Quốc hội chiều 5/11 (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 5/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, một số đại biểu Quốc hội (ĐB) đề nghị, cần quy định cụ thể về thu hồi khoáng sản tại các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình đối với các loại khoáng sản đặc thù; xem xét giao thẩm quyền phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho HĐND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân về cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về cách thức giải quyết đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ và đáp ứng đầy đủ điều kiện gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vướng mắc do điều kiện khách quan (như đợi quy hoạch được phê duyệt, chờ cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ, cơ quan nhà nước chưa xem xét giải quyết).
Về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, ĐB Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị quy định theo hướng “Giấy phép thăm dò khoáng sản do UBND cấp tỉnh cấp ở khu vực phù hợp với phương án quản lý về địa chất và khoáng sản trong quy hoạch tỉnh”.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) Về thu hồi khoáng sản, ĐB Điểu Huỳnh Sang đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo luật về thu hồi khoáng sản tại các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình đối với các loại khoáng sản đặc thù. Cụ thể, cần bổ sung quy định không thu hồi khoáng sản tại khu vực có dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, các dự án, công trình quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, công cộng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh được phép triển khai trên khu vực quy hoạch khoáng sản, khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản. ĐB Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các công trình, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực nhưng chưa khởi công xây dựng do vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản thì được thực hiện theo luật này.
Đối với khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, dự thảo quy định: “UBND cấp tỉnh khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan”. Như vậy, dự thảo luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 về thẩm quyền phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, theo một số ĐB, quá trình thực hiện Luật Khoáng sản thời gian qua cho thấy, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản gặp nhiều khó khăn do phải trải qua nhiều trình tự thủ tục (xin ý kiến các sở, ngành tại địa phương và các bộ, ngành Trung ương; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng thời gian thực hiện khoảng 3 năm mới hoàn thành. Trong khi đó nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực của các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Do vậy, để thuận tiện và rút ngắn thời gian thực hiện, các ý kiến đề nghị xem xét giao thẩm quyền phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho HĐND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến ĐB đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này. Một số ý kiến còn đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quân đội.
Theo dự thảo luật, quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm theo hướng cấp úy là 50 tuổi, thiếu tá là 52 tuổi, trung tá là 54 tuổi, thượng tá là 56 tuổi, đại tá là 58 tuổi, cấp tướng là 60 tuổi. Về quy định này, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) và các ĐB đều cho rằng, việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ là hợp lý, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành nghề lao động đặc biệt và cũng phù hợp với việc xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ còn nhằm thu hút nhân tài vào quân đội. ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, có thể tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi để bảo đảm tính thống nhất giữa các lực lượng vũ trang, góp phần trọng dụng nhân tài và tương quan giữa 2 lực lượng quân đội và công an.
Giải trình một số ý kiến, về đề xuất tăng tuổi hưu của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, do đặc thù riêng trong công tác tổ chức, chỉ huy trong quân đội nên mong Quốc hội cho phép giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan cấp tướng như trong dự thảo luật đề xuất là 60 tuổi…