Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Quy hoạch TPHCM đảm bảo đạt mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững

Đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) – Tại Hội nghị lần thứ 31 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra 13/6, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo về quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TPHCM có 9 điểm nghẽn thách thức

Về phương pháp lập quy hoạch, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, quy hoạch TP được nghiên cứu toàn diện với phương pháp khoa học, dựa trên chiến lược phát triển tổng thể của TP, các thế mạnh và đặc thù riêng nằm trong tổng thể phát triển của vùng, cả nước và bối cảnh quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống các phương pháp lập quy hoạch đã đảm bảo tính tiếp cận tổng hợp, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực và ứng dụng công nghệ hiện đại…

Theo đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, quy hoạch TPHCM đảm bảo các nội dung tích hợp quy hoạch; là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhằm đạt mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Đối với các nội dung cơ bản của quy hoạch TP, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết, TP có 9 điểm nghẽn thách thức, gồm: Một số hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm; thể chế, chính sách, điều kiện để tạo ra đột phá cho một TP đặc biệt của cả nước và TP toàn cầu; tiềm năng, lợi thế và nguồn lực chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả; quỹ đất thuận lợi và tiềm năng đất đai hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các ngành kinh tế mới; liên kết vùng; thu hút đội ngũ doanh nghiệp chiến lược, áp dụng các tiến bộ cách mạng 4.0 (Big data, IoT, AI) và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc triển khai một số siêu dự án; hạn chế của công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường; Hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và sự tham gia của hệ thống chính trị và dân cư.

Về quan điểm phát triển của TP, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thêm, TP xác định 5 quan điểm phát triển của TP như: TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, vì cả nước, cùng cả nước; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, để tạo ra đột phá; phát triển xã hội tiến bộ, văn minh, công bằng, lấy con người làm trung tâm; sắp xếp và tổ chức không gian TP thành đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hoà giữa đô thị và nông thôn; tăng cường kết nối vùng...

Đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, theo kịch bản tăng trưởng và mục tiêu phát triển, TP sẽ thực hiện mô hình tăng trưởng hiện tại có áp dụng một số đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nguồn lực thực hiện dự án giữ vai trò động lực tạo ra sự đột phá, phù hợp với xu hướng phát triển vùng Đông Nam bộ; xây dựng thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi, áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế mới để tạo ra bước chuyển đột phá, khai thác tiềm năng lợi thế, vị trí chiến lược của TP…

Về 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong việc thực hiện quy hoạch; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tiếp tục nâng cao hiệu quả quá trình công nghiệp hóa và thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa; đẩy mạnh áp dụng các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ,… và một số lĩnh vực kinh tế đặc thù: kinh tế đô thị, kinh tế biển...; xây dựng đô thị TPHCM hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực...

Mô hình kinh tế gắn với các đột phá cho sự phát triển vượt bậc

Đối với đột phá phát triển, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP xác định đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị; đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội quan trọng, đặc biệt là thực hiện các dự án đang tồn đọng và một số dự án tạo động lực phát triển; Đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, công nghệ cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.

Quang cảnh TPHCM Quang cảnh TPHCM

Về phương hướng phát triển ngành, không gian, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP xác định phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó phương hướng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp - xây dựng; thương mại và dịch vụ; các ngành khác;  3 tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; khu vực ngoại thành; 2 hành lang quốc gia: Đông – Tây (TPHCM – Mộc Bài); Bắc – Nam; 1 hành lang vùng: sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải – Soài Rạp; 10 trục không gian gồm 9 chủ đạo và 1 trục ven biển. Các vùng bảo tồn bao gồm: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; nghiên cứu thành lập mới vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế là Khu Ramsar rừng ngập mặn Cần Giờ; mô hình kinh tế khác với các đột phá cho sự phát triển vượt bậc cho TPHCM.

Đối với hệ thống đô thị và nông thôn, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong  thời kỳ quy hoạch, TP xác định sẽ quy hoạch 1 đô thị trung tâm đặc biệt; 1 đô thị loại 1 (Thủ Đức); 5 đô thị vệ tinh loại 3 (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ). Sau thời kỳ quy hoạch, gồm 1 đô thị trung tâm đặc biệt; 4 đô thị loại 1; 3 đô thị vệ tinh (Hóc Môn - Củ Chi; Bình Chánh; Nhà Bè - Cần Giờ - Quận 7). Các khu chức năng, gồm khu kinh tế hình thành khu thương mại tự do (FTZ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái (1.000-2.000 ha.); Khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp gồm 37 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất, 7 cụm công nghiệp (10.461,8 ha.); khu công nghệ cao gồm: 4 khu (1.331 ha) và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (1.251ha); Khu vực có vai trò động lực khu vực đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; khu vực phía Nam (Quận 7 và huyện Nhà Bè); khu vực huyện Cần Giờ; khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Đối với giải pháp nguồn lực thực hiện quy hoạch, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; xây dựng các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch TP. Các điểm nhấn, nổi bật của quy hoạch TP gồm: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng cấp quốc gia và cấp vùng trên địa bàn TP cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; khu thương mại tự do (FTZ) Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế và khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Đầu tư và xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); Đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch…

Để bảo đảm kịp tiến độ trình phê duyệt và đưa vào triển khai quy hoạch kịp thời, TP tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ nội dung công việc liên quan trong thời gian tới, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP trình Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XI tại Hội nghị lần thứ 31 (mở rộng) để xem xét, cho ý kiến đối với các định hướng chủ yếu của quy hoạch TP làm cơ sở để trình HĐND TP ban hành Nghị quyết thông qua hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch.

Trên cơ sở báo cáo thẩm định quy hoạch TPHCM của Hội đồng thẩm định, UBND TP chỉ đạo Ban Quản lý dự án phối hợp Liên danh tư vấn hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình song song các bước sau: Trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện rà soát toàn bộ hồ sơ quy hoạch trước khi trình Chính phủ phê duyệt; Thành ủy báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị; Ban Quản lý dự án hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, văn bản tổng hợp ý kiến rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Nghị quyết của HĐND TP, trình UBND TP; UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP; UBND TP tổ chức công bố Quy hoạch TP; Ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch và chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch sau khi quy hoạch được phê duyệt.

Long Hồ - Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo