Thứ Ba, ngày 13 tháng 5 năm 2025

Các phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo được lồng ghép với cuộc vận động của ngành giáo dục

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng một tập thể

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 25/4, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 - 2025. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Tại hội nghị, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường luôn đề cao ý thức trách nhiệm, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua, phù hợp với đơn vị. Từ đó, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ viên chức, người lao động trong giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Nội dung các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn, từng năm học và được cụ thể hóa phù hợp với chuyên môn mỗi cấp học, bậc học và ngành học.

Trong đó, phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo được lồng ghép với cuộc vận động của ngành giáo dục như “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng đạo đức, lối sống văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với mỗi nhà giáo, viên chức, người lao động, người học; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phong trào thi đua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện văn hóa công sở của đội ngũ giảng viên, viên chức, người lao động; nâng cao ý thức trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, qua đó, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Cùng với đó, nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái đã lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, đem đến sức mạnh và niềm tin tất thắng, là nhân tố quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của trường.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, giai đoạn 2025 - 2030, trường tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua. Trong đó, trường tiếp tục thực hiện và tổ chức sơ kết các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Cùng với đó là tiếp tục thực hiện và tổ chức sơ kết các phong trào thi đua do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động như “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” và “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành Giáo dục giai đoạn 2020 - 2025 gắn với đẩy mạnh thực hiện nghị quyết, kết luận, quyết định của trung ương về phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tại hội nghị, 1 tập thể vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể được nhận Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 1 cá nhân nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; 13 tập thể, 30 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; 9 tập thể nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” năm 2024…

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo