Ngay sau ngày lễ độc lập ngày 2-9-1945, Đảng ta và Chính phủ lâm thời khẩn trương tập trung mọi nỗ lực phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, giữ vững chính quyền nhân dân.
Bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, đất nước ta phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức nghiêm trọng cả về quân sự và chính trị, cả về kinh tế và xã hội. Ở miền Bắc, nạn đói do Nhật, Pháp gây ra chưa được khắc phục, một nửa số ruộng đất bỏ hoang, 6 tỉnh bị lụt rồi hạn hán. Công nghiệp đình đốn, nhiều nhà máy chưa phục hồi được sản xuất. Hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, ngoại thương đình trệ. Tình hình tài chính rất khó khăn, kho bạc chỉ có 1,2 triệu đồng, trong đó quá nửa là tiền rách, thuế chưa thu được. Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp. Quân Tưởng tung tiền quốc tệ và quan kim ra thị trường gây nhiều rối loạn. 95% số dân không biết chữ, các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại rất nặng nề. Chưa quốc gia nào trên thế giới thừa nhận nền độc lập của nước ta. Từng giờ, từng phút ta phải đơn độc chống đỡ giữa vòng vây trùng điệp của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động.
Ở miền Nam, quân Pháp theo gót quân Anh vào giải giáp quân Nhật. Ngay trong tháng 9-1945, chúng tiến hành đánh chiếm Nam bộ và Nam Trung bộ. Cùng thời gian này, quân Tưởng Giới Thạch cũng nhân danh Đồng minh tràn sang nước ta, đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra, kéo theo bọn Việt quốc, Việt cách, Đại Việt lưu vong về quấy phá. Chúng đã lập được chính quyền phản động ở một số nơi như Vĩnh Yên, Yên Bái, Móng Cái… Chưa bao giờ trên đất nước ta có mặt nhiều kẻ thù bên ngoài và bên trong như lúc này. Số quân của Nhật, Anh, Pháp và Tưởng cộng lại gần 300.000 tên. Cách mạng mới thành công, chính quyền còn rất non trẻ, song tình hình nghiêm trọng như vậy đó.
Ta đứng trước hai khả năng là chiến tranh và tạm hòa bình, phải lựa chọn một. Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định dùng mọi biện pháp linh hoạt để đẩy lùi khả năng chiến tranh, tranh thủ khả năng tạm hòa bình có lợi cho ta. Đây là quyết định vô cùng sáng suốt, giúp ta có thời gian làm được nhiều việc quan trọng trước mắt. Không phải ai cũng hiểu và thông suốt ngay.
Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách là: phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói; mở phong trào chống nạn mù chữ; sớm tổ chức tổng tuyển cử; mở phong trào giáo dục cần kiệm, liêm chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyên bố tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết.
Ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị nêu ra nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là: Củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. Chỉ thị vạch rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng… Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược; phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”(1).
Ta tiến hành cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, phải đổ máu, hi sinh trong vùng có chiến sự ở miền Nam, để bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là thắng lợi to lớn, xác lập quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, là đòn đánh mạnh vào âm mưu xâm lược, chia rẽ, lật đổ của đế quốc và tay sai. Tiếp theo, Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập. Bản hiến pháp đầu tiên của nước ta được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 9-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước… Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do”(2).
Phong trào vũ trang toàn dân phát triển mạnh mẽ. Vệ quốc đoàn được chuyển thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Đến cuối năm 1946, bộ đội thường trực đã có 80.000 người, dân quân, tự vệ có gần 1 triệu người. Đã có 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Trước sự khiêu khích, tấn công của kẻ thù, ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản tuyên bố tự giải tán, kỳ thực rút vào hoạt động bí mật. Từ 5.000 đảng viên trong Cách mạng tháng Tám, đến tháng 12-1946, Đảng có hơn 20.000 đảng viên. Nhằm xây dựng và tăng cường khối đoàn kết toàn dân, một số đoàn thể quần chúng và đảng phái dân chủ lần lượt ra đời như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…, tập hợp xung quanh Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt), nòng cốt là Mặt trận Việt Minh.
Đối phó với thù trong giặc ngoài và hoạt động đối ngoại là cuộc đấu tranh vô cùng gay go và phức tạp lúc này, đòi hỏi trí tuệ sáng suốt, bản lĩnh vững vàng của Đảng và lãnh tụ ta.
Trên cơ sở xác định kẻ thù chính của nhân dân ta là thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương nhân nhượng, hòa hoãn với quân Tưởng để có thời gian xây dựng lực lượng về mọi mặt chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc có thể xảy ra. Nhờ sách lược mềm dẻo, tích cực phân hóa địch, ta làm thất bại âm mưu đen tối của bọn quân Tưởng và bè lũ tay sai muốn tiêu diệt chính quyền nhân dân của ta, hơn thế đã biến quân Tưởng thành bức rào không cho quân Pháp đặt chân đến miền Bắc.
Với bọn cầm đầu Việt quốc, Việt cách, ta cũng có những nhân nhượng: lùi cuộc tổng tuyển cử lại sau hai tuần theo yêu cầu của chúng, bổ sung 70 đại biểu Quốc hội người của chúng không qua bầu cử, mở rộng thành phần Chính phủ liên hiệp lâm thời, trong đó chúng nắm chức Phó Chủ tịch Chính phủ và hai bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế. Đông đảo nhân dân không khỏi thắc mắc về sự nhân nhượng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần giải thích: “Phải giải quyết địch mau chóng, phải dùng những phương pháp – dù là những phương pháp đau đớn – để cứu vãn tình thế”, “kiên nhẫn không phải là hèn nhát mà là một phương pháp đấu tranh”, “người ta cương thì mình phải nhu; phải khôn khéo lấy nhu thắng cương mới là biết mình, biết người”(3).
Đến ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa – Pháp được ký kết. Pháp nhân nhượng một số quyền lợi kinh tế cho chính quyền Tưởng trên đất Trung Hoa để Pháp được đưa quân ra miền Bắc Việt Nam. Còn quân Tưởng cần rút về nước là để đối phó với hoạt động của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Tình hình này lại đặt ra câu hỏi: Chúng ta phải quyết đánh hay tạm hòa với Pháp?
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sách lược mới là: Nhân nhượng hòa hoãn với Pháp, đẩy nhanh quân Tưởng về nước. Bản chỉ thị Tình hình và chủ trương của Trung ương Đảng ngày 3-3-1946 chỉ rõ: “Vấn đề lúc này không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”(4).
Sau khi Chính phủ ta đàm phán và ký kết với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, ngày 9-3-1946 Đảng lại ra chỉ thị Hòa để tiến. Chỉ thị phân tích chủ trương hòa hoãn tránh cho ta tình thế bất lợi phải đơn độc chiến đấu cùng một lúc với nhiều kẻ thù. Đồng thời, ta bảo toàn được lực lượng, tiếp tục chuẩn bị đầy đủ nhằm tiến lên giai đoạn cách mạng mới.
Ta tiếp tục xúc tiến những cuộc gặp gỡ, thương thảo với Pháp như: Hội nghị trù bị Đà Lạt (tháng 4 và 5-1946), Hội nghị Fontainebleau (từ tháng 7 đến 9-1946), ký kết Tạm ước Việt – Pháp (ngày 14-9-1946).
Nhưng quân Pháp vẫn ráo riết tiến công quân ta, khủng bố dân ta ở Nam bộ và Trung bộ, tăng cường khiêu khích và lấn chiếm ở miền Bắc nước ta. Ngày 20-11-1946, chúng mở cuộc tiến công chiếm đóng thành phố Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và đổ bộ lên Đà Nẵng. Sự kiện này là khởi điểm của kế hoạch mở rộng quy mô chiến tranh xâm lược trên toàn bộ đất nước ta. Hà Nội vốn không yên tĩnh, từ giữa tháng 12-1946 càng thêm căng thẳng. Quân Pháp cho máy bay thám thính trên bầu trời. Xe tăng và xe bọc thép tràn ra các đường phố, xả súng vào dân thường, gây ra một số vụ thảm sát ở Yên Ninh, Hàng Bún. Khả năng hòa hoãn và giải quyết cuộc chiến tranh bằng phương pháp hòa bình không còn nữa. Tuy nhiên, thời gian qua ta đã làm được nhiều việc thiết yếu, chuẩn bị đầy đủ cho chiến tranh.
Nắm quyền chủ động, đêm 19-12-1946 cuộc tiến công của ta đồng loạt nổ ra ở thủ đô Hà Nội và các thị xã, thành phố Nam Định, Hải Dương, Vinh, Huế, Đà Nẵng… Hà Nội vinh dự nã những phát đạn pháo xuống các mục tiêu địch lúc 20 giờ 3 phút đêm 19-12-1946, báo hiệu cuộc kháng chiến của cả nước bắt đầu.
Cùng lúc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ra càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!... Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”(5).
Lời kêu gọi toàn quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cổ vũ quân dân cả nước nhất tề xông lên. Hà Nội bao vây địch trong nội thành đúng 60 ngày đêm, tiêu diệt và tiêu hao hơn 2.000 tên, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo và đồng bào ra khỏi thành phố an toàn. Nam Định bao vây địch 87 ngày đêm, diệt hơn 400 tên. Huế bao vây địch 50 ngày đêm, diệt hơn 200 tên. Nam bộ và Nam Trung bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá nhiều đồn bót, giữ chân địch tại chỗ.
Theo đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta vượt qua mọi khó khăn trở ngại, từng bước tiến lên, thực hiện lời khích lệ của Bác Hồ: “Cố ráng sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, thì ta sẽ gặp mùa xuân”(6).
Các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế nhận định: “Từ lễ tuyên ngôn độc lập đến ngày toàn quốc kháng chiến, chỉ có 16 tháng, nhưng đó là một giai đoạn vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam”(7).
Và mọi người đều không quên nhắc đến vai trò quyết định của Đảng tiền phong và lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh trong giai đoạn mà đất nước đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” này.
------------------------
(1), (4) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 8, tr.26, 43-44.
(2), (5), (6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.440, 480, 433.
(3), (7) GS. Song Thành (chủ biên), Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.386-388, 424.