Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Giỗ Tổ Hùng Vương: Một biểu tượng gắn kết cộng đồng, dân tộc

Một nghi thức trong lễ Giỗ Tổ Hùng vương năm 2019 do Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng, Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc. Ảnh: haiquanonline.com.vn.

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Ngày giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch hằng năm là ngày hội chung của toàn dân tộc, không kể là miền ngược hay miền xuôi, không kể nông thôn hay đô thị, không kể với người Kinh hay các dân tộc khác, không kể ở trong nước hay ngoài nước… Ngàn đời nay, dân gian đã truyền nhau câu ca:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Hồ sơ của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trình UNESCO công nhận “tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương” là di sản văn hóa thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo các chuyên gia UNESCO, “tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Điều này có nghĩa là, các giá trị riêng có của “tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương” hay Giỗ Tổ Hùng vương vừa mang tính đặc sắc riêng có vừa mang tính phổ biến của các dân tộc khác. Bởi với dân tộc nào, lòng tôn kính và biết ơn tổ tiên, sự gắn kết cộng đồng, thúc đẩy mọi người đi đến đoàn kết thực hiện các giá trị chung của cộng đồng mình và của nhân loại… cũng đều là mục tiêu được hướng đến. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương thực sự là dịp để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc anh hùng tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Trong dịp này, chúng ta trân trọng ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng, ngày 19/9/1954, khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

“Giữ lấy nước” vốn mang nhiều ý nghĩa thì nghĩa tạo sự gắn kết cộng đồng, dân tộc là rất sâu sắc. Chúng ta, không thể thực hiện được việc “giữ lấy nước” nếu các cộng đồng, các dân tộc và đất nước bị chia rẽ về mặt địa lý, lãnh thổ hay về mặt xã hội. Bởi vậy, trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Bộ trưởng Nội vụ, thừa ủy quyền của Chủ tịch Chính phủ, đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chúng ta đều biết bấy giờ, Nam bộ đang anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp tái xâm lược, còn Bắc bộ thì đang phải kiên cường đối phó với thù trong giặc ngoài và quân Pháp đang lăm le tiến đánh. Tấm bản đồ dâng lên tổ tiên trong ngày Giỗ Tổ biểu thị lòng mong mỏi đất nước được thống nhất, các dân tộc luôn đoàn kết một lòng, vượt qua những rào cản do thủ đoạn chia để trị của thực dân Pháp; còn thanh gươm biểu thị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu đó.

Bên cạnh đó, trong điều kiện một đất nước có nhiều dân tộc vốn có sự khác biệt đáng kể về văn hóa, đời sống, bản sắc…, sự gắn kết để cùng chống kẻ thù chung, để cùng chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước là rất quan trọng. Giỗ Tổ Hùng vương xưa cũng như nay không biểu thị là giỗ tổ của riêng dân tộc nào mà là của dân tộc Việt Nam, với 54 dân tộc anh em trải dài trong cả nước. Giỗ Tổ là một dịp biểu thị nghĩa đồng bào với cùng chung bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, vượt qua mọi không gian và thời gian.

Hiện nay, đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, đồng thời vẫn không ngừng cảnh giác trước âm mưu gây chia rẽ, các thủ đoạn phá hoại, các hoạt động xâm lấn biên giới trên đất liền, trên biển và các hải đảo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong 35 năm đổi mới, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới”, như Đại hội XIII của Đảng đã nhận định. Tuy nhiên, các nhiệm vụ, thử thách trước mắt vẫn rất nặng nề, nhất là để đạt được mục tiêu “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được Đảng ta xác định ở Đại hội XIII.

Trong điều kiện đó, đoàn kết là một phương thức cực kỳ quan trọng để có thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên. Đó là phải tiếp tục thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, như dặn dò của Bác Hồ trong Di chúc. Đó là phải tiếp tục phát huy sự đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, Đảng là đảng của dân, đảng vì dân, luôn lấy mục tiêu chăm lo và phục vụ lợi ích của nhân dân làm mục đích tối thượng. Đó là phải đoàn kết toàn dân tộc với nền tảng là liên minh công nhân, nông dân với đội ngũ trí thức; đồng thời, mở rộng đoàn kết, phát triển đội ngũ doanh nhân, khuyến khích mọi người làm giàu chân chính, gắn với thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội, với đất nước. Đó là phải đoàn kết chặt chẽ tất cả những người thuộc giống nòi con Lạc cháu Hồng, dù trong nước hay ngoài nước; phải làm cho kiều bào ta ở nước ngoài cùng mọi người dân nhận rõ sự phát triển vượt bậc của đất nước, khích lệ họ tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới…

Giá trị của Giỗ Tổ Hùng vương không chỉ về mặt lịch sử, văn hóa, tinh thần mà còn mang đậm ý nghĩa thực tiễn. Ngày Giỗ Tổ không chỉ là một quốc lễ mà còn là một sinh hoạt tâm linh của nhiều cá nhân với lòng cầu mong những điều tốt lành cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngày Giỗ Tổ luôn có ý nghĩa nhắc nhở mọi người thành kính tri ân tổ tiên đã gầy dựng nên dòng tộc, khắc ghi các đóng góp của tiền nhân đối với sự trường tồn của dân tộc và đất nước. Ngày Giỗ Tổ giáo dục và khơi gợi lòng yêu nước cùng trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì lẽ đó, ngày Giỗ Tổ mang ý nghĩa trường tồn.

Nguyễn Minh Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo