Tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển
Chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền trên địa bàn TPHCM, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Dương Ngọc Hải cho biết, trong những năm qua, TPHCM nhận thức rằng cần phải có những đột phá hơn nữa trong cơ chế, chính sách, tổ chức chính quyền đô thị với bộ máy điều hành tương xứng. Do vậy, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền là hết sức cần thiết; từ đó sử dụng hiệu quả nhất, tối ưu nhất khả năng vận hành của hệ thống, tạo nền tảng quan trọng để TPHCM phát triển nhanh, bền vững, gắn với liên kết vùng, khu vực, thế giới; phát triển đa trung tâm; hình thành “chuỗi đô thị” với các mô hình chính quyền đô thị đã được kiểm chứng vận hành hiệu quả.
Trên cơ sở đó, đồng chí Dương Ngọc Hải cho biết, UBND TP đã tham mưu Trung ương ban hành nhiều chính sách, trong đó có Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, UBND TP đã phối hợp Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM.
Theo đồng chí Dương Ngọc Hải, việc phân cấp, ủy quyền được triển khai thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, gắn quyền hạn với trách nhiệm giải quyết công việc và cải cách hành chính trong các lĩnh vực được phân cấp; đặc biệt là gắn phân cấp, ủy quyền với tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sau khi đã phân cấp, ủy quyền; nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, công khai với người dân và với cơ quan cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, đồng chí Dương Ngọc Hải cho biết, UBND TPHCM đã chủ động chỉ đạo, thực hiện, tận dụng triệt để các cơ chế, chính sách đã được phân cấp, thí điểm. Có thể điểm qua một số kết quả cụ thể như: Thành lập Sở An toàn thực phẩm TP, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về công tác an toàn thực phẩm trên các lĩnh vực thuộc Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế. Đồng thời, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của UBND TP Thủ Đức; ủy quyền cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.
Bên cạnh triển khai Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, UBND TP đã tham mưu HĐND TP ban hành Nghị quyết số 111/NQ-HĐND thông qua Đề án Phân cấp quản lý nhà nước của UBND TP trên địa bàn TPHCM; trong đó, phân cấp 18 nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao, an toàn thực phẩm, khoa học công nghệ cho các cơ quan, đơn vị. Đến nay, đã ban hành 58 Quyết định ủy quyền với 174 nội dung, 33 Quyết định phân cấp với 130 nội dung cho các Sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức trên các lĩnh vực: đầu tư, tài chính, xây dựng, giao thông vận tải, đất đai, văn hóa, giáo dục, nội vụ, môi trường, du lịch. “Điều này đã có tác động quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, phát huy sự chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp.”- đồng chí Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.
Kiên trì thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền
Đánh giá bước đầu trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, đồng chí Dương Ngọc Hải cho biết, UBND TP đã quán triệt tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở tất cả các cấp; tạo sự đồng bộ, thống nhất về mặt nhận thức chủ trương của toàn hệ thống. Qua đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới khi thực hiện nhiệm vụ được giao đã thực sự chủ động phát huy vai trò, tích cực rà soát các quy định liên quan, bám sát thực tiễn để kịp thời tham mưu.
Đồng thời, giúp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho các ngành, các cấp, chính quyền địa phương; giảm bớt các thủ tục hành chính phát sinh trong quá trình phối hợp; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội. Bên cạnh đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của TPHCM.
Trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn như: Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền vẫn phải trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành. Trong khi đó, căn cứ các quy định hiện hành thì đa phần thẩm quyền giải quyết các thủ tục tập trung nhiều ở UBND cấp tỉnh, trình tự thực hiện cần phải qua nhiều khâu trung gian. Dù đã phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng do chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị có sự liên quan lẫn nhau nên khi thực hiện phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị, dẫn tới thời gian giải quyết vẫn còn chậm, một số trường hợp chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Đồng thời, khối lượng thủ tục hành chính cần giải quyết tại TPHCM rất lớn. Với đặc thù dân số trên 10 triệu người, quy mô hơn 300.000 doanh nghiệp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức tuy có cao so với các tỉnh, TP, nhưng nếu phân tích khối lượng hồ sơ xử lý trung bình trên từng nhân sự, sẽ thấy được áp lực và bất cập giữa đội ngũ và yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, một số nội dung đã được phân cấp nhưng phải xin ý kiến của Bộ, ngành quản lý. “Điều này dẫn đến việc triển khai không triệt để; đôi khi thời gian chờ ý kiến đồng ý của cấp trên kéo dài, làm ảnh hưởng đến hiệu quả nội dung đề xuất phân cấp.”- đồng chí Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.
Quán triệt tinh thần Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", trong thời gian tới, đồng chí Dương Ngọc Hải cho biết, UBND TP sẽ kiên trì thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế ở các ngành, lĩnh vực, địa phương; có thể thí điểm đẩy mạnh phân cấp tới cấp phường. Đồng thời, tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành các nội dung cần phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện, khả năng, thế mạnh để tạo sự đột phá cho TPHCM trong giai đoạn mới.
Tham luận tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về những khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ; đề xuất những nhóm giải pháp, cách làm hay của địa phương, đơn vị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành trong năm 2025. Một số ý kiến cho rằng, ngành Nội vụ cần tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất trong ngành Nội vụ, tạo sự ổn định và phát triển rõ nét của toàn ngành và địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; đề cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là người đứng đầu và phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo.