Với dân tộc Việt Nam ta, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hi sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng ta thực hiện từ rất sớm, thực hiện dưới nhiều hình thức trong từng giai đoạn cách mạng. đến Đại hội VII (năm 1991), vấn đề nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta ngày càng được quan tâm thực hiện, tuy chưa thật hệ thống và sâu sắc. Đại hội lần thứ II (năm 1951), lần đầu tiên Đảng ta kêu gọi: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức của Hồ Chủ tịch; sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh, và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”.
Tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9-9-1969), Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn khẳng định: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác… suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hi sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”.
Từ năm 1960, Đảng ta đặt vấn đề phải đẩy mạnh việc học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. Những nội dung trên luôn được khẳng định và bổ sung trong các văn kiện Đại hội III (năm 1960), Đại hội IV (năm 1976), Đại hội V của Đảng (năm 1982). Đặc biệt tại Đại hội VI (năm 1986), đại hội đổi mới, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở nền tảng cho đổi mới tư duy lý luận của Đảng. Văn kiện Đại hội VI viết: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Báo cáo chính trị tại Đại hội VII (năm 1991) khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Chính nhờ kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa nên đã có bước phát triển rõ rệt, mà “nguyên nhân quan trọng nhất đưa lại thành tựu to lớn đó là: việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội lần thứ IX (năm 2001) của Đảng xác định khá toàn diện và có hệ thống những vấn đề cốt yếu thuộc nội hàm khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 23-CT/TW “về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, Chỉ thị nêu bật một cách toàn diện những thành tựu và hạn chế trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh từ Đại hội VII đến năm 2003. Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW, tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào đời sống thực tiễn, được xã hội đón nhận như những giá trị lý luận - tư tưởng - văn hóa rất sống động và thực sự là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng và nhân dân ta.
Đại hội lần thứ X của Đảng (năm 2006) nêu rõ, sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta 76 năm qua đã khẳng định rằng, tư tưởng vĩ đại của Người cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta…
Sau Đại hội X, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 “về tổ chức Cuộc vận động ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’”. Đánh giá về hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW, Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) nêu rõ: “(Các cấp ủy đã) Coi trọng hơn nhiệm vụ xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung chỉ đạo có kết quả bước đầu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chủ động hơn trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch”. Đại hội cũng nêu một số hạn chế, tồn tại: “Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thực sự đi vào chiều sâu, ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, làm theo chưa đạt yêu cầu”. Từ đó, Nghị quyết Đại hội đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, đồng thời yêu cầu: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân”.
Sau Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau 5 năm thực hiện, Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định: “Việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu quan trọng”. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nêu rõ hạn chế: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa đều, chưa đi vào chiều sâu ở nhiều ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức”. Từ đó, Nghị quyết yêu cầu: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, đồng thời phải “coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị mà nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức. Việc ban hành chỉ thị mới, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn về rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Đây cũng là lý do ngay sau Đại hội XII, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nhìn lại tiến trình 65 năm Đảng ta chuẩn bị và triển khai học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một lần nữa cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Có thể nói, hiện nay, việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW là giải pháp hữu hiệu để xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng và hệ thống các giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp mà cốt lõi là giá trị đạo đức vì con người, vì cộng đồng, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
ThS. Nguyễn Xuân Ngọc