Chủ Nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2025

Sinh viên TPHCM - Hiểu rõ lịch sử để trân trọng những giá trị hiện tại và đóng góp vào sự phát triển của đất nước

Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 18/4, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, CLB Giữ lửa truyền thống 22/12/1944 và Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM tổ chức tọa đàm, gặp gỡ với nhân chứng lịch sử, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ, cách đây tròn nửa thế kỷ đất nước ta đã khép lại chặng đường lịch sử đau thương, mở ra một trang mới độc lập thống nhất đất nước. Ngày 30/4 hàng năm luôn gợi nhắc cho mỗi người về những trang sử hào hùng ấy và trách nhiệm của mỗi con người trong thời bình ngày nay. Thông qua những chia sẻ của những nhân chứng lịch sử trong buổi tọa đàm, TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc hy vọng các sinh viên sẽ hiểu biết thêm những giá trị lịch sử sâu sắc, từ đó ra sức học tập, sống có trách nhiệm, tử tế với cộng đồng, có khát vọng xây dựng đất nước bằng tri thức và trái tim chân thành.

Tại tọa đàm, các nhân chứng lịch sử như: Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là người từng chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên ác liệt, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh trên cương vị Phó Tư lệnh Sư đoàn 325 và là một trong những người trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên bảo vệ biên cương Tổ quốc sau ngày đất nước thống nhất chia sẻ với các bạn sinh viên về những tháng ngày ác liệt tại mặt trận Bình Trị Thiên - nơi ông đã từng tham gia chiến đấu cùng hành trình đầy khó khăn gian khổ… Những dòng cảm xúc đầy tự hào khi ông tiến vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh với cương vị Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. 

TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM phát biểu khai mạc TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM phát biểu khai mạc

Còn Thiếu tướng, PGS.TS Lê Kế Lâm - người lính hải quân quả cảm, nguyên Hiệu trưởng Học viện Hải quân, gắn bó với biển đảo quê hương suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt đã có chia sẻ quý giá về vai trò của Hải quân Việt Nam trong các chiến dịch cuối cùng giải phóng miền Nam cùng cuộc hành trình của Hải quân Việt Nam trong việc giải phóng các đảo trong thời điểm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi quân và dân ta tiến hành các chiến dịch lớn nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Còn Phi công Trần Văn On là thành viên Phi đội Quyết Thắng, người trực tiếp thực hiện trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975, góp phần vào sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn đã chia sẻ về cơ duyên giúp ông trở thành phi công và được tham gia đội Phi đội Quyết thắng…

Sinh viên các trường đại học hào hứng tham gia giao lưu với các nhân chứng tại tọa đàm Sinh viên các trường đại học hào hứng tham gia giao lưu với các nhân chứng tại tọa đàm

Đại úy Hồ Duy Hùng - chiến sĩ quân báo Sài Gòn - Gia Định, phi công của Chiến dịch Hồ Chí Minh với câu chuyện đặc biệt về những chuyến bay lịch sử; và là người từng tham gia chuyến bay đầu tiên ra Trường Sa sau giải phóng. Ông cũng nhắn nhủ tới sinh viên về tinh thần sẵn sàng dấn thân vì Tổ quốc…

Tham gia tọa đàm, đông đảo các bạn sinh viên chia sẻ, lịch sử dân tộc không chỉ là những con số khô khan trong sách vở, lịch sử dân tộc đối với sinh viên Luật là những trang vàng thấm đẫm mồ hôi, xương máu của bao thế hệ cha anh. Bạn Nguyễn Thị Anh Thư, sinh viên năm 3 Khoa Luật Thương mại, chia sẻ: "Những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng, về tinh thần đoàn kết của dân tộc trong những năm tháng kháng chiến đã truyền cho em một nguồn cảm hứng lớn. Em nhận thấy trách nhiệm của mình không chỉ là học tốt kiến thức chuyên môn mà còn phải hiểu rõ lịch sử để trân trọng những giá trị hiện tại và đóng góp vào sự phát triển của đất nước."

An Nguyễn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo