Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nghệ thuật vận động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn quốc kháng chiến

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công do sự lãnh đạo tài tình của Đảng đã giành được chính quyền về tay nhân dân sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp xâm lược chiếm đóng và cai trị đất nước ta. Nhưng liền sau đó, thực dân Pháp với sự giúp sức của quân Anh đã quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, vào giữa đêm 23-9-1945 chỉ sau Tổng khởi nghĩa chưa đầy một tháng. Rồi, chưa đầy nửa năm sau, chúng chuyển thêm quân từ Trung Quốc sang đánh Lạng Sơn, đổ bộ Hải Phòng rồi tấn công thủ đô Hà Nội vào đêm 19-12-1946, đúng như tiên đoán của Trung ương Đảng ta trong Chỉ thị toàn dân kháng chiến (ngày 12-12-1946). Ngày 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Tổng Bí thư Trường Chinh cho ra mắt tác phẩm khẳng định Kháng chiến nhất định thắng lợi (tháng 9-1947).

Như vậy, “Khi Pháp đã cố ý gây chiến tranh, chúng ta không thể nhịn nữa thì cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu”(1). Nhưng cuộc kháng chiến của chúng ta là cuộc chiến tranh nhân dân, do nhân dân tiến hành, vì vậy phải làm cho toàn dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu… Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng được minh họa nổi bật bằng khẩu hiệu “Mỗi phố là một mặt trận, mỗi làng là một pháo đài”.

Nếu trước đây, Cách mạng tháng Tám được tiến hành bằng nghệ thuật tổng khởi nghĩa khoa học của Đảng với thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì cuộc kháng chiến toàn quốc là một nghệ thuật vận động kháng chiến – đối ngoại nhân dân tài tình, khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với chủ trương, đường lối và chỉ thị của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến kịp thời, đúng lúc, hợp lòng dân và có chính nghĩa thể hiện ý chí “khao khát hòa bình, không muốn chiến tranh và kháng chiến là điều bắt buộc” nên ở lời mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chủ tịch tuyên cáo: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Để thực hiện cuộc vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân trong cả nước tham gia kháng chiến đạt hiệu quả, Người có bài viết Hỏi và trả lời để chuẩn bị thêm tâm lý, tư tưởng cho đồng bào về trường kỳ kháng chiến và sự thắng lợi, kháng chiến và sản xuất, vài ý kiến về các ủy ban kiến thiết, ủy ban tản cư, động viên dân chúng tăng gia sản xuất.… Người kêu gọi:“Tiền phương chiến sĩ hy sinh/ Hậu phương sản xuất tăng gia…”. Người khích lệ: “Dân ta phải giữ nước ta/ Dân là con nước, nước là mẹ chung”...

Vì yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh nên Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị “Hòa để tiến”. Chính phủ ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã cố gắng xúc tiến và tham dự nhiều hội nghị với thực dân Pháp khi nhận ra dã tâm gây hấn âm mưu chiếm lại Việt Nam (hội nghị ở Đà Lạt, hội nghị ở Fontainebleau, Pháp cuối năm 1945), ký kết nhiều hòa ước (Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946) nhưng đều bị phía Pháp phản bội, phá hoại. Trước vô vàn khó khăn, thách thức đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tâm huyết và công sức viết thư vận động trong và ngoài nước với phương thức đối ngoại nhân dân để cuộc kháng chiến toàn quốc được đồng tình ủng hộ, trong đó, Người đã viết các thư gửi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân cách nước đồng minh (ngày 21-12-1946), cho kiều dân Pháp (ngày 24-12-1946), cho tù binh Pháp (ngày 24-12-1946), gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp năm mới (ngày 1-1-1947), thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp (ngày 7-1-1947), lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp (ngày 10-1-1947), gửi lãnh tụ và nhân dân các nước nhân dịp Tết Nguyên đán 1947. Người cũng gửi thư đến Chính phủ Pháp và đề nghị chấm dứt chiến tranh (ngày 25-1-1947), gửi Tổng thống Pháp Vincent Auriol, gửi Bộ trưởng Marius Moute, Ủy viên của Chính phủ Pháp sang Việt Nam (ngày 3-1-1947), cả tướng Leclerc đang cầm đầu chiến tranh ở Nam bộ (ngày 1-1-1947). Sau khi Việt Nam bầu được Quốc hội, Người tiếp tục gửi cho Quốc hội và nhân dân Pháp (ngày 5-3-1947).

Trong thư gửi Chính phủ Pháp, Nghị viện Pháp, nhân dân Pháp, các nước dân chủ trên thế giới (tháng 3-1947), vừa khiêm tốn vừa thẳng thắn, cương quyết tỏ rõ lập trường, chủ trương, đường lối và giải pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng tôi muốn độc lập và thống nhất, chúng tôi chỉ muốn hòa bình, chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng chúng tôi quyết tự vệ đến giọt máu cuối cùng, chúng tôi quyết không chịu mất nước làm nô lệ thực dân lần nữa. Mong Chính phủ, Nghị viện và nhân dân Pháp hiểu cho. Mong các nước dân chủ trên thế giới hiểu cho”. Ngoài ra, để tô đậm cho chính nghĩa và ước muốn hòa bình của nhân dân Việt Nam, tạo sự đoàn kết gắn bó, chia sẻ và tìm sự ủng hộ chân chính với các nước tiến bộ trong khu vực, Người còn có thư gửi Chính phủ và nhân dân Ấn Độ, Miến Điện, lãnh tụ các nước Nam Á… bên cạnh các cuộc tiếp xúc thân hữu, trả lời phỏng vấn khéo léo với báo chí.

Trong những ngày đầu kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, tại tỉnh Thái Nguyên, Người vẫn để cửa, đón bắt từng cơ hội với mong muốn ngăn chặn được chiến tranh nên đã tiếp ông Paul Mus, người từng học ở Hà Nội và là thành viên của trường Viễn Đông Bác cổ, năm 1945 là phái viên của Tổng thống De Gaulle, cố vấn chính trị của Leclerc, lúc đó là phái viên của Cao ủy Pháp Emile Bollaert tại Hà Nội. Ông muốn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để thăm dò tình hình, ra điều kiện ngưng bắn áp đặt với tư thế của nước mạnh, đông quân, nhiều vũ khí nhưng đã bị đối thủ của mình thẳng thừng bác bỏ. Ông Paul Mus tỏ vẻ thất vọng nên trước khi rời chiến khu, hỏi: “Thưa Chủ tịch, như vậy là chiến tranh tiếp diễn?”. Hồ Chủ tịch nghiêm sắc mặt: “Chúng tôi muốn hòa bình nhưng không phải là hòa bình với bất cứ giá nào! Mà phải là hòa bình trong độc lập tự do”(2).

Với nhận thức sâu sắc về lịch sử, am hiểu tình hình thế giới, nắm rõ phong trào nhân dân tiến bộ, trong đó có phong trào công nhân và cộng sản, Người đã thực hiện các phương thức vận động đa dạng, phong phú cho cuộc kháng chiến trường kỳ, nhất định thắng lợi của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người xác định: “Giồng khoai ba tháng mới có củ, giồng lúa bốn tháng mới được ăn. Giồng tự do và độc lập ít nhất cũng phải một năm, hoặc 5, 7 tháng. Thử xem Trung Quốc kháng chiến 8 năm mới thắng lợi, Nam Dương kháng chiến 2 năm chưa thành công. Pháp chiếm nước ta hơn 80 năm. Nếu ta cần phải kháng chiến 4 năm mà được hoàn toàn tự do độc lập thì cũng sướng lắm rồi”.

Bằng tinh thần lạc quan, yêu nước nồng nàn, cảm thông sâu sắc nỗi thống khổ của nhân dân bị áp bức, nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm cùng với Đảng và nhân dân tìm mọi cơ hội để tránh đổ máu, nhưng đối với kẻ thù “Thà hi sinh tất cả chớ quyết không làm nô lệ một lần nữa”, “dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn, nhất định phải giành cho được độc lập, tự do cho đất nước”. Thế là cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc bắt đầu tiến hành quyết liệt trên cả nước với mọi tư thế sẵn sàng nhưng nhân dân tiến bộ trên thế giới đã cảm thông và sẻ chia với nhân dân Việt Nam qua các nhà báo, bạn bè, lãnh tụ từ các bức thư thân thiện, có chí khí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thu hút các phương tiện truyền thông luôn ngả về phía chính nghĩa Việt Nam.

Do đó, trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, chúng ta không đơn độc mà luôn được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ khắp nơi trên thế giới. Đó là nhờ vào nghệ thuật của cuộc vận động và đối ngoại kháng chiến sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh

-------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, 1980, tr.472.

(2) Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, nhà báo Hữu Mai ghi, Tổng tập hồi ký, NXB Quân đội nhân dân, Hà nội 2006, tr.435.

VƯƠNG LIÊM

Thông báo