Thứ Năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024

Hỗ trợ người lao động mất việc làm khi TP chuyển đổi sang các ngành nghề kỹ thuật cao

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình giám sát chuyên đề.

(Thanhuytphcm.vn) - “TPHCM cần sớm phê duyệt Đề án sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề giai đoạn 2025-2030 nhằm đảm bảo tin gọn, hiệu năng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”- Đây là nội dung được các đại biểu đưa ra tại phiên giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý Nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2025” do HĐND TP tổ chức chiều 10/12 tại phiên làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

30.000 người lượt người tham gia ký kết được lao động

Tại giám sát, các đại biểu cho rằng, TP cần tăng cường công tác kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (hiện nay chỉ đạt hơn 23%) và nghiên cứu đề xuất đánh giá, công nhận trường chất lượng cao, chương trình đào tạo chất lượng cao.

Đại biểu Phạm Đăng Khoa cho rằng, một số mô hình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay rất hiệu quả, đó là phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cho học viên, sinh viên đến thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp.

Theo đại biểu, mô hình này cơ sở đào tạo không tốn nhiều chi phí cho đầu tư máy móc thiết bị thực hành, nhất là đối với các loại máy móc thường xuyên thay đổi công nghệ. Tuy nhiên, mô hình này hiện nay chưa được nhân rộng vì số doanh nghiệp tham gia đào tạo còn hạn chế (ảnh hưởng thời gian khấu hao máy móc thiết bị, tiêu hao nguyên vật liệu, công tác quản lý khó khăn, lộ lọt thông tin, công nghệ…).

Do đó, đề xuất Trung ương và TP cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể (thuế, lãi suất, vốn vay…) cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo chương trình đào tạo song hành hiện nay.

Các đại biểu tại phiên giám sát chuyên đề. Các đại biểu tại phiên giám sát chuyên đề.

Trao đổi về việc nhà trường gắn kết với doanh nghiệp, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thinh cho biết, đây là mô hình đào tạo song hành, nhà trường gắn kết với doanh nghiệp đưa sinh viên đi thực tập ngay trong thời gian học tập.

“Hiện một số trường cao đẳng trên địa bàn TP có triển khai mô hình đào tạo song hành, Sở sẽ quan tâm, sơ, tổng kết đánh giá và nhân rộng trong thời gian tới” - đồng chí Lê Văn Thinh thông tin.

Trao đổi về công tác giám sát sàn dịch vụ việc làm trên mạng xã hội hiện nay để tránh lừa đảo người lao động, đồng chí Lê Văn Thinh bày tỏ, Sở rất quan tâm, song cần có sự tham gia của nhiều ngành như thông tin truyền thông, an ninh mạng.

Trong năm 2024, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức 89 sàn giao dịch việc làm trên địa bàn và kết nối liên thông với các tỉnh ở Tây Nam bộ, qua đó tư vấn 204.000 lượt người tham gia, có trên 30.000 người lượt người tham gia ký kết được lao động.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường các biện pháp, giải pháp, có chính sách để thúc đẩy hơn nữa kết nối việc làm, giới thiệu việc làm cũng như giám sát nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo việc làm qua mạng xã hội.

Đại biểu Phạm Đăng Khoa phát biểu tại giám sát chuyên đề. Đại biểu Phạm Đăng Khoa phát biểu tại giám sát chuyên đề.

Xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực hiệu quả

Sau khi các đại biểu trao đổi tại phiên giám sát chuyên đề, HĐND TP tán thành và thông qua “Báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2025”.

HĐND TP giao UBND TP tiếp tục có các giải pháp thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP đề ra, cũng như các chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND TP đảm bảo đúng thực chất. Nghiên cứu tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ TP xây dựng các chỉ tiêu về lao động và việc làm trong nhiệm kỳ mới đảm bảo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%”.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND của HĐND TP về Chương trình giảm nghèo bền vững TP giai đoạn 2021 – 2025, UBND TP cần rà soát các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, để kịp thời điều chỉnh, bổ sung sau khi Thành phố điều chỉnh tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Trong đó, quan tâm việc bố trí vốn vay từ nguồn ngân sách TP.

Đồng thời, bổ sung các đối tượng có nhu cầu vay vốn khi cần thiết, quan tâm, hỗ trợ cho vay học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn của TP trong thời gian tới cũng như nhu cầu vay vốn đi hợp tác lao động nước ngoài theo hợp đồng của người dân.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 62/NQ-HĐND của HĐND TP về ban hành Chương trình về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP và công tác an toàn vệ sinh lao động, UBND TP cần rà soát, đánh giá và tăng cường các giải pháp thực hiện hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết số 62/NQ-HĐND của HĐND TP về ban hành Chương trình về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP đã đề ra.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa phát biểu tại giám sát chuyên đề. Đại biểu Trần Thị Phương Hoa phát biểu tại giám sát chuyên đề.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động; việc thực hiện các chế độ bảo hộ lao động, chế độ độc hại cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động - việc làm, TP cần hoàn thiện công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định 73/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và thực hành, đào tạo nhân sự, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên gắn với chuyển đổi số trong giảng dạy; đổi mới chương trình giáo dục đi đôi với thực hành tại doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài có uy tín trong việc tiếp nhận, chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; quan tâm xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung của TP nhằm quản lý số liệu về doanh nghiệp, lao động, trình độ, nghề nghiệp; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực hiệu quả; thực hiện tốt việc thống kê di biến động lao động, thống kê kịp thời việc dịch chuyển lao động, việc làm giữa các tỉnh/thành.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng các chương trình, chính sách cải thiện, nâng cao năng suất lao động; nhất là đối với các nhóm ngành ưu tiên của TP, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của TP; đổi mới, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm, đảm bảo kết nối hiệu quả giữa người lao động và doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động; công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Thành phố cũng như công tác giới thiệu việc làm trên các trang mạng xã hội hiện nay.

Về nghiên cứu đề xuất các chính sách đặc thù của TP, UBND TP cần nghiên cứu các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kỹ thuật cao tự tổ chức đào tạo và phối hợp các cơ sở đào tạo nghề đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo chuyên gia cho TP; tổ chức rà soát, đánh giá để có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề đang gặp khó khăn hiện nay; quan tâm chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm khi TP chuyển đổi từ những ngành nghề thâm dụng lao động sang các ngành nghề kỹ thuật cao; các chính sách để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; chính sách vay vốn đi hợp tác lao động nước ngoài theo hợp đồng lao động…

Long Hồ - Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo