Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Kỷ niệm 75 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940 – 23-11-2015)

Khởi nghĩa Nam Kỳ Dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam "Thành đồng Tổ quốc"

Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có rất nhiều sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử, chứa đựng những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng và nhân dân ta. Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 là một trong những sự kiện như vậy, cuộc khởi nghĩa đã để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, khi đặt lời tựa cho cuốn sách Nam Kỳ khởi nghĩa của nhà nghiên cứu Trần Giang, đã viết: “Những người tiếp nối sự kiện vinh quang có bao giờ quên được những đàn anh đi trước đã lót đường cách mạng giải phóng dân tộc bằng chính tấm thân mình!”(1). Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với những đau thương mất mát, những bài học kinh nghiệm phải trả bằng xương, bằng máu là một trong những bản hùng ca bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Đồng thời, đó cũng là động lực để người trước ngã xuống, người sau đứng lên viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, là cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra những quyết sách đúng đắn, dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành lấy độc lập, tự do và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy chưa thành công, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là thắng lợi của ý chí kiên cường, bất khuất, lòng dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh của đồng bào, các chiến sĩ cộng sản, chứng tỏ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quật khởi của nhân dân ta.

Tình hình thế giới và trong nước cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 đã đặt Đảng ta trước một yêu cầu phải chuyển hướng chiến lược chỉ đạo cách mạng. Thế giới đứng trước hiểm họa của chủ nghĩa phát xít; sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp đối với nhân dân ta lên đến đỉnh điểm, mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã đề ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các dân tộc Ðông Dương. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng đã đưa đến chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ. Ðến giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 20-11-1940, Ban Thường vụ họp khẩn cấp quyết định cho tất cả các nơi nổi dậy. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy thông báo cho các cấp cuộc khởi nghĩa được bắt đầu vào lúc 24 giờ ngày 22-11-1940 và lệnh khởi nghĩa sẽ được phát đi từ thành phố Sài Gòn. Vào đêm 22, rạng sáng ngày 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ thuộc Xứ ủy, cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ đồng loạt hầu hết các tỉnh tại Nam Kỳ với tinh thần quyết liệt, khí thế tiến công mạnh mẽ.

Thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, tiến hành khủng bố trắng, dìm cuộc khởi nghĩa vào trong biển máu. Theo các báo cáo của chính quyền thuộc địa, tính cho đến hết ngày 31-1-1941, Pháp đã bắt 7.048 người(2). Hàng nghìn người bị xử tử, chết trong tù, bị đày ra Côn Ðảo và bị giam trong các trại tập trung Bà Rá, Tà Lài... “Có thể nói từ khi Pháp sang thống trị nước ta, chưa có cuộc nổi dậy chống đối nào bị đế quốc Pháp xử tử hình, tù chung thân và các loại tù khác nhiều như cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940”(3).

Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và thất bại song có ý nghĩa rất lớn lao. Cuộc khởi nghĩa đã góp phần làm sáng tỏ tính chính xác và đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, tích cực chuẩn bị lực lượng chuyển sang đấu tranh vũ trang giành lấy chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Đồng thời, khởi nghĩa Nam Kỳ đã chứng minh rằng muốn lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc để giành độc lập tự do cho dân tộc, nhất thiết phải bằng khởi nghĩa cách mạng, bạo lực vũ trang của toàn dân, chứ không chỉ bằng đấu tranh chính trị đơn thuần được.

Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Người triệu tập Hội nghị Trung ương 8 tại Pắc Bó (Cao Bằng). Hội nghị đã kết luận sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương 6 là hoàn toàn đúng đắn. Đồng thời khi tổng kết kinh nghiệm của các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương và Nam Kỳ, Hội nghị cũng cho rằng: “Mặc dù sự đàn áp của giặc Pháp rất dữ dội mà dân ta vẫn không lùi. Những cuộc khởi nghĩa lại gây một ảnh hưởng rộng lớn toàn quốc. Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương”(4). Trong đó, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc. Các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội đều tham gia khởi nghĩa trên quy mô rộng lớn khắp Nam Kỳ. Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại những bài học, kinh nghiệm vô cùng sinh động. Từ thực tiễn của cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ, Ðảng ta đúc rút nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn đến thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ phân tích sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương chủ trương phải phát huy tính tích cực, chủ động cách mạng, phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, để khi thời cơ đến, có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương để mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Bên cạnh đó, khởi nghĩa Nam kỳ cũng thể hiện một thực tiễn là muốn khởi nghĩa thắng lợi phải xây dựng lực lượng một cách toàn diện, cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, trong đó, lực lượng chính trị là nòng cốt và lực lượng vũ trang đóng vai trò xung kích. Chính vì thế, sau khi tổng kết kinh nghiệm, Đảng ta cũng đã có những bước đi sáng suốt nhằm xây dựng một lực lượng cách mạng hùng hậu, mạnh mẽ, sẵn sàng chờ đón thời cơ.

Như vậy, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy bộc lộ những hạn chế như trong lựa chọn thời cơ, xây dựng lực lượng… song cũng chính những vấn đề này đã trở thành những bài học kinh nghiệm của Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng. Cuộc khởi nghĩa trở thành tiền đề thực tiễn quan trọng để Đảng đề ra chủ trương đường lối đúng đắn dẫn dắt cuộc vận động cách mạng của nhân dân đi đến thắng lợi thông qua cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, với chính sách đàn áp khủng bố rất dã man, quy mô lớn và kéo dài chưa từng thấy của thực dân Pháp và tay sai đã làm cho Đảng bộ Nam Kỳ tổn thất nặng nề. Hệ thống tổ chức của Đảng từ cấp Xứ đến cơ sở bị phá vỡ gần hết. Bí thư Xứ ủy bị địch bắt, 4 liên tỉnh ủy, 14 tỉnh ủy, ban cán sự bị xóa hoặc tê liệt. Toàn Nam Kỳ bị mất đến 90% cán bộ cách mạng, tạm thời mất liên lạc với Trung ương. Hai tháng sau khi phần lớn Xứ ủy viên bị bắt, các Xứ ủy viên còn lại tái lập Xứ ủy. Nhưng chỉ vài tháng sau, 9 trong 10 thành viên của Xứ ủy lại bị bắt. Phong trào cách mạng Nam Kỳ rơi vào tình cảnh ngặt nghèo: không còn Xứ ủy, liên lạc với Trung ương bị gián đoạn. Tình hình này kéo dài mãi đến năm 1943 mới khôi phục, khi Xứ ủy mới được thành lập. Sự tổn thất nặng nề về lực lượng, sự bắt bớ, đàn áp của kẻ thù, có thể nói chính là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến sự không thống nhất mang tính nhất thời trong Đảng bộ Nam Kỳ, dẫn đến việc có hai Xứ ủy tại Nam Kỳ trong giai đoạn từ năm 1943 đến năm 1945, Đảng bộ Nam Kỳ có sự rạn nứt về tổ chức, tuy nhiên, “sự rạn nứt này chỉ là cục bộ và tạm thời mà thôi”(5).

Thế nhưng, vượt qua mọi tổn thất, vượt qua mọi khó khăn, vượt qua sự đàn áp khủng bố của kẻ thù, vì mục đích cao cả của cách mạng; và nhờ vậy vượt qua cả sự không thống nhất trong nội bộ Đảng bộ Nam Kỳ, các đảng viên kiên trung tại Nam Kỳ vẫn tích cực hoạt động gây dựng lại được tổ chức đảng, gây dựng lại lực lượng để chờ đón thời cơ tổng khởi nghĩa. Đảng bộ Nam Kỳ nói chung, các tổ chức đảng tại Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã có những chủ động và sáng tạo trong xây dựng lực lượng.

Không những vậy, khởi nghĩa Nam Kỳ còn ảnh hưởng đến quyết định ra lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ. Ngày 15-8-1945, ngay sau khi Nhật vừa đầu hàng Đồng minh, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ thành lập Ủy ban Khởi nghĩa; Bí thư Xứ ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa. Tổ chức lãnh đạo khởi nghĩa được thành lập từ rất sớm, thế nhưng phải 10 ngày sau, khởi nghĩa mới nổ ra tại Sài Gòn và sau đó là ở tất cả các tỉnh Nam bộ. Bài học khởi nghĩa Nam Kỳ đã khiến cho một số đồng chí trong Xứ ủy chưa thống nhất về thời điểm tiến hành tổng khởi nghĩa, vẫn mang một tư tưởng cẩn thận, sau những mất mát của khởi nghĩa Nam Kỳ. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được suy nghĩ của các đồng chí này, họ cho rằng ngoài miền Bắc chưa khởi nghĩa mà trong Nam bộ đã khởi nghĩa là phiêu lưu, dễ rơi vào tình cảnh bị đàn áp như cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Ngày 20-8-1945, Xứ ủy Nam Kỳ nhận được tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, thì ngay sáng ngày 21-8, Xứ ủy triệu tập gấp Hội nghị mở rộng. Hội nghị chuẩn bị theo đề nghị của đồng chí Bí thư Xứ ủy là giao cho Tỉnh ủy Tân An lãnh đạo khởi nghĩa thí điểm, chiếm tỉnh lỵ vào đêm 22 rạng ngày 23-8, nếu Nhật không can thiệp thì Sài Gòn và các tỉnh còn lại sẽ khởi nghĩa. Hội nghị đã bàn, quyết định cách thức khởi nghĩa ở thành phố, dự kiến việc huy động lực lượng quần chúng ở ngoại thành Sài Gòn (còn gọi là “Vành đai đỏ”) vũ trang kéo vào thành phố và dự kiến thành phần chính quyền cách mạng lâm thời Nam bộ. Sáng 23-8-1945, sau khi khởi nghĩa ở Tân An thắng lợi, Hội nghị Xứ ủy mở rộng được triệu tập gấp, quyết định tối ngày 24-8 sẽ khởi nghĩa ở Sài Gòn. Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra theo đúng kế hoạch và giành được thắng lợi rực rỡ.

*

Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc nổi dậy kế tục và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta, chiến đấu dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là một trang sử oanh liệt và đau thương của nhân dân Nam bộ, những người đã đứng lên chấp nhận hi sinh quyết giành lại độc lập cho xứ sở, dưới ngọn cờ của những người cộng sản. Qua khởi nghĩa Nam Kỳ, đảng viên và quần chúng cách mạng được tôi luyện, được thử thách và trưởng thành. Sự đàn áp hết sức dã man và tàn bạo của kẻ thù làm nổi bật lên sự dũng cảm của nhân dân, sự hi sinh anh dũng của cán bộ đảng viên ở Nam Kỳ. Khởi nghĩa Nam Kỳ là biểu trưng cho tầm vóc to lớn và uy tín sâu rộng của Đảng đối với nhân dân Nam Kỳ trong suốt quá trình vận động cách mạng, từ cấp Xứ, đến các tỉnh ủy, các chi bộ và từng đảng viên, thể hiện được tinh thần cách mạng tiến công của Đảng, tinh thần quật khởi của dân tộc ta. Tinh thần chiến đấu anh dũng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta.

Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng đã góp phần xứng phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc: Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã đi cùng dân tộc trong suốt hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là nhân dân Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc” và sẽ tiếp tục đồng hành cùng đất nước ta trên con đường xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

-------------------------------

(1) Trần Giang, Nam Kỳ khởi nghĩa 23 tháng mười một năm 1940, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 9.

(2) Báo cáo chính trị tháng 12-1940 và tháng 1-1941 của Thống đốc Nam kỳ. Tài liệu Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP.HCM).

(3) Trần Giang, Nam Kỳ khởi nghĩa 23 tháng mười một năm 1940, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.304.

(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.109.

(5) Tiểu ban Nghiên cứu lịch sử Đảng – Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Chuyên đề: Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải phóng, tr.14.

THÂN THỊ THƯ Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

Thông báo