Quốc hội ngày 8/11 (Thanhuytphcm.vn) – Ngày 8/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Dự án Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Trình bày nội dung thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012. Ủy ban cũng tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thống nhất với việc sửa đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng để phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của quảng cáo trên thế giới, tuy nhiên, việc điều chỉnh gấp 4 lần, từ 1,5 giây lên 6 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn.
Ngoài ra, dự thảo Luật chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị nghiên cứu có quy định phù hợp. Về việc cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn căn cứ, tác động của việc thay đổi quy định cấp giấy phép từ trên 20m2 thành 40m2; nghiên cứu bổ sung quy định cấp giấy phép cho một số loại hình quảng cáo mới (như quảng cáo dạng 3D gắn với công trình xây dựng sẵn có).
Quốc hội cũng nghe Bộ trưởng Bộ Công thương, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Về phát triển công nghiệp hóa chất, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ có 6 điều là chưa đầy đủ để phát triển ngành công nghiệp hóa chất; đề nghị nghiên cứu, bổ sung các nội dung về: đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thương mại và thị trường, nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ, nhân lực khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 Trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta. Tình hình ma túy ở trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm và chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%).
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, cơ quan chủ trì quản lý Chương trình là Bộ Công an. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2025 đến hết năm 2030. Tổng vốn thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý. Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình. Việc dành năm 2025 chuẩn bị khung pháp lý, cơ chế chỉ đạo, điều phối, vận hành, chuẩn bị các nguồn lực đầu tư, tiêu chí và phương pháp quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình là cần thiết để bảo đảm việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trong giai đoạn 2026 - 2030. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá sâu sắc, toàn diện, làm nổi bật hiệu quả đối với việc giảm tệ nạn xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên; tăng cường sức khoẻ, hiệu quả giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính bền vững của Chương trình…