Thứ Sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024

Có chính sách thu thuế phù hợp để hạn chế tình trạng bỏ hoang nhà, đất

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9

(Thanhuytphcm.vn) - Tại họp báo Chính phủ chiều 7/10, tại Hà Nội, báo chí đặt câu hỏi: hiện nay giá nhà ở các thành phố lớn đang rất cao, có dấu hiệu ảo cho dù thị trường chưa thực sự sôi động. Giải pháp nào để đưa bất động sản (BĐS) về đúng giá trị, tránh bong bóng và để những người có nhu cầu thực có thể mua được?

Trả lời điều này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nêu 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá BĐS cao, đột biến thời gian qua: do nguồn cầu lớn hơn nguồn cung quá nhiều; thị trường BĐS có tình trạng đẩy giá, thổi giá (điển hình là thời gần đây báo chí cũng đã phản ánh tình trạng một số địa phương ở Hà Nội tổ chức đấu giá đất, bị người mua đẩy giá đất cao lên rồi bỏ cọc); chi phí đầu tư, đầu vào của BĐS bị tăng cao, từ chi phí đầu tư xây dựng, sử dụng đất.

Vừa qua, để kịp thời chấn chỉnh hiện trạng đấu giá quyền sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện với các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cũng như có văn bản gửi UBND các tỉnh thành, đề xuất các giải pháp, cũng như kiến nghị. Trong đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch BĐS và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý" nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhà, đất đã được mua, bán, nhưng bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; trong đó có phương thức tuyển sinh THPT và tổ chức thi tuyển.

Cụ thể, 2 phương thức tuyển sinh THPT được đưa ra xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển. Với hình thức xét tuyển, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Với thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do sở GD-ĐT tổ chức bắt thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại. Môn thi được bắt thăm phải công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Đây là vấn đề mà hiện nay người dân rất quan tâm. Tại họp báo Chính phủ, trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2024-2025 đã làm khép kín một chu kỳ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo chương trình 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến đến tháng 11 sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Với thi tuyển sinh vào lớp 10, về quan điểm xây dựng quy chế thi, Bộ GD-ĐT xác định nguyên tắc, quan điểm cốt lõi, trong đó có đảm bảo công tác quản lý nhà nước, đó là Bộ GD-ĐT quy định khung để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá và đồng thời, cũng thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của các sở GD-ĐT trong quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Từ 3 nguyên tắc cốt lõi và cơ bản, Bộ GD-ĐT chỉ đạo xây dựng quy chế thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào 10 với những nội dung cơ bản. Theo đó, về phương thức thi, có 3 phương thức: thi tuyển; xét tuyển và phối hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tất cả những nội dung này thuộc về thẩm quyền của địa phương, tức là sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt, lựa chọn và có căn cứ nguyên tắc. Nếu số lượng học sinh thi hay số lượng nhu cầu đầu vào phù hợp, tức là cung - cầu phù hợp thì không nhất thiết phải thi mà có thể xét tuyển…

Về môn thi, quy định khung cứng của bộ là 2 môn: Ngữ văn và môn Toán, còn môn thứ 3 nằm trong số những môn còn lại.

Để xây dựng những nội dung này, Bộ GD-ĐT đã có khảo sát tổng hợp, đánh giá rất kỹ lưỡng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 trong 10 năm qua, qua đó, thấy rằng nếu không có quy định khung cũng như phân cấp thì công tác quản lý của chúng ta vẫn có những bất cập.

Qua thống kê, Bộ GD-ĐT nhận thấy, về phương thức thi thì cơ bản ổn định. Về số lượng môn thi, đa số các tỉnh lựa chọn 3 môn, có khoảng 3 - 4 tỉnh lựa chọn 2 môn, cho thấy sự không đồng nhất. Mặt khác, môn thi thứ 3 cũng chưa có quy định thống nhất, tạo ra sự bất cập, điều đó sẽ khó kiểm tra, đánh giá đối với công tác quản lý của trung ương cũng như đánh giá mặt bằng trong quá trình dạy học của cơ sở.

Theo Thứ trưởng, phương thức chọn môn thứ ba được quan tâm nhất. Nếu để địa phương tự chọn, việc này có thể ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, gây ra nhiều hệ lụy. Nhưng nếu chọn một môn cố định, Bộ GD-ĐT lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch. Như thế, học sinh không được chuẩn bị đầy đủ phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của chương trình mới. Do đó, bộ đang nghiên cứu có thể có các phương thức, hình thức khác nhau có thể lựa chọn trong số các môn còn lại, ví dụ như năm nay có thể thi môn khoa học xã hội, năm sau có thể khoa học tự nhiên, năm sau có thể các môn khoa học khác hoặc có thể bốc thăm, điều này Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến.

Thông tư sẽ trên cơ sở đánh giá toàn diện kỹ lưỡng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 của giai đoạn trước để vừa mang tính ổn định, vừa có sự đổi mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông của 2018.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo