Năm tháng trôi qua, huyền thoại về Trường Sơn sẽ mãi trường tồn trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta. Trong đó, có một người mà tên của ông sẽ mãi là một phần không thể thiếu của Trường Sơn huyền thoại, đó là thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn), người đặt những bước chân đầu tiên soi đường mở lối cho một huyền thoại, huyền thoại về đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh.
Trên những nẻo đường chống Pháp
Thiếu tướng Võ Bẩm sinh năm 1915, tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha ông là cụ Võ Thạc, một yếu nhân trong khởi nghĩa Duy Tân, bị Pháp bắt giam và tra tấn đến chết (1916), anh trai là Võ Khoa, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên từ rất sớm và trở thành lớp đảng viên cộng sản đầu tiên. Trong quá trình tham gia cách mạng của mình, từ một đội viên đội thiếu niên xã làm nhiệm vụ rải truyền đơn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ tháng 8-1934, Võ Bẩm được Đảng phân công giữ các chức vụ bí thư chi bộ, Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đầu năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án đày qua các nhà tù Lao Bảo, Ban Mê Thuột rồi bị “an trí’’ ở Ba Tơ. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được điều vào quân đội và giữ nhiều chức vụ từ chính trị viên tiểu đoàn đến chính ủy trung đoàn, rồi Phân khu trưởng kiêm Chính ủy Phân khu phụ trách Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Phân khu Tây Nguyên, Bí thư Phân khu ủy, Bí thư Ban Cán sự tỉnh Kon Tum.
Cuối năm 1949, ông được đồng chí Nguyễn Duy Trinh trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức một đoàn tàu vượt biển sang Trung Quốc xin viện trợ cho Khu 5. Trong Hồi ký của mình ông kể lại: “Đồng chí Nguyễn Duy Trinh nói với tôi rằng: Anh đi chuyến này 99% là lọt vào tay giặc hoặc gặp bão. Anh tránh được hai cái nạn đó, vượt được 1% còn lại là thắng lợi. Như thế anh có nhận nhiệm vụ được không? Tôi nói: Tôi từ khi vào Đảng tới giờ, chưa thoái thác bất cứ việc gì mà Đảng giao cho tôi”. Thế là ông nhận nhiệm vụ. Tháng 8-1950, đoàn thuyền của Khu 5 từ Cù Lao Chàm vượt biển hướng lên phía Bắc. Vượt sự canh phòng cẩn mật của kẻ thù, vượt qua một cơn bão dữ dội trên biển đoàn thuyền của ông đã đến được đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, ông tham gia Ban Cán sự nước ngoài của Trung ương trên cương vị ủy viên, rồi làm Biện sự sứ tại Quảng Châu, tiếp nhận viện trợ của Trung Quốc và trực tiếp chuyển về chiến khu Việt Bắc. Đây là lần đầu tiên ông được báo cáo trực tiếp với Bác Hồ.
Cuối năm 1953, ông được điều trở về Khu 5 làm Trưởng ban Tác chiến Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Tháng 4-1954, ông là Chính ủy Trung đoàn 803 trực thuộc Khu 5, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc. Năm 1957, ông là Cục phó Cục Quản lý giáo dục Bộ Tổng tham mưu, rồi Cục phó Cục Nông trường quân đội.
Người soi đường, mở lối tạo nên con đường huyền thoại
Nghị quyết 15 của Đảng đã mở ra một bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam. Để chuẩn bị cho những sự chuyển biến lớn sau này, một trong những vấn đề được Bộ Chính trị quan tâm đó là mở một con đường chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam. Ngày 5-5-1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm thành lập “Đoàn Công tác quân sự đặc biệt” để nhanh chóng đưa cán bộ, bộ đội và vũ khí, đạn dược, thuốc men vào miền Nam theo kế hoạch của Bộ Chính trị.
Lúc đầu, biên chế của Đoàn chỉ có Ban Chỉ huy Đoàn Vận tải 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí..., tất cả gồm 500 người, Võ Bẩm là Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban Cán sự đảng. Đầu tháng 6-1959, đồng chí vào Hồ Xá – Vĩnh Linh chủ trì cuộc họp bàn cụ thể việc mở đường vào Nam với đại diện Khu 5 và tổ chức ngay đội khảo sát mở tuyến do đồng chí trực tiếp chỉ huy. Sau khi khảo sát xong, việc vận chuyển vũ khí được tiến hành gấp rút. 20 tấn vũ khí là chiến lợi phẩm trong kháng chiến chống Pháp được bí mật chuyển tới khu tập kết của Đoàn tại khu rừng già gần Khe Hó. Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm cán bộ, chiến sĩ băng rừng lội suối, đã đưa chuyến hàng đầu tiên vào đến Tà Riệp - Bắc A Lưới an toàn.
Ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP chính thức thành lập Đoàn 559 tương đương cấp sư đoàn trực thuộc Bộ Quốc phòng, về Đảng trực thuộc Tổng Quân ủy, với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại; vận chuyển và đảm bảo hậu cần cho Đoàn Chuyên gia 959 giúp bạn ở mặt trận Hạ Lào. Đồng chí Võ Bẩm được bổ nhiệm giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn. Suốt gần 2 năm đầu, việc vận chuyển gần như chỉ dựa vào sức người. Mỗi chiến sĩ thường xuyên phải cõng 30 – 40 kg, hết trèo qua các dãy núi dựng đứng lại bơi qua các ghềnh thác trên sông. Để đẩy nhanh tiến độ vận chuyển, Võ Bẩm đã táo bạo đề nghị phương án mượn đường bên nước bạn Lào để mở đường cơ giới. Trong một giai đoạn ngắn, hàng trăm nghìn tấn hàng hóa bao gồm súng ống, đạn dược, lương thực, thuốc men đã được vận chuyển qua dãy Trường Sơn, đi vào Nam, đảm bảo chi viện kịp thời cho tiền tuyến. Ngoài tuyến đường tây Trường Sơn đặc biệt quan trọng này, từ thế độc tuyến, Đoàn 559, dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Võ Bẩm còn mở thêm một số tuyến đường mới.
Ngay sau khi Đường Trường Sơn đi vào hoạt động ổn định, ông cũng là người đầu tiên đề nghị thí điểm mô hình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, khởi nguồn của con đường Hồ Chí Minh trên biển sau này. Kế hoạch này nhanh chóng được Bộ Chính trị thông qua và giao cho đồng chí tuyển chọn những cán bộ chiến sĩ Khu 5 tập kết thành lập đơn vị, ngụy trang là “đoàn đánh cá”. Đến đầu nǎm 1960, “tập đoàn đánh cá” này bắt đầu đánh cá để thǎm dò ở vùng biển cửa sông Gianh và tiến hành một số chuyến đưa hàng về Nam. Sau đó, tuyến đường này được giao lại cho Bộ Tư lệnh Hải quân phụ trách và đây cũng chính là sự mở đầu cho huyền thoại về các đoàn tàu không số của Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trước sự phát triển nhanh chóng của tuyến đường Trường Sơn, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã tập trung đánh phá hết sức ác liệt: hàng trăm lượt máy bay B52, hàng ngàn lượt máy bay phản lực ném bom, rải chất độc hóa học đã được huy động. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết tăng cường tổ chức và nhiệm vụ của Đoàn 559 tương đương cấp Quân khu. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được điều vào làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559; đồng chí Võ Bẩm được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh. Từ một tổ chức được gọi là “Đoàn Công tác quân sự đặc biệt” do ông làm Đoàn trưởng, sau một vài tháng được đổi tên là Đoàn 559 với số quân vẻn vẹn có 440 cán bộ, chiến sĩ, được biên chế thành một tiểu đoàn có nhiệm vụ soi lối mở đường, dần dần phát triển thành một sư đoàn với hơn một vạn quân vào cuối năm 1961, rồi thành một binh đoàn nhiều binh chủng hợp thành với hơn hai vạn quân vào giữa năm 1965. Xây dựng tuyến vận tải quân sự Trường Sơn từ đông sang tây, phương thức vận tải được chuyển từ mang vác sang gùi thồ rồi từ gùi thồ sang vận tải bằng cơ giới là chủ yếu (1963 – 1964).
Bước sang năm 1965, Bộ Chính trị quyết định mở đường 20 Quyết Thắng, xuất phát từ Phong Nha (Quảng Bình) vượt qua dốc U Bò, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phù La Nhích sang đến Lùm Bùm (tây Trường Sơn, thuộc địa phận nước bạn Lào), đây cũng chính là những trọng điểm ác liệt nhất trên đường Trường Sơn sau này. Phó Tư lệnh Võ Bẩm đã trực tiếp trình bày phương án chọn tuyến cũng như giải pháp thi công với đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và được nhất trí cao. Năm 1966, sau khi đường 20 mang tên đường Quyết Thắng, một hành lang vận chuyển chiến lược quan trọng trong hệ thống đường Trường Sơn hoàn thành, ông được đưa ra Hà Nội để chữa bệnh. Những năm tháng lăn lộn trên đường Trường Sơn, đối mặt với muôn vàn hiểm nguy đã vắt kiệt sức khỏe của một người đàn ông to cao vạm vỡ. Những ngày cuối cùng sống trên đỉnh Trường Sơn, ông bị xuất huyết não. Hơn một tháng liền nằm liệt trên giường bệnh, ông vẫn cố giữ cho đầu óc mình tỉnh táo nhất để chỉ đạo mọi hoạt động của đường Trường Sơn. Ngày ông nhận quyết định ra Hà Nội chữa bệnh, tất thảy những người lính ở đường Trường Sơn đều nghẹn ngào. Hơn bất cứ ai, họ mong ông sớm lành bệnh, nhưng sự thiếu vắng ông trên con đường máu lửa là nỗi trống vắng không gì bù đắp được trong trái tim những người lính đã cùng nhau vào sinh ra tử trong những ngày đầu gian khó.
Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh sau này đã qua 4 lần thay đổi Tư lệnh. Thiếu tướng Võ Bẩm là một trong những người đặt nền móng cho việc hình thành một binh đoàn vận tải chi viện chiến lược mà chiến công vang dội của nó đã đi vào lịch sử. Sau khi chữa bệnh, đồng chí được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Chính ủy Đoàn 959, chuyên gia quân sự Trung - Hạ Lào, sau đó làm Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục (tháng 11-1967), Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Tổng tham mưu, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu (năm 1969), Trưởng ban Căn cứ Bộ Quốc phòng. Tháng 8-1971, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra quân đội, sau đó được Nhà nước cho nghỉ hưu vào năm 1985…
Với những đóng góp của mình, ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; hai Huân chương Quân công hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Chiến thắng hạng nhất… và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Năm nay, vị tướng của chúng ta vừa tròn 100 tuổi, hình ảnh của ông sẽ mãi là của một cán bộ rất mực trung kiên, là một cán bộ có tài, dũng cảm sáng tạo và quyết đoán, rất mực yêu thương đồng đội và cấp dưới, một vị tướng giản dị, khiêm tốn, cương trực và thủy chung và sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người lính Trường Sơn.
TS. NGUYỄN TRUNG NGHĨA