Thứ Sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024

Kiến nghị các nhà thuốc phải được tự quyết định việc mua sắm thuốc

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Các ĐB đánh giá cao Quốc hội dùng 1 luật sửa 4 luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc trong thực tiễn.

Về Luật Đấu thầu, quy định về đấu thầu thuốc chữa bệnh được nhiều ĐB thảo luận sôi nổi. ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, tình trạng thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất. Do đó, ĐB kiến nghị sửa luật theo hướng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm thuốc đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu. Thực tế, các cơ sở y tế ngoài công lập đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, thậm chí có cả các loại thuốc hiếm và thiết bị y tế hiện đại, bởi họ được sử dụng hình thức mua sắm thông thường, giá rẻ hơn so với cơ sở công lập.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng cho rằng việc đưa vào những quy định về mua sắm trực tiếp là không cần thiết, bởi nếu theo quy định, vẫn phải đấu thầu mới có mua sắm trực tiếp. Chúng ta có thể chỉ định thầu, có thể chào hàng cạnh tranh, có thể mua sắm trực tiếp và đàm phán giá mà vẫn yên tâm.

Cùng về Luật Đấu thầu, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đề nghị nâng mức phải tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên lên bằng mức đầu tư công. Tức là với gói thầu tư vấn thì trên 500 triệu đồng, với gói thầu mua sắm xây lắp dịch vụ phi tư vấn thì trên 1 tỷ đồng. “Chúng ta cần phải mạnh mẽ, tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thông thoáng ngay trong bộ máy hành chính, trong các cơ quan đoàn thể. Cán bộ công chức, viên chức còn bị gò bó phải thực hiện các thủ tục nhiêu khê cho những việc không cần thiết, nhỏ nhoi thì khó có thể có tâm thế mạnh dạn tạo sự thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp”, ĐB Trần Hữu Hậu phát biểu.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng ý với các ĐB là phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu. Cùng với đó, phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng mà nghiên cứu có thể nâng lên nữa để đảm bảo tính ổn định lâu dài, tránh việc vừa sửa xong luật lại bất cập, sửa tiếp. Riêng về đấu thầu thuốc, Bộ trưởng cũng đồng tình với các ĐB là nên để cho các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm; nếu họ có hành vi sai trái, thông đồng hay đẩy giá thì có pháp luật khác xử lý; đấu thầu hay không, mua sắm trực tiếp hay mua sắm thế nào là do họ lựa chọn.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Về Luật PPP, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế. Trong đó có các nguyên nhân: các dự án khó giải phóng mặt bằng, lưu lượng người lưu thông ít, địa hình đồi núi... thì kêu gọi đầu tư PPP, còn dự án thuận lợi về giải phóng mặt bằng, lưu lượng xe lưu thông nhiều thì đầu tư từ ngân sách nhà nước, đó là điều không hợp lý, thiếu công bằng với dự án PPP, do đó nên không thu hút được nhà đầu tư.

Mặt khác, chúng ta chưa giải quyết dứt điểm các dự án BOT hiện nay còn tồn tại ở các địa phương chưa được phép thu phí hoặc chấm dứt thu phí, gây khó khăn cho nhà đầu tư nợ ngân hàng không có khả năng trả. Các dự án mới ngân hàng cũng ngần ngại cho vay, dù nhà đầu tư đầu có khả năng thanh toán. Do đó, việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung điều chỉnh cho các dự án PPP là cần thiết.

Về hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT, lĩnh vực này chỉ mới cho phép áp dụng thực hiện thí điểm ở TPHCM, Hà Nội, Nghệ An, chưa được tổng kết đánh giá tác động đầy đủ, chưa có thời gian để rút kinh nghiệm thực tế, do đó ĐB đồng tình với cơ quan thẩm tra là chưa đủ cơ sở để luật hoá các quy định về cơ chế trình tự thủ tục của loại hợp đồng BT. Điều này nhằm bảo đảm cho việc không để xảy ra tiêu cực như thời gian qua, không ít quan chức phải vướng vòng lao lý. “Bởi việc chuyển giao cho nhà đầu tư bằng tiền, bất động sản nếu chưa tính toán đầy đủ sẽ bị thất thoát tài sản nhà nước hoặc nhà đầu tư bị thiệt thòi, tùy theo các dự án, thay vì BT thì nhà nước đầu tư công hoặc đầu tư PPP sẽ thuận lợi hơn”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu.

Các ĐB khác cũng đề nghị bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị không thanh toán bằng quỹ đất đối với hợp đồng BT, mà nên thanh toán đối với các dự án theo hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền đấu giá quyền sử dụng đất như thí điểm tại một số tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội.

Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chúng ta quay lại BT bằng đất và BT bằng tiền (trước đây đã thực hiện BT nhưng sau đó dừng, hiện 3 tỉnh thực hiện thí điểm là TPHCM, Hà Nội, Nghệ An). Với đề nghị của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất khôi phục lại nhưng với một phương thức quản lý mới, chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư không bị thất thoát, minh bạch. Theo đó, phải xác định giá đất đai, phải đấu thầu, cho cơ chế thanh toán bù trừ ngang giá; sau này nếu giá đất lên thì định giá lại, mà nếu thiếu thì nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đóng đủ bằng giá đất thực tế ở thời điểm đó, nếu thấp hơn thì nhà nước trả lại bằng tiền cho nhà đầu tư. 

Về BT chuyển tiếp, Bộ trưởng cho biết, đây là một vấn đề rất phức tạp. Sơ bộ có 160 dự án với khoảng 59.000 tỷ đồng, thực tế còn nhiều ở các địa phương. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, sẽ rà soát trên cả nước, phân loại thành các nhóm với các vi phạm khác nhau và có hướng xử lý cho từng nhóm. Nếu giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển, đóng góp ngay cho thu ngân sách và cho tăng trưởng kinh tế, giúp được rất nhiều doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo