Các đại biểu tham dự tọa đàm (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 22/11, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM tổ chức tọa đàm với chủ đề “Làm thế nào để những tác phẩm VHNT đến được với công chúng?”. Dự và chủ trì tọa đàm có Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM Nguyễn Trường Lưu; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM Dương Cẩm Thúy.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Lý luận phê bình, Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM cho rằng, với tác phẩm VHNT, đòi hỏi cơ bản - cũng là tối cao, luôn là giá trị chất lượng toàn diện của nó, chất lượng làm nên giá trị tác phẩm. Giá trị tác phẩm ấn định mức độ cũng như trường thời gian tác động đến công chúng, xã hội. Về chủ quan, tài - trí - đức của bản thân tác giả, nghệ sĩ là then chốt. Rèn luyện, nâng cao, do đó luôn là cứu cánh thường trực tối ưu. Tác giả, nghệ sĩ có thiên chức, trách nhiệm thấu triệt các vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước, của đời sống; đồng thời phản ánh qua tác phẩm của mình bằng tình yêu thấu trải, trên cơ sở khoa học nhân văn chân - thiện - mỹ…
VHNT chịu tác động trực tiếp từ chính trị, kinh tế - xã hội bởi những đối tượng phản ánh của nó là hiện thực trong mọi thời gian, không gian. Đến nay, đa số văn nghệ sĩ nước ta vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, đã trưởng thành qua các giai đoạn phát triển của đất nước, sáng tạo nên không ít tác phẩm. Mặt ngược lại, bên cạnh thành tựu đã nêu, VHNT thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập.
Theo nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều, Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM, hiện số lượng các tác phẩm VHNT ngày càng “phát triển rực rỡ”, đặc biệt là các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, các chương trình lễ hội ngày càng thu hút các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sỹ trên lĩnh vực ca múa nhạc của TP tham gia và số lượng “cơn mưa” các huy chương trong các cuộc thi, liên hoan này càng nhiều vô kể. Thế nhưng một thực tế đáng buồn, đó là tỷ lệ nghịch của số lượng các tác phẩm đạt huy chương càng nhiều thì số lượng khán giả đến với các nhà hát để xem các tác phẩm đạt huy chương ngày càng ít, thậm chí có chương trình, tác phẩm đạt rất nhiều huy chương trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp của quốc gia nhưng khi công diễn thì khó thu hút khán giả đến xem, ít có chương trình nào để lại những ấn tượng khó phai trong lòng công chúng.
Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều đưa ra những giải pháp như tạo sự phối hợp liên thông của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan định hướng về văn hóa tư tưởng, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật trong việc xây dựng cơ chế chính sách khoa học để có những thể chế “đặc thù” cho giới sáng tạo nghệ thuật; các tác phẩm tham dự các cuộc thi, liên hoan sẽ được tuyên truyền quảng bá ra sao và chất lượng nghệ thuật sẽ được công chúng đón nhận như thế nào cần được coi là tiêu chí quan trọng của liên hoan;… để VHNT muốn phát triển thì phải có công chúng thưởng thức.
Nhà báo - Lý luận phê bình phim Nguyễn Thị Thúy Nga, Hội Điện ảnh TPHCM cho rằng, nhìn qua những phim Việt được gọi là ăn khách gần đây, có thể thấy người xem phim Việt có tâm lý đi xem phim là xem một câu chuyện cụ thể và kết thúc có hậu, tức không chỉ kết đẹp mà còn trọn vẹn, những phim có kết thúc không đẹp và kết mở thường ít được tán thưởng. Đây cũng là tâm lý có tính bản sắc của người Việt, chuộng cái rõ ràng và tốt đẹp, tâm lý này có vẻ phù hợp với các bộ phim thiên về kể chuyện hơn là diễn tả trạng thái, thích tiết tấu nhanh hơn chậm, dù giờ đây các hình thức trình bày đã phong phú hơn nhưng khó có thể bỏ qua yếu tố này nếu muốn thu hút người xem. Thứ hai là tính trình diễn, tính trình diễn của Việt Nam thì mang tính tinh tế chứ không chỉ là hoành tráng. Thứ ba là vẻ đẹp lãng mạn Á Đông, điều này phản ánh tâm hồn của con người Việt.
Đại biểu tham gia góp ý tại tọa đàm Tại hội thảo, nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TPHCM chia sẻ, trong xu thế chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ và nền tảng mạng xã hội quảng bá tác phẩm VHNT và đang được đội ngũ văn nghệ sĩ TPHCM quan tâm nên việc phổ biến, giới thiệu tác phẩm không còn bó hẹp thông qua các buổi biểu diễn, trưng bày triển lãm, liên hoan, ngày hội, lễ kỷ niệm sự kiện quan trọng,… mà còn tìm nhiều cách để tiếp cận khán giả. Do vậy, cần nhìn rõ vai trò của văn hóa đọc và văn hoá xem trên mạng xã hội.
Cùng với 21 tham luận, hội thảo cũng đã trình bày những nguyên nhân và giải pháp để các tác phẩm văn học nghệ thuật tiếp cận với công chúng. Mỗi tham luận đều chia sẻ những giá trị chân - thiện - mỹ, đưa ra vấn đề trong VHNT TPHCM và giải quyết vấn đề công nghiệp văn hoá tiếp cận không chỉ công chúng Việt Nam mà còn công chúng thế giới được biết đến.