Thứ Bảy, ngày 12 tháng 7 năm 2025

Những cuộc đấu trí trong tháng 3

Đồng chí Hoàng Văn Thái đã viết trên Tạp chí Lịch sử quân sự số 3-1986 khi nhận định và đánh giá sau 10 năm về ngày đại thắng 30-4-1975 trong chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại như sau: “Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là những cuộc hội nghị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, những cuộc họp vạch đường cho quân và dân ta đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác ngay trong tháng ba và cũng là vạch đường cho dân tộc ta giành thắng lợi trọn vẹn, cuối tháng tư”.

Ngược dòng lịch sử, năm 1954, đế quốc Mỹ và tay sai đã cấu kết phá hoại Hiệp định Genève, dựng nên chế độ Sài Gòn và hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau 2 năm tạm chia cắt, đồng thời xây dựng chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã kiên cường chống Mỹ và chế độ tay sai. Liên tiếp thất bại trong các chiến lược, bị cả thế giới lên án, trong đó có chính nhân dân Mỹ, người Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ký hiệp định hòa bình vào ngày 27-1-1973 và rút quân về nước. Nhưng sau đó, một lần nữa, đế quốc Mỹ lại chi viện ồ ạt cho chính phủ Sài Gòn đối phó với cách mạng miền Nam giành dân lấn đất, lấn chiếm vùng giải phóng. Tiếp tục thực hiện nghị quyết của Đảng, quân dân miền Nam đã kiên quyết đánh trả địch, tiến công trên cả ba mặt trận đồng thời ra sức củng cố vùng giải phóng, phát triển mạnh lực lượng quân sự địa phương và dân quân du kích. Cuối năm 1974, chính quyền Sài Gòn lâm vào cảnh khủng hoảng toàn diện và sâu sắc. Căn cứ vào tình hình này, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị mở rộng từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975 để bàn kế hoạch giải phóng miền Nam dứt điểm trong hai năm (1975 - 1976). Hội nghị còn dự kiến phương án táo bạo: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Rồi một thời cơ mới đến nhanh chóng, ngày 6-1-1975, quân dân ta đã giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Ngày 5-2-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định cử đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng cùng với các đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng, tổ chức thành bộ phận đại diện của Bộ Tổng tư lệnh và Quân ủy Trung ương mang bí danh Đoàn A.75.

Mỹ ngụy đánh hơi được sự xuất hiện của Đoàn A.75 ở Tây Nguyên và dự đoán ta tăng cường lực lượng đánh chiếm Pleiku, Kontum nên đã đưa thêm B.52 tới Thái Lan, mở cầu hàng không tăng viện vũ khí hiện đại cho hai nơi này.

Thế là cuộc đấu trí diễn ra giữa ta và địch chẳng khác nào ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 giữa ta và Pháp. Ngày 17-3-1975, theo sát tình hình ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo đánh mở màn nghi binh ở Đức Lập, Đắc Soong để bí mật tăng cường mạnh lực lượng đánh chiếm nhanh Buôn Ma Thuột, giải phóng đoạn đường 14 nối liền đường Trường Sơn mở thông hành lang vận chuyển chiến lược vào B2. Chiều ngày 9-3-1975, ta đánh Đức Lập, chiếm trục đường 19, 14, 21 mở thông đường chiến lược Đông Trường Sơn ra duyên hải miền Trung và bắt đầu cô lập Buôn Ma Thuột. Kế đó ta đánh tiếp Quảng Đức để tăng thêm cô lập Buôn Ma Thuột. Địch đã bị động khắp nơi và bị rối loạn về chiến thuật, chiến lược. Trận Buôn Ma Thuột đã chính thức bắt đầu từ sáng ngày 10-3-1975 và nhanh chóng thắng lợi toàn tỉnh Đắc Lắc. Thắng lợi trong 10 ngày đầu tháng 3 từ Phước Long, Đức Lập, Quảng Đức tới Buôn Ma Thuột đã giúp cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch 2 năm ngay trong năm 1975, xác định phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn và trước mắt cần phải tiêu diệt ngay toàn bộ lực lượng địch trong quân khu 1 của chúng. Với quyết tâm đó, trên thực tế, cuộc tiến công chiến lược đã chuyển thành cuộc tổng tiến công chiến lược.

Từ giữa tháng 3, cục diện chiến trường càng chuyển biến hết sức mau lẹ, chứng minh nhận định đúng đắn của Bộ Chính trị trong cuộc họp ngày 18-3-1975. Chiến dịch Tây Nguyên cơ bản kết thúc thắng lợi và đến ngày 24-3-1975, tại đây đã gần như sạch bóng quân thù. Lúc này, ở chiến trường phía Bắc vùng 1, địch đã phải rút bỏ Quảng Trị. Địch từ chỗ phán đoán sai chiến lược, chiến thuật của ta, chúng bắt đầu bị động đối phó, hoang mang rồi rút chạy.

Đồng chí Hoàng Văn Thái nhận định thêm trong bài viết trên: “Rõ ràng một trong những nét đặc sắc trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, không chỉ dừng lại ở bước nắm đúng thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược đúng đắn mà khi thời cơ chiến lược xuất hiện nhanh hơn dự kiến đã kịp thời nắm bắt, chỉ đạo chiến lược sắc bén, kịp thời giành thắng lợi lớn hơn, nhanh hơn”.

Chúng ta phải thấy rằng thắng lợi này là kết quả sâu xa từ thắng lợi của chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, của tiến công chiến lược 1972, là kết quả nối tiếp của 20 năm chống Mỹ. Bộ Chính trị đã khẳng định: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong 20 năm chống Mỹ cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt”. Từ nhận định này dẫn đến quyết tâm mới: “Nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”.

Trung ương đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách là thực hiện hai trận quyết chiến chiến lược nữa là Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn. Trận Đà Nẵng tạo thêm điều kiện cho trận quyết định cuối cùng là Sài Gòn. Và Quân ủy Trung ương đã nhanh chóng thông qua hai kế hoạch chiến lược này vào ngày 26-3-1975 cùng với cơ quan hậu cần điều động lực lượng, cả binh lực và vật chất kỹ thuật bảo đảm cho chiến dịch, trong đó bảo đảm cho chiến dịch này 26.000 tấn hàng các loại. Để tăng cường thêm sức mạnh cho bước tiến mới, Hội đồng Chi viện miền Nam được thành lập do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, giống như 20 năm trước, trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Bộ Chính trị đã thành lập Hội đồng Chi viện tiền tuyến cũng do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách để động viên sức người sức của ra mặt trận với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Khi Đảng, quân và dân đoàn kết một lòng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, luôn luôn mưu trí, sáng tạo giành lấy thời cơ, đưa đến chiến thắng không ngừng. Cuộc đấu trí đầy mưu lược quân sự tháng 3-1975 của Đảng ta với địch gần như hoàn hảo đã làm sụp đổ nhanh chóng chính quyền Sài Gòn khiến Mỹ không thể nhảy vào lần nữa dẫn đến cuối tháng 4-1975, một dải non sông gấm vóc bị địch tạm chiếm từ vĩ tuyến 17 vào tới mũi Cà Mau qua Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng tiến tới thống nhất đất nước một cách vẻ vang.

Từ đầu tháng 3 tới cuối tháng 4-1975, có thể nói là một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng rất đặc biệt của cách mạng miền Nam trong quá trình 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta có một bước tiến “thần tốc” làm nên lịch sử cách mạng quân sự hào hùng với sự chỉ đạo chiến lược tầm cao mới trong tình hình mới.

VƯƠNG LIÊM

Thông báo