Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024

Phản bác các luận điệu xuyên tạc về Cách mạng tháng Mười Nga

Lãnh tụ V.I.Lenin diễn thuyết ở Quảng trường Đỏ, Moscow, năm 1917.

(Thanhuytphcm.vn) - Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất thế kỷ XX, không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến nước Nga mà còn có tác động lớn đến phong trào cách mạng thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, một số luận điệu xuyên tạc về cách mạng này đã xuất hiện, nhằm phủ nhận giá trị và ý nghĩa của nó.

Luận điệu xuyên tạc nguyên nhân và bối cảnh cách mạng

Một số ý kiến cho rằng Cách mạng tháng Mười chỉ là sản phẩm của những kẻ nổi loạn, thiếu tính chính danh... Thực tế, cách mạng diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang trải qua khủng hoảng sâu sắc về kinh tế, chính trị và xã hội. Trước khi cách mạng bùng nổ, Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Nga hoàng Nikolai II. Sự tồn tại của chế độ quân chủ và những tàn tích phong kiến không chỉ làm cho đời sống nhân dân Nga ngày càng khó khăn mà còn kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Từ năm 1914, Nga tham gia cuộc chiến tranh đế quốc và liên tiếp thất bại trên chiến trường đã khiến cho đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng: kinh tế suy sụp, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi… Quân đội liên tiếp thua trận đã khiến cho tình trạng khủng hoảng thêm trầm trọng. Đến năm 1917, Nga trở thành khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền chủ nghĩa đế quốc mà cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể chọc thủng, bởi chính quyền Sa hoàng không còn khả năng giải quyết các vấn đề của nhân dân, dẫn đến sự thất vọng và khát vọng thay đổi.

Cách mạng tháng Mười là sự tập hợp sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân và nông dân, đứng lên giành quyền lực. Cuộc khởi nghĩa ở Petrograd (nay là Saint Petersbourg) đã hoàn toàn thắng lợi ngay trong đêm 7/11/1917. Tiếp theo, chính quyền Xô viết được thiết lập ở Moscow và sau đó là khắp nhiều nơi ở Nga. Tuy nhiên, dù có sự kháng cự điên cuồng của lực lượng chống đối, đến cuối tháng 3/1918, chính quyền Xô viết cũng đã giành được thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước. Như vậy, đây là cuộc cách mạng của đại bộ phận nhân dân Nga thực hiện để đòi quyền tự quyết cho mình.

Quan điểm phủ nhận vai trò của Đảng Bolshevik

Một luận điệu khác là phủ nhận vai trò của Đảng Bolshevik trong việc lãnh đạo cách mạng. Tuy nhiên, Đảng Bolshevik, dưới sự lãnh đạo của Lenin, đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và xây dựng chiến lược phù hợp, từ đó tập hợp quần chúng nhân dân tham gia cách mạng. Từ đầu năm 1917, Cách mạng tháng Hai, cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới, đã giành được chính quyền. Đó là cách mạng làm nhiệm vụ cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp vô sản lãnh đạo, sau khi thắng lợi sẽ chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Là cách mạng tư sản vì đánh đổ chế độ quân chủ Nga hoàng và thực hiện những cải cách dân chủ, nhưng nó khác với các cuộc cách mạng tư sản trước đó: lãnh đạo cách mạng là giai cấp vô sản chứ không phải giai cấp tư sản. Động lực chính của cách mạng là công nhân và nông dân. Chính quyền thành lập sau cách mạng không phải là nền chuyên chính của giai cấp tư sản mà là nền chuyên chính của 2 giai cấp cách mạng, công nhân và nông dân. Hướng phát triển của cách mạng là tiến lên chủ nghĩa xã hội chứ không chỉ dừng lại ở chủ nghĩa tư bản.

Tháng 4/1917, lãnh tụ Đảng Bolshevik Lenin đã trình bày trước Trung ương Đảng bản cáo “Nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện này” – sau này hay gọi là Luận cương tháng Tư, chỉ ra mục tiêu và đường lối chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sau sự kiện này, cùng với sự phản bội của chính quyền tư sản do Kerensky đứng đầu, những người cộng sản đã lãnh đạo nhân dân Nga giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Như vậy, chính sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định giúp cách mạng thành công, đưa đất nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Lực lượng cách mạng tấn công Cung điện Mùa Đông ngày 7/11/1917. Lực lượng cách mạng tấn công Cung điện Mùa Đông ngày 7/11/1917.

Khẳng định thành tựu và di sản của cách mạng

Có những quan điểm cho rằng Cách mạng tháng Mười đã dẫn đến các cuộc chiến tranh và xung đột, trong đó có cuộc nội chiến Nga 1918 - 1922. Tuy nhiên, ngay trong khi diễn ra Cách mạng tháng Mười thì nước Nga cũng đã ở tình trạng chiến tranh với các nước đế quốc mà Nga liên tục thua trên hầu hết các chiến trường và vị thế nước Nga ngày càng thảm hại. Do đó, cần nhìn nhận rằng cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới, xây dựng nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở Nga. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Nga đã đạt được những thành tựu to lớn trong công nghiệp hóa, giáo dục, y tế và văn hóa, nâng cao đời sống người dân.

Không chỉ vậy, cuộc cách mạng vĩ đại đó đã khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho toàn thể nhân loại, để giai cấp vô sản cùng nhân dân lao động ở các nước đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, đế quốc. Đồng thời, Cách mạng tháng Mười đã trở thành “ngọn đuốc” soi đường, chỉ lối cho giai cấp vô sản các nước vững niềm tin bước lên vũ đài chính trị, từ châu Âu lan tỏa nhanh chóng và mạnh mẽ sang châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin, khiến cho giai cấp tư sản vô cùng hoảng sợ, buộc phải xuống thang và điều chỉnh để tồn tại. Đến nay, sau hơn 100 năm, đây vẫn là cuộc cách mạng triệt để nhất, có tác động sâu sắc đến toàn thể nhân loại.

Đánh giá sai lệch về chế độ xã hội chủ nghĩa

Nhiều luận điệu xuyên tạc cho rằng chế độ xã hội chủ nghĩa do Cách mạng tháng Mười thiết lập là thất bại. Thực tiễn cho thấy, dù có những khó khăn và thách thức, mô hình xã hội chủ nghĩa vẫn mang lại nhiều thành công cho các nước như Liên Xô (cũ) và ở Đông Âu trong việc xây dựng một xã hội công bằng, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển bền vững. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, với đường lối phù hợp với tiến bộ xã hội, Đảng Cộng sản Nga đã lãnh đạo giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả lĩnh vực, đưa Liên Xô từ nước tư bản trung bình trở thành quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Điều đó tạo nên thế và lực để Hồng quân Liên Xô trở thành lực lượng chủ yếu quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu nhiều dân tộc trên thế giới thoát khỏi thảm họa diệt chủng trong Thế chiến II.

Dưới tác động to lớn, sâu sắc của Cách mạng tháng Mười Nga và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, hàng loạt nước trên khắp các châu lục đã tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc, giành được độc lập; nhiều quốc gia, dân tộc đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Những người lính Bolshevik diễu hành trên đường phố Moscow năm 1917. Những người lính Bolshevik diễu hành trên đường phố Moscow năm 1917.

Tiếp tục bảo vệ giá trị lịch sử

Cách mạng tháng Mười là một phần không thể tách rời trong lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Việc xuyên tạc, phủ nhận giá trị của cuộc cách mạng này không chỉ là sự thiếu khách quan đối với lịch sử mà còn cản trở sự phát triển của tư tưởng cách mạng. Chúng ta cần khẳng định và bảo vệ những giá trị lịch sử, đồng thời rút ra bài học từ cách mạng để áp dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển hiện nay. Thực tế, gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Mười, hơn 70 năm xây dựng và phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, cũng như sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá. Mỗi quốc gia, mỗi chính đảng, nhất là các đảng của phong trào cộng sản và công nhân, cần nghiêm túc nghiên cứu, học tập và rút kinh nghiệm từ các bài học đó để vận dụng phù hợp trong bối cảnh mới.

Hiện nay, lý tưởng cao đẹp của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại vẫn đang hiện diện và tiếp tục soi sáng cho nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Điều đó cho thấy, mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực đang gặp nhiều sóng gió, thử thách lớn nhưng con đường mà Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra vẫn là “ngọn đuốc” vạch thời đại, là mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười vẫn đang chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất…

Trải qua 107 năm, Cách mạng tháng Mười Nga vẫn là một sự kiện mang tính bước ngoặt, để lại nhiều di sản quý giá cho nhân loại. Việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc là cần thiết để bảo vệ sự thật lịch sử, khẳng định giá trị của những lý tưởng mà cuộc cách mạng này đã mang lại, từ đó xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ do các quốc gia, dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo