Saigontourist Group đẩy mạnh liên kết, quảng bá phát triển thị trường, thu hút khách du lịch quốc tế. (Ảnh minh họa)(Thanhuytphcm.vn) - Với hàng loạt nỗ lực kinh doanh, quảng bá phục hồi, thu hút thị trường khách quốc tế, vào những tháng cuối năm 2022 và đặc biệt trong Quý I/2023, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist Group) đã thu hút, phục vụ lượng khách quốc tế tăng trưởng đáng kể trong hệ thống dịch vụ Saigontourist Group: lưu trú nghỉ dưỡng, lữ hành, ẩm thực, vui chơi giải trí, sự kiện - hội chợ, triển lãm… Đặc biệt, sự phục hồi và tăng trưởng mạnh đối với thị trường du lịch tàu biển quốc tế cao cấp của Saigontourist Group.
Saigontourist Group luôn duy trì và tăng cường liên kết với các tổ chức, cơ quan quản lý về du lịch, các đối tác du lịch quốc tế nhằm triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá đến khách quốc tế. Ngoài ra, Saigontourist Group tham gia tổ chức quảng bá tại các hội chợ, các sự kiện du lịch quốc tế trong nước, qua đó khai thác cơ hội quảng bá hình ảnh rộng rãi tới khách hàng, cơ hội gặp gỡ, giao lưu, phát triển nguồn khách hàng tiềm năng và duy trì mối quan hệ tốt với các đối tác.
Mở màn cho mùa du lịch đầu năm 2023, Saigontourist Group đã sớm tung ra chương trình khuyến mãi quy mô lớn, kích cầu đồng loạt các dịch vụ phòng ngủ, ăn uống, hội nghị hội thảo, tour… với sự tham gia của trên 70 khách sạn,
khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành, khu giải trí với mức ưu đãi lên đến 50%...
Trong năm 2023, dự kiến Saigontourist sẽ đón 30 chuyến tàu với 72 lượt tàu cập cảng và trên 105.000 lượt khách quốc tế. Chỉ trong tháng 3/2023, Saigontourist sẽ đón 8 chuyến tàu biển du lịch quốc tế cao cấp với 19 lượt tàu cập cảng và trên 23.000 lượt khách quốc tế. Trong tình hình thị trường du khách Trung Quốc được khơi thông, số chuyến tàu và số khách du lịch tàu biển do Saigontourist đón trong năm nay dự kiến sẽ gia tăng mạnh.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group cho biết, trong bối cảnh và xu hướng phục hồi du lịch khu vực và thế giới, với mục tiêu nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt đối với thị trường du lịch quốc tế, cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá tiếp thị quốc tế quy mô lớn, cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó tiêu biểu là Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được ban hành đầu tháng 3/2023 thật sự chuyên nghiệp, hiệu quả với ngân sách tương ứng. Tập trung mang đến cho khách quốc tế thông tin, thông điệp điểm đến Việt Nam an toàn,
hấp dẫn, khác biệt, đặc biệt các tuyến điểm du lịch mà Việt Nam muốn tạo điểm nhấn khác biệt trong năm 2023.
Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho khách quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác phân phối lớn trong các hoạt động marketing du lịch; giữa doanh nghiệp và cơ quản lý nhà nước nhằm tạo ra các chính sách giá thuận lợi nhất cho du khách quốc tế nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm hấp dẫn du khách; tăng cường quảng bá tiếp thị trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm và các thị trường mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền kể “Câu chuyện du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn” đối với du khách quốc tế. (Ảnh minh họa)Đặc biệt đối với các thị trường Đông Bắc Á bắt đầu mở cửa phục hồi như Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho du khách Trung Quốc theo đoàn từ ngày 15/3/2023 - là thị trường trọng điểm có lợi thế về khoảng cách địa lý, có nhiều tuyến giao thông thuận lợi đối với du lịch theo đường hàng không, đường bộ, đường biển theo các chuyến du lịch tàu biển cao cấp, các chuyến bay charter… Các sản phẩm du lịch cần đi vào chiều sâu trên cơ sở liên kết nhiều đơn vị với nhau tạo ra chuỗi giá trị hấp dẫn, đặc biệt chú trọng khai thác, phát huy văn hóa bản địa. Công tác liên kết, quảng bá cần chú trọng tăng cường khai thác khách du lịch cao cấp quốc tế, khách du lịch MICE đến Việt Nam với các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế, đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao, văn hoá quốc tế.
Ngoài ra, chú trọng áp dụng công nghệ số trong công tác quảng bá, truyền thông xúc tiến du lịch, đặc biệt đối với du lịch quốc tế, du lịch thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới sẽ tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá tiếp thị sản phẩm của ngành du lịch. Việc đầu tư công nghệ số cần đồng bộ với công tác đào tạo, huấn luyện; cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu thống kê du lịch Việt Nam về thị trường, đối tượng, nhu cầu thị hiếu, mục đích chuyến đi, mức độ chi tiêu, độ dài lưu trú… và đẩy mạnh tuyên truyền du lịch Việt Nam với nội dung đa dạng, liên tục cập nhật trên các kênh Google, YouTube, Facebook… kể “Câu chuyện du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn” đối với du khách quốc tế.
Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, một trong những giải pháp quan trọng nữa là xúc tiến văn phòng đại diện của ngành du lịch Việt Nam và tăng cường vai trò của các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá thương hiệu quốc gia và du lịch Việt Nam. Đặc biệt năm 2023, có một loạt các sự kiện ngoại giao quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập chính thức quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia đồng thời là các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm như Nhật Bản, Vương quốc Anh, Úc… Đẩy mạnh hợp tác, kết nối quốc tế trong các hoạt động quảng bá du lịch, đặc biệt trong liên kết hợp tác ASEAN, Tiểu vùng sông Mekong…, nhằm thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam từ các nước trong khu vực. Cùng với đó là duy trì và tăng cường công tác truyền thông chính sách, liên tục cập nhật tin tức, sự kiện quan trọng, chính sách mới nhất liên quan du lịch Việt Nam như chính sách, quy định, thủ tục về xuất nhập cảnh… qua đó góp phần thuận lợi thu hút khách quốc tế.