Chủ Nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024

Đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp xuất thân từ công nhân, người lao động trực tiếp

Cử tri TP Thủ Đức góp ý dự án luật

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 18/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức tiếp xúc chuyên đề với cử tri góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) năm 2024.

Đến dự có Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TPHCM Hà Phước Thắng; Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Nguyễn Trần Phượng Trân; Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Phan Thị Thanh Phương và 250 đoàn viên công đoàn và công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức.

Góp ý về Luật Công đoàn (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, cần đào tạo và hướng dẫn cho các cấp quản lý công đoàn về quy trình và quy định liên quan đến quản lý và sử dụng kinh phí công đoàn; Đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp xuất thân từ công nhân, người lao động trực tiếp.

Đối với kinh phí công đoàn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Golden Hill Việt Nam Bùi Thị Lịch đề nghị, xem xét lại mức trích nộp 2% kinh phí Công đoàn, vì hiện nay, tình hình doanh nghiệp hoạt động đang rất khó khăn, rất nhiều khoản doanh nghiệp phải trích nộp (BHXH, kinh phí công đoàn…) dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không có tài chính để trích nộp.

Đối với Luật việc làm, đa số ý kiến cho rằng, cần tăng mức trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức tiền lương bình quân hàng tháng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động khi mất việc làm.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, có hiện tượng người lao động xin nghỉ việc trước khi nghỉ hưu, họ nộp đơn xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng sau đó sẽ làm hồ sơ để hưởng chế độ hưu trí, vấn đề này cũng gây ảnh hưởng đến người sử dụng lao động vì khi đó doanh nghiệp sẽ phải chi trả 1 năm 1/2 tháng lương cho người lao động được tính từ tháng 12/2008 trở về trước. Trong khi đó hàng tháng doanh nghiệp cũng trích đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, kiến nghị có quy định hỗ trợ thêm khoản chi phí cho người lao động khi đã đến tuổi nghỉ hưu, để người lao động làm việc liên tục mà không phải xin nghỉ việc trước hoặc hỗ trợ thân nhân người lao động khi gặp rủi ro về việc làm.

Đồng chí Hà Phước Thắng tặng quà cho công nhân lao động Đồng chí Hà Phước Thắng tặng quà cho công nhân lao động

Về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đa số đề nghị nghiên cứu, có quy định hỗ trợ đối với đối tượng “cả đời không thất nghiệp” để họ không cảm thấy thiệt thòi khi tham gia BHTN mà không được hưởng lần nào. Vì khi tham gia bất kỳ loại hình bảo hiểm nào, người tham gia cũng cần thấy được quyền lợi tối thiểu của mình. Trong trường hợp này, cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng đóng BHTN lâu năm (trên 10 năm) mà chưa hưởng quyền lợi lần nào.

Ngoài ra, những người đã tham gia BHTN lâu năm thì khi thất nghiệp họ thường đã là người lớn tuổi và cơ hội để tìm kiếm việc làm thích hợp ở độ tuổi này thường khó khăn hơn so với người lao động trẻ tuổi. Vì vậy, với quy định khi đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đã đóng BHTN trước đó sẽ không còn được tính nữa và sẽ tính lại từ đầu khi bắt đầu đóng BHTN trở lại cũng sẽ thiệt thòi cho những người đã đóng BHTN lâu năm.

Dịp này, LĐLĐ TPHCM trao quà hỗ trợ cho công nhân lao động nỗ lực, vượt khó, tích cực lao động sản xuất, làm việc, đóng góp vào sự phát triển của TPHCM.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo