Yếu tố cốt lõi, quyết định sự phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội Báo Người Lao động Nguyễn Thị Tố Trâm nhấn mạnh, chuyển đổi số không còn là một xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia, địa phương; trở thành một yếu tố cốt lõi, quyết định sự phát triển bền vững của các đô thị trên toàn thế giới. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, TPHCM đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Trong đó, TPHCM đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa, bao gồm tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý hạ tầng kỹ thuật và nhiều vấn đề khác liên quan đến chất lượng sống của người dân. Việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để giải quyết những thách thức này một cách hiệu quả và bền vững.
Nêu ý kiến tại tọa đàm, một số ý kiến cho rằng, để giải quyết được những việc trên, TPHCM cần phải xác định rõ các xu hướng chủ đạo trong chuyển đổi số, từ đó xây dựng các chiến lược và giải pháp cụ thể. Trong đó, cần tận dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) để dự báo, phân tích và đưa ra các quyết định kịp thời, chính xác trong quản lý giao thông, môi trường, hạ tầng kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác. Cùng với đó là đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng số, bao gồm việc phát triển mạng lưới Internet of Things (IoT – internet vạn vật); xây dựng hệ thống dữ liệu mở, triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lý Minh Tuân cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đang hướng đến triển khai một số giải pháp công nghệ; trong đó, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý đô thị ứng dụng công nghệ GIS, BIM như dữ liệu về đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, an ninh trật tự... Cùng với đó là phát triển các mô hình AI để hỗ trợ ra quyết định tự động trong các tình huống khẩn cấp, các vấn đề thường xuyên lặp lại, giúp giảm tải công việc cho cán bộ quản lý và nâng cao hiệu quả xử lý công việc.
Đại biểu phát biểu tại tọa đàm. Còn Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho hay, mô hình liên quan dữ liệu không gian phục vụ quản trị đô thị TP trong thời gian tới gồm nhiều lớp dữ liệu. Các lớp dữ liệu TP đang có cơ bản tốt là nền địa lý dữ liệu đất đai. Còn lại là thông tin liên quan tới xây dựng, chống ngập, cấp phép xây dựng… đây là dữ liệu quan trọng xây dựng tới năm 2030. Vì vậy, phải tích hợp, chia sẻ với nhau thì mới có lớp trên cùng là dữ liệu quản trị đô thị, đô thị thông minh. Dữ liệu này phải thực sự hỗ trợ công việc hằng ngày của cán bộ, công chức. “Chúng ta đẩy mạnh chuyển đổi số thì cái gốc giải quyết triệt để là tạo lập dữ liệu và duy trì cập nhật thường xuyên bằng hệ thống thông tin chuyên ngành, trên cơ sở đó mới ứng dụng công nghệ hiệu quả” – đồng chí Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh.
Liên quan đến lĩnh vực vận tải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Võ Khánh Hưng cho biết, về số xe buýt, Sở đang quản lý hơn 13.000 chuyến xe/ngày; số hóa được 4.571 vị trí nhà chờ; 1.751 phương tiện vận chuyển mỗi ngày; đã vận hành hệ thống vé điện tử trên 38 tuyến xe buýt với 550 phương tiện. Dự kiến đến cuối năm 2024, Sở hoàn tất 100% các tuyến phương tiện trên, đưa vào ứng dụng thông tin giao thông cộng cộng cho người dân qua các kênh GoBus, trang điện tử… từ đó đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người dân.
Cần thiết kế chung, chuẩn chung cho cả nước
Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam Lê Nguyễn Trường Giang chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn về chuyển đổi số; đồng thời cho rằng, cần nhận thức đúng về chuyển đổi số. Trong đó, trước hết, người lãnh đạo phải thay đổi và có nhận thức đúng về chuyển đổi số; cần xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng cho phép tổng hợp các dữ liệu. Cùng với đó là phải thay đổi lại toàn bộ văn hóa của người dân để tiến đến đô thị văn minh, hiện đại, khi đó công nghệ mới có ý nghĩa, phát huy được hiệu quả.
Một số ý kiến cho rằng, đến thời điểm này, rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương với TP và giữa các sở, ngành. Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, việc số hóa dữ liệu cần phải có thiết kế chung, chuẩn chung cho cả nước để các ngành hợp tác được với nhau trên hệ thống chung, phù hợp. Ngành giao thông, xây dựng, môi trường rất gần nhau nhưng hiện kết hợp không dễ.
Đồng chí Tô Đình Tuân phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp) TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 TPHCM, cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay của chuyển đổi số ở nước ta là nền tảng dữ liệu. Cần thay đổi cách tiếp cận về chuyển đổi số trong quản lý đô thị. Để quản lý đô thị TPHCM thì số hóa là công cụ. Tuy nhiên, để công cụ này phát huy hết hiệu quả thì TPHCM cần phải làm nhiều việc, như một cuộc cách mạng ở hầu hết các lĩnh vực.
TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, chuyển đổi số là một xu hướng bắt buộc. Nếu ứng dụng vào quản lý đô thị sẽ đem lại một hiệu quả, năng suất và quản lý cực kỳ lớn, phải nói là nhảy vọt. Vì vậy, để đô thị đi vào số hóa, cần phải có lộ trình.
“Ưu tiên đầu tiên là số hóa và chuyển đổi số hoàn toàn dịch vụ công. Việc này dứt khoát phải làm, làm càng nhanh càng tốt bởi việc chuyển đổi số không chỉ đem lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao công tác quản lý của nhà nước mà còn giải quyết những vấn đề tiêu cực. Ngoài ra, cần những trung tâm dữ liệu Big data để phục vụ chuyển đổi số” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Từ ý kiến của các đại biểu tham dự tọa đàm, TS - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao động cho biết, về các giải pháp trong phát triển đô thị thông minh, các chuyên gia đều cho rằng cần thống nhất về nhận thức trong chuyển đổi số. Cùng với đó là nâng cao kiến thức ứng dụng công nghệ số trong quản lý đô thị cũng như xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi số phải bài bản, mang tính chiến lược; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu cơ bản. Các đơn vị nên tăng cường kết nối với nhau; đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ. Đặc biệt, cũng cần chú trọng thay đổi về văn hóa của người dân đô thị; chú trọng trong công tác truyền thông.