Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm phát triển thị trường điện cạnh tranh thực sự

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Theo đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), về thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, dự thảo quy định nội dung về trả lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả. Việc quy định điều này để ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện trong việc thanh toán tiền điện là phù hợp để đảm bảo lợi ích của bên cung cấp điện. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, việc đôi khi quên thời gian đóng tiền điện, tiền nước dẫn tới đóng chậm một vài ngày diễn ra rất phổ biến. Vì vậy, quy định tính lãi ngay khi chậm trả không phù hợp, nên có thời hạn quy định sau bao nhiêu lâu chậm trả thì bắt đầu tính lãi, ví dụ ít nhất 1 tháng. Đặc biệt, nên quy định không tính lãi chậm đóng tiền đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, sống một mình… để đảm bảo tính nhân văn.

ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nêu, lưới điện quốc gia hiện nay khoảng 95% do nhà nước đầu tư thì không thể xã hội hóa như dự thảo luật. Do đó, ĐB kiến nghị sửa theo hướng “Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp’’. ĐB cho biết thêm, trong dự thảo còn nhiều quy định, thể hiện thể hiện sự độc quyền của ngành điện lực, ví dụ quy định tổ chức cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư hoặc bên bán điện chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống đo đếm. “Giữa các doanh nghiệp và điện lực là phải hợp tác bình đẳng, nên bỏ những chữ trách nhiệm’”, ĐB Duy Thanh nêu. Cũng theo ĐB, nhu cầu về điện ngày càng tăng cao, nhưng dự thảo thắt chặt, kiểm soát nguồn cung, cũng như quy định nhiều giấy phép tại dự thảo luật sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

ĐB Phạm Văn Hòa đồng tình thực hiện giá điện 2 thành phần, đó là công suất và sản lượng để rõ ràng, minh bạch và chấm dứt việc bù chéo giá điện hiện nay. “Không thể chấp nhận được việc tăng giá điện của các lĩnh vực, của khách hàng này để bù cho giá điện của lĩnh vực khách hàng khác. Nếu thuộc các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thì phải lấy tiền từ ngân sách bù, không thể chấp nhận hàng năm điện lực báo cáo lỗ do mua cao, bán thấp. Điều này không sòng phẳng với kinh tế thị trường, nếu mua cao sẽ bán cao, giá điện không được bù chéo với ai hết, phải sòng phẳng. Vấn đề này phải có lộ trình, cụ thể thời gian nào không còn bù chéo nữa”, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị.

ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) chưa tạo được hành lang thông thoáng và căn cứ pháp lý mạnh mẽ để phát triển ngành điện đáp ứng những yêu cầu to lớn của sự phát triển đất nước. Hàng loạt những vấn đề đang gây bức xúc, tranh cãi liên quan đến ngành điện như giá điện, mua bán điện, phát điện và hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài Tập đoàn điện lực Việt Nam; bù chéo; ranh giới giữa kinh doanh với thực hiện những nhiệm vụ an sinh xã hội... xuất phát từ nguyên do căn bản là chúng ta chưa có một thị trường điện cạnh tranh thực sự.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho biết, việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã bắt đầu được triển khai trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các chính sách thị trường điện cạnh tranh vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Người dân vẫn tồn tại tâm lý “điện là mặt hàng độc quyền”. Vì vậy, trong lần sửa đổi lần này, ĐB đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, đảm bảo tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh thực sự, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

ĐB Trần Hữu Hậu và nhiều ĐB kiến nghị, nếu thông qua trong 1 kỳ họp thì việc sửa đổi Luật Điện lực chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Còn nếu sửa đổi luật toàn diện thì cần qua 2 kỳ họp.

Đại biểu ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) Đại biểu ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030 phải tăng gấp đôi công suất. Đến năm 2050, phải tăng gấp 5 lần công suất hiện nay. “Nếu từ bây giờ không có luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể, chúng ta không thể thu hút được đầu tư. Giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 14 -16 tỷ USD/năm, nhưng từ sau năm 2030 phải cần từ 16-18 tỷ USD/năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại một kỳ họp”, Bộ trưởng nêu. Bộ trưởng cho biết rất lo rằng luật này không được thông qua, bởi nếu không có chính sách thì không có đầu tư, không có đầu tư sẽ không có điện, không có điện thì không có gì hết, điện phải đi trước một bước.

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cho phát triển các nguồn và lưới điện. Đặc biệt là điện từ năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hay lưới điện truyền tải liên miền. Hiện nay, chúng ta đã có cơ chế cho thu hút đầu tư vào hệ thống lưới điện, dự thảo lần này cơ bản mở cánh cửa cho các nhà đầu tư đầu tư về hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, để bảo đảm vấn đề an ninh năng lượng quốc gia thì chính sách phải phù hợp, đơn cử với điện gió ngoài khơi, ở các nước phát triển rất mạnh, nhưng Việt Nam ở một vị trí địa chính trị, địa quốc phòng rất đặc biệt, do đó không thể phát triển một cách ồ ạt, mà phải có lựa chọn, có những quy định chặt chẽ.

Vể vấn đề điện hạt nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh, điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có, nhưng để có trên thực tiễn thì ngay từ bây giờ trong luật phải được đề cập. Những gì quy định được rõ trong luật thì quy định, nếu chưa rõ thì trao quyền đó cho Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo, quy định và có những bước đi cụ thể, như vậy thì sau 10 năm chúng ta mới có những dự án điện hạt nhân.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo