Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Giáo viên chủ nhiệm cùng lúc phải có nhiều năng lực và tấm lòng yêu thương học trò

Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên chủ nhiệm

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/5, tại TPHCM, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Người giáo viên chủ nhiệm với chương trình giáo dục phổ thông mới” với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục và giáo viên chủ nhiệm trong cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích và làm rõ vị trí, vai trò của người giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường phổ thông, chỉ ra những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người giáo viên chủ nhiệm trước những yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay.

Theo Th.S Hồ Thế Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, trong nhà trường phổ thông, người giáo viên chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý lớp học và là nhân vật chủ chốt, là “linh hồn” của lớp học. Tuy nhiên, chế độ và công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng được nhiệm vụ trong công tác chủ nhiệm còn nhiều bất cập. “Không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng có được phương pháp giáo dục tốt để quản lý lớp học, thậm chí tỏ ra lúng túng trong một số tình huống sư phạm. Giáo viên chủ nhiệm khó bắt kịp thời đại @, thời đại 4.0 trong khi sự hợp tác, phối hợp từ gia đình trong giáo dục con cái ngày càng ít đi mà hầu như giao hết cho nhà trường”, ThS Hồ Thế Dũng cho biết.

Một cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, Đòi hỏi về giáo viên chủ nhiệm ngày càng cao trong khi lỗ hổng giáo dục nhiều thập kỷ nay chưa được lắp đầy. Thế hệ giáo viên 8X, 9X vẫn còn nhiều người yếu về chuyên môn, kém về năng lực và thiếu hụt kỹ năng ngay từ thời phổ thông.

Theo các đại biểu, để làm tốt công tác giáo viên chủ nhiệm đòi hỏi mỗi giáo viên phải liên tục bồi dưỡng, rèn luyện. Ảnh: Học sinh và giáo viên Trường THCS Lý Thánh Tông, Quận 8, TPHCM. Theo các đại biểu, để làm tốt công tác giáo viên chủ nhiệm đòi hỏi mỗi giáo viên phải liên tục bồi dưỡng, rèn luyện. Ảnh: Học sinh và giáo viên Trường THCS Lý Thánh Tông, Quận 8, TPHCM.

Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM PGS.TS Hà Thanh Việt và nhóm nghiên cứu phân tích, chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp cùng lúc phải có những năng lực: năng lực về chuyên môn; năng lực lãnh đạo, quản lý; xây dựng mối quan hệ gắn bó với học sinh; năng lực tư vấn; tổ chức các hoạt động giáo dục; phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường… Bên cạnh đó, để làm tốt công tác chủ nhiệm đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm cần phải rèn luyện, bồi dưỡng để phát triển năng lực xử lý và giải quyết các tình huống sư phạm, biết ứng dựng công nghệ thông tin, năng lực giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Các đại biểu cho rằng để làm tốt công tác chủ nhiệm trong bối cảnh hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo phải mở ngay các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành công tác chủ nhiệm; đưa chương trình đào tạo công tác giáo viên chủ nhiệm vào trường sư phạm; có chế độ đãi ngộ, chính sách hợp lý đối với giáo viên được phân công chủ nhiệm. Song song đó, bản thân mỗi giáo viên chủ nhiệm phải trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, trong đó quan trọng nhất là người giáo viên chủ nhiệm phải có đạo đức nghề nghiệp, có tấm lòng nhân ái yêu thương học trò, tạo được niềm tin, sự sẻ chia nơi các học sinh của mình.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo