Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Về ý kiến "Phát huy và mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội"

Sau thời gian lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng, có nhiều ý kiến tích cực xây dựng đầy tâm huyết, trí tuệ. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái chiều, có nội dung không tích cực, phủ nhận quá trình thực hành dân chủ của Đảng, gây bất lợi trong việc lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo các văn kiện của Đảng, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng với dân, cản trở việc thực hiện quyền dân chủ của đảng viên và nhân dân.

Cụ thể, có 2 ý kiến đáng quan tâm:

Thứ nhất, vấn đề bầu cử trong Đảng, có ý kiến cho rằng: Bầu cử từ cấp thấp đến cấp cao cần phải tổ chức thật dân chủ, tranh cử nhiều người, thực hiện phổ thông đầu phiếu. (…) Phải để ứng viên tranh cử, người dân bầu cử trực tiếp ở một cấp nào đó, quận huyện, tỉnh thành chẳng hạn. (…) Phải chuẩn hóa thể chế dân chủ ấy bằng luật pháp ở các vấn đề cán bộ, bầu cử. Muốn vậy cần phải thật sự đột phá, thay đổi từ quan điểm. Phải thay “Đảng cử Dân bầu” bằng “Dân bầu Đảng cử”. Trước nay, chúng ta tìm cán bộ trong đội ngũ, lấy quan điểm đấu tranh giai cấp làm động lực phát triển...

Ở đây có 3 vấn đề cần quan tâm:

Một là, không thể coi nhẹ quan điểm đấu tranh giai cấp trong công tác cán bộ. Ý kiến cho rằng “nay phải lấy lòng yêu nước làm động lực phát triển”, như vậy lấy một khái niệm chung, rộng cho bất kỳ ai là người Việt Nam có lòng yêu nước là đủ xác định tiêu chí một cán bộ là cách hiểu sai lệch. Vì một cán bộ bên cạnh tiêu chí yêu nước còn phải là một người có phẩm chất chính trị vững vàng, nắm vững quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về lập trường giai cấp và đấu tranh giai cấp. Lịch sử loài người đã chứng minh, trong xã hội có giai cấp, thì nhân tố thúc đẩy, là động lực quyết định sự phát triển lịch sử xã hội là đấu tranh giai cấp, bên cạnh các nhân tố khác như sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển tư tưởng văn hóa, đạo đức, nghệ thuật... Ở Việt Nam hiện nay, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn còn đang tiếp tục diễn ra hàng ngày hàng giờ trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trước hết là lĩnh vực kinh tế, chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Nội dung đấu tranh giai cấp hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chống bất công áp bức, đấu tranh, ngăn chặn, khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực, sai trái, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Như vậy, quan điểm đấu tranh giai cấp là một phẩm chất chính trị, phải được học tập rèn luyện thường xuyên mới xây dựng được ở một người cán bộ lãnh đạo, không thể mơ hồ thay đổi một quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong công tác cán bộ.

Hai là, không thể thực hiện phổ thông đầu phiếu để bầu cử cán bộ lãnh đạo trong Đảng. Vì bầu cử trong Đảng khác với bầu cử cán bộ quản lý nhà nước, bầu cử trong Đảng phải theo đúng Điều lệ, nguyên tắc và các quy định của Đảng. Còn bầu cử trong xã hội theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử, của hiến pháp mỗi quốc gia tiến bộ trên thế giới. Đó là nguyên tắc có nội dung bảo đảm cho công dân không phân biệt nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú…, trừ một số người không có hoặc bị tước quyền công dân. Yêu cầu của nguyên tắc này là nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong bầu cử.

Bầu cử trong Đảng không thể theo phổ thông đầu phiếu như trong bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Người tham gia bầu cử trong Đảng phải là đảng viên chính thức, là thành viên của đại hội chi bộ, là đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp, được ban thẩm tra tư cách xác nhận. Vì vậy, việc đòi hỏi “để ứng viên tranh cử, người dân bầu cử trực tiếp ở một cấp nào đó…”, nếu thực hiện với các chức danh trong Đảng là một đòi hỏi phi lý, không thể gọi là dân chủ, vì đó là một việc làm tùy tiện trong việc bầu cử của Đảng.

Ba là, về vấn đề “Đảng cử dân bầu”, đây là một quy trình bầu cử đúng pháp luật, đúng nguyên tắc. Đảng lãnh đạo, nhưng Đảng cũng là một bộ phận, một tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đảng giới thiệu người ra ứng cử cho Quốc hội, cho HĐND là lẽ đương nhiên, đúng luật với danh sách ứng cử độc lập và được niêm yết công khai, để cử tri tìm hiểu, lựa chọn. “Đảng cử dân bầu” cũng không trái với nguyên tắc bình đẳng vì có sự phân bố hợp lý cơ cấu thành phần, số lượng ứng viên để đảm bảo tiếng nói đại diện của vùng miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc... Nếu đảo ngược quy trình để dân bầu trước khi Đảng cử thì làm sao có ứng cử viên hợp lý để bầu? Thực hiện một quy trình ngược có thể để kẻ xấu lợi dụng để loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng trong bầu cử, từ đó xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, với xã hội. Do đó, Đảng phải giữ quyền đề cử nhân sự có cơ cấu hợp lý, khoa học trong danh sách ứng cử viên để dân bầu.

Thứ hai, phản biện về vấn đề dân chủ, phản đối việc “phát huy và mở rộng dân chủ”, vì dân chủ là quyền con người trong xã hội đã được nhân loại công nhận, chỉ có quyền dân chủ phải được đảm bảo trọn vẹn, không có “dân chủ hẹp, dân chủ rộng” để “phát huy” hay “mở rộng”. Điều này cần phải được tranh luận.

Dân chủ phải được “phát huy” và được “mở rộng” là một quan điểm đúng đắn hợp lý, có cơ sở lý luận và thực tiễn mà các đại hội Đảng, các văn kiện của Đảng thường đề cập. Phát huy dân chủ là một nội dung lớn của đường lối cách mạng Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, khẳng định dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Dân chủ vừa là chế độ chính trị vừa là quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của công dân, là phương thức và nguyên tắc tổ chức xã hội, trong đó quyền của mỗi cá nhân, được thể hiện qua các khái niệm như dân chủ chính trị, dân chủ kinh tế, dân chủ trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội… Quyền đó phải được phát huy, được coi trọng mới bảo đảm thực hiện dân chủ một cách đúng đắn và đầy đủ. Cho nên phải phát huy dân chủ là một lẽ đương nhiên, hợp lý, hợp tình, hợp với quy luật.

Dân chủ còn phải được mở rộng, vì dân chủ xã hội chủ nghĩa được xem xét trên nhiều khía cạnh thì dân chủ vừa là một hình thức chính trị, một thể chế nhà nước vừa thừa nhận quyền tự do bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Do đó, phải mở rộng dân chủ để tạo điều kiện quan trọng đoàn kết toàn dân, để gắn liền mối quan hệ giữa Đảng với dân, Đảng với Nhà nước, các đoàn thể. Điều đó khác với dân chủ tư sản, bởi ở chế độ tư bản, cũng là dân chủ nhưng bó hẹp trong quyền lợi của một ít người cầm quyền có thế lực của giai cấp tư sản, trong bộ máy cai trị của nhà nước tư bản, chứ không phải là dân chủ rộng rãi cho đại đa số nhân dân. Nghĩa là một thứ dân chủ hẹp không thể mở rộng được, không thể vì lợi ích của người lao động, của mọi người như dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Trên thực tế, dân chủ có tính lịch sử cụ thể và chịu sự tác động sâu sắc của các điều kiện về kinh tế - xã hội, văn hóa, tập quán… Ở những giai đoạn khác nhau, những không gian khác nhau thì nhận thức và thực hành dân chủ cũng không giống nhau. Do đó, dân chủ không phải là một phạm trù bất biến để không thể “phát huy” hay “mở rộng”.

Không phải ngẫu nhiên mà trong Di chúc, Bác Hồ khi dặn dò về giữ gìn khối đoàn kết thống nhất, Bác viết “Phải thực hành dân chủ rộng rãi”, nghĩa là phải mở rộng dân chủ.

Tóm lại, phát huy và mở rộng dân chủ là một lẽ đương nhiên, một quan niệm đúng đắn trên cơ sở khoa học, cơ sở lý luận cũng như thực tiễn, không thể phản đối và xuyên tạc.

HỒ THANH KHÔI

Thông báo