Lúc đó, đơn vị có 8/10 là kỹ sư, so với trình độ được đào tạo bài bản của anh em, tôi không bằng, do vậy phải liên tục mày mò, tự học, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến chất lượng công trình của tổ thử mẫu. Tôi phải luôn đặt ra mục tiêu cao hơn để phấn đấu vươn lên”. Chia sẻ thêm về động lực để những sáng kiến liên tục nối tiếp nhau ra đời, anh nói: “Trong công tác mình thấy công nhân làm việc tốn nhiều sức lao động mà hiệu quả không cao nên cố gắng cùng đồng nghiệp tìm tòi, cải tiến để mang lại hiệu quả cao hơn”. Đồng chí Đỗ Hoàng Chí, Chủ tịch Công đoàn Công ty, nói thêm: “Anh Phi rất gần gũi với anh em, kỹ tính, hay tìm tòi, học hỏi, khi đã xác định những bất cập hay nhược điểm trong thiết bị sản xuất thì tìm mọi cách cải tiến cho đạt với yêu cầu theo tiêu chí “tăng năng suất nhưng phải tiết kiệm chi phí sản xuất” và khi đã bắt tay vào làm là không nghĩ tới thời gian, có khi đến giờ ăn trưa, anh em phải nhắc!”.
Chỉ tính riêng năm 3 năm gần đây (2013 – 2015), anh đã cho ra đời 18 sáng kiến, tiêu biểu như: sáng kiến “Lập quy trình, thử nghiệm, sản xuất sản phẩm DT2, DT10 trên máy lưu hóa silicon” (trước khi cải tiến, máy chỉ sản xuất các sản phẩm silicon, sau khi cải tiến máy sử dụng ép đùn các sản phẩm DT2, DT10…) làm lợi cho đơn vị gần 210 triệu đồng; sáng kiến “Nghiên cứu đầu ói đùn sản phẩm Bonded washer” (thiết kế và chế tạo đầu khuôn ép đùn và khuôn đùn theo thiết kế mới nhằm kịp thời đưa dự án vào hoạt động vì đầu ép nhập theo máy do nước ngoài thiết kế và thử nghiệm không thể đùn được sản phẩm) với giá trị làm lợi sau khi hoàn chi phí trên đơn hàng đầu tiên gần 67 triệu đồng; sáng kiến “khuôn ép đùn sản xuất 2 sản phẩm cùng lúc” (cải tiến đầu khuôn ép đùn liên tục sản xuất 2 sản phẩm cùng lúc cho sản phẩm DT10), làm lợi sau khi hoàn chi phí hơn 83 triệu đồng; sáng kiến “Nghiên cứu cải tiến khuôn 8120”, cải tiến khuôn từ phương pháp bơm tiêm sang ép, khuôn sau khi cải tiến giảm được chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất, làm lợi gần 29 triệu đồng; sáng kiến “Cải tiến khuôn 8118.1”, thiết kế khuôn theo kết cấu mới, cải tiến quy trình, tiết kiệm công lao động, giảm chi phí điện máy, nguyên vật liệu… làm lợi hơn 20 triệu đồng; thiết kế, chế tạo mới khuôn ESP7 cho khách hàng ESP với giá trị làm lợi gần 156 triệu đồng…
Đi cùng với những sáng kiến đó là những danh hiệu (Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2014, nhiều bằng khen, huy hiệu của Tổng Liên đoàn lao động, Thành ủy, UBND thành phố…) những phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực hết mình trong công tác. Dù vậy, anh khiêm tốn chia sẻ: “Có được những thành tích đó là nhờ sự động viên, tạo điều kiện của lãnh đạo Công ty, sự giúp sức của anh em đồng nghiệp”. Với những cống hiến và phấn đấu không ngừng, năm 2010, anh được kết nạp vào Đảng. Năm 2014, anh được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển của Công ty và được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ Xí nghiệp hỗn hợp cao su.
Trong chi bộ, anh là người tiên phong trong việc nói đi đôi với làm và luôn đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề trong sản xuất, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vào từng sáng kiến cải tiến như: tiết kiệm điện, tiết kiệm nguyên vật liệu - giảm sức lao động… Anh nhiều lần được biểu dương trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.
Cùng với việc tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, anh còn tham gia công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Xí nghiệp, theo dõi, hướng dẫn đồng nghiệp phát triển tay nghề, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm mới. Từ đó, anh còn giúp định hướng và đề xuất đào tạo chuyên sâu lĩnh vực phù hợp cho những công nhân trẻ có tố chất, tích cực, yêu nghề. Đó cũng là cách để đồng chí Phó Bí thư chi bộ Lâm Bằng Phi có thể giúp đỡ, bồi dưỡng, phát triển đảng trong công nhân trực tiếp sản xuất ở đơn vị mình.