Thứ Năm, ngày 12 tháng 9 năm 2024

Truyền lửa, truyền nghề cho nông dân trẻ khơi nguồn sáng tạo

Bí thư Đoàn Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Nguyễn Hoàng Duy Lưu hướng dẫn đoàn viên, thanh niên và người dân trồng rau bằng phương pháp thủy canh tại huyện Hóc Môn.

(Thanhuytphcm.vn) - Trong 15 cá nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024, Bí thư Chi bộ 3, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Cây trồng và Vật nuôi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Bí thư Đoàn Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Nguyễn Hoàng Duy Lưu đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực, làm lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội, được áp dụng vào quá trình lao động sản xuất kinh doanh, qua đó truyền lửa, hỗ trợ, hướng dẫn, truyền nghề cho nông dân trẻ khơi nguồn sáng tạo.

Nhiều sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp và người dân hàng tỷ đồng

Chia sẻ về những sáng kiến của mình, đồng chí Nguyễn Hoàng Duy Lưu cho biết, sáng kiến “Xây dựng quy trình trồng dưa lưới trên giá thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn tại Cần Giờ” đã được ứng dụng rộng rãi tại khu vực phía Nam nói chung, TPHCM nói riêng và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất dưa lưới thường áp dụng ở các vùng trước đây là diện tích đất nông nghiệp, sử dụng nguồn nước ngầm không bị nhiễm phèn, mặn để tưới cho cây. Việc sản xuất dưa lưới tại các vùng đất có nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn gặp nhiều khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Duy Lưu, sáng kiến này, được áp dụng tại Hợp tác xã Thuận Yến - Cần Giờ đã đem lại hiệu quả rõ rệt với năng suất 17,5 tấn/vụ, giá trị làm lợi 800 triệu đồng/năm, qua đó, góp phần khai thác quỹ đất bị nhiễm phèn tại hợp tác xã và các hộ dân, đơn vị ở Cần Giờ.

Đối với sáng kiến “Sử dụng dung dịch tảo và khoáng trong quy trình gieo ươm các giống cà tím, ớt, rau ăn lá, bầu, bí và khổ qua trong nhà màng”, đồng chí Nguyễn Hoàng Duy Lưu cũng cho biết, với sáng kiến này đã đưa ra giải pháp gieo ươm cây con giống mang lại hiệu quả cao nhất, tăng năng suất và chất lượng cây con giống, tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt giống, giúp bộ rễ phát triển khỏe, tăng khả năng kháng bệnh khi xuất vườn và giảm thời gian từ trồng đến thu hoạch, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường cung cấp cây con giống các loại. Giảm thiệt hại cho bà con nông dân khi gieo hạt trực tiếp ngoài đồng ruộng. Với sáng kiến trên đã giúp doanh thu cho người dân trong năm đạt 1,6 tỷ đồng và làm lợi hơn 650 triệu đồng.

Riêng sáng kiến về “Tăng hiệu quả trồng lan kim tuyến bằng phương pháp bọc túi nilon”, đồng chí Nguyễn Hoàng Duy Lưu cho biết, sáng kiến đã mang lại hiệu quả tăng tỷ lệ sống của cây con đến hơn 90%. Chất lượng cây đồng đều, cây sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, giảm tối đa thời gian chăm sóc, nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tận dụng không gian ở các khu vực vườn ươm cây, với giá trị làm lợi hơn 603 triệu đồng/năm.

Đối với sáng kiến về  “Giải pháp bấm ngọn và xử lý paclobutrazol trong canh tác cây hoa phong lữ trồng chậu”, đồng chí Nguyễn Hoàng Duy Lưu cũng chia sẻ, sau khi được áp dụng sáng kiến bấm ngọn và xử lý paclobutrazol, cây hoa phong lữ thon gọn, tán cây đều và rộng hơn (tăng từ 20 cm lên 26 cm), hạn chế đổ ngã cây, tạo dáng cây đẹp hơn, cây phân cành nhiều hơn (tăng từ 2 cành lên 5 cành), tăng số phát hoa nở đồng loạt (tăng từ 1 - 2 phát hoa lên 3 - 4 phát hoa) so với cây không được áp dụng sáng kiến. Với sáng kiến này, đã góp phần xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác cây hoa phong lữ trồng chậu; sáng kiến là cơ sở để hoàn thiện quy trình canh tác các loại hoa, cây kiểng khác. Giá trị làm lợi hơn 675 triệu đồng/năm…

Bí thư Đoàn Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Nguyễn Hoàng Duy Lưu. Bí thư Đoàn Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Nguyễn Hoàng Duy Lưu.

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ

Ngoài các sáng kiến đóng góp khác trong phong trào thi đua lao động sáng tạo, đồng chí Nguyễn Hoàng Duy Lưu còn tham gia xây dựng 6 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp cho Sở Khoa học và Công nghệ TP phục vụ cho bà con nông dân học tập trực tuyến bao gồm: quy trình kỹ thuật sản xuất cây hương thảo trồng chậu ứng dụng công nghệ cao, quy trình kỹ thuật chăm sóc lan Mokara giai đoạn hậu cấy mô, quy trình kỹ thuật trồng cà chua bi, quy trình kỹ thuật trồng dưa leo trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt…

Bên cạnh đó, phụ trách trực tiếp thực hiện mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ và tham gia thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo hệ thống tưới nhỏ giọt tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ; tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy và hỗ trợ báo cáo viên cho 6 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây kiểng, cây ăn trái… tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao cho 300 nông dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Ngoài công tác nghiên cứu khoa học, đồng chí Nguyễn Hoàng Duy Lưu cũng đã đào tạo, kèm cặp cho 50 kỹ sư, nghiên cứu viên và công nhân trực tiếp sản xuất tại Trung tâm đều có trình độ và tay nghề cao, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, đào tạo hỗ trợ thực hiện 39 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được hội đồng khoa học đánh giá cao, có tính ứng dụng cao. Nhờ đó, trong thời gian qua, đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên, công nhân tại đơn vị đã đạt được các giải thưởng như: 9 giải thưởng Tôn Đức Thắng; 2 danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP”; 6 giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc; 1 giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc; 5 giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi.

Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Lê Văn Cửa cho biết, đồng chí Nguyễn Hoàng Duy Lưu đã có nhiều sáng kiến, nghiên cứu khoa học thiết thực cho đơn vị và người dân nông thôn. Qua ứng dụng các sáng kiến đó, mỗi năm đã làm lợi, tiết kiệm cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân hơn 5,2 tỷ đồng.

Đồng chí Lê Văn Cửa cho biết thêm, với vai trò Bí thư Đoàn Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, đồng chí Nguyễn Hoàng Duy Lưu đã có nhiều giải pháp, sáng kiến hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ thực hiện hiệu quả các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên và người dân… Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình tham quan, hướng nghiệp, trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao cho học sinh, sinh viên, Đoàn viên, thanh niên”, với hơn 1.200 đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, y bác sĩ, thanh niên nước ngoài đến tham quan, hướng nghiệp, trải nghiệm tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao…

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo