Thứ Ba, ngày 14 tháng 1 năm 2025

Vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền - Yếu tố quyết định hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường báo cáo tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 7/11, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30–CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đến dự có các đồng chí: Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vũ Anh Tuấn, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM;...

Chuyển biến rõ nét trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đã báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo đó, trong 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở đã cụ thể hóa bằng nhiều văn bản với nhiều giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc; đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, luôn gắn sát với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp.

Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của từng loại hình có sự chuyển biến nhất định, đạt kết quả khá tốt; dân chủ trong nội bộ cơ quan được phát huy, nhất là trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, công tác tiếp công dân, đối thoại ngày càng chú trọng; khai thác hiệu quả các kênh để tiếp nhận ý kiến của Nhân dân và giải quyết kịp thời các phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Hệ thống chính trị của TP đã phát huy tốt đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác được tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia góp ý, hiến kế xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động của TP, quan tâm chăm lo đời sống cho Nhân dân, người lao động khó khăn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường cho biết, hoạt động của HĐND các cấp theo từng giai đoạn ngày càng đổi mới nâng cao chất lượng, nhất là hoạt động giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri. Nổi bật là chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” của HĐND TP đã phát huy hiệu quả, kịp thời tiếp thu và kiến nghị đến các cơ quan chính quyền giải quyết các kiến nghị của cử tri, tạo được lòng tin của Nhân dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị Các đại biểu tham dự hội nghị

Công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn thực hiện dân chủ ở cơ sở với công tác dân vận của chính quyền, tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng thiết thực, hiệu quả. Nhiều mô hình, giải pháp, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai, minh bạch và rút ngắn quy trình và thời gian giải quyết công việc cho Nhân dân, doanh nghiệp; xây dựng ý thức, trách nhiệm, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; công tác kiểm tra, thanh tra công vụ được tăng cường.

Từ năm 2007 đến năm 2023, đã có 1.448 cá nhân, 574 tập thể được biểu dương điển hình “Dân vận khéo” cấp TP; 121.132 cá nhân, 30.096 tập thể được bình chọn, công nhận mô hình, biểu dương điển hình “Dân vận khéo” cấp cơ sở.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu của các địa phương, cơ quan, đơn vị được thực hiện khá nghiêm túc, hiệu quả; công tác đối thoại, gặp gỡ với các giới, đoàn viên, hội viên và Nhân dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tổ chức thường xuyên, góp phần giải quyết, tháo gỡ các bức xúc, lắng nghe ý kiến đóng góp, đề ra các giải pháp, chính sách sát hợp, bảo đảm quyền lợi của Nhân dân…

5 bài học kinh nghiệm

Chia sẻ về 5 bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chỉ thị số 30–CT/TW, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường cho biết, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp thường xuyên quán triệt các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhận thức đúng đắn, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, nguyện vọng của Nhân dân, người lao động. Phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các giới tham gia và thực hiện tốt các nội dung theo các văn bản chỉ đạo của Đảng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ; nội dung tuyên truyền và tổ chức thực hiện phải cụ thể, linh hoạt, sâu sát cơ sở, phù hợp với đối tượng, đặc điểm thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở cụ thể, phù hợp; công khai, dân chủ, minh bạch các hoạt động, nhất là các lĩnh vực, nội dung nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, các nguồn quỹ do Nhân dân đóng góp…; thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời các quy chế, quy định, tạo thành nền nếp và những chuyển biến mới, tích cực từ các loại hình ở cơ sở.

Quang cảnh hội nghị Quang cảnh hội nghị

Một trong những bài học kinh nghiệm khác là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nhất là trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chất lượng phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở phải đồng bộ; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng tổ chức; gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, khuyến khích, động viên phát huy sáng kiến của Nhân dân, doanh nghiệp, tham gia góp ý xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội TP; quan tâm chăm lo đời sống, giải quyết những vấn đề bức xúc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế yếu kém trong thực hiện các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; kịp thời biểu dương khen thưởng các điển hình thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời, phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, phân công trách nhiệm cụ thể, chủ động tham mưu các giải pháp để thực hiện… Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm nòng cốt trong việc phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của Nhân dân, kiến nghị, theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết, tạo không khí dân chủ, lành mạnh trong xã hội.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo