Thứ Tư, ngày 7 tháng 5 năm 2025

Anh hùng Lao động - Nhà giáo Nhân dân - PGS.TS Lý Hòa từ ý chí vượt lên tất cả

Anh hùng Lao động - Nhà giáo Nhân dân - PGS.TS Lý Hòa (thứ 2 từ trái qua) trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập trường Đại học Tổng hợp TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Cách đây hơn 40 năm, chúng tôi bước chân vào Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Hà Nội tại Mễ Trì, nay là quận Thanh Xuân - Hà Nội, vào một sáng đầu tháng 11/1979, sinh viên các khoa khối khoa học – xã hội tập trung chào cờ - và lúc đó, Trường có mời một thương binh nặng nguyên là Trưởng khoa Vật Lý của Trường - khi đó đang Hiệu trưởng ĐHTH TPHCM, nói chuyện cùng sinh viên. Người đó là PGS.TS Lý Hòa, một nhà khoa học đáng kính đã vượt qua tất cả những khó khăn của thương tật, từ ý chí trong nghiên cứu và đứng đầu một trường Đại học lớn tại TPHCM - trường ĐH kết nghĩa với ĐHTH Hà Nội lúc đó.

Sẵn sàng tòng quân đánh đuổi thực dân Pháp

Ngày ấy, tại vùng quê xã Thạnh Phú - Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho - sau là tỉnh Tiền Giang), cũng như bao chàng trai mười tám, đôi mươi khác, anh Lý Hòa từ biệt cha mẹ, làng quê, lên đường chiến đấu theo tiếng gọi Tổ quốc cần. Lý Hòa sinh năm 1931, đi nhập ngũ kháng chiến năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến vừa mới bắt đầu, ngay tại vùng đất Mỹ Tho của quê ông. 

Thế rồi, trong một trận chiến đấu nảy lửa với quân thù tại mặt trận tỉnh Mỹ Tho (nay gọi tỉnh Tiền Giang), chàng thanh niên lòng đầy nhiệt huyết Lý Hòa đã bị thương nặng, cả hai chân bị dập nát tưởng chừng không thể cứu vãn nổi, và thế là phải chịu thương tích nặng từ cuộc chiến tranh.

Sau khi được đơn vị giúp, cho phẫu thuật tất cả trên 10 lần, sắp xếp lại đôi xương chân nhưng cơ hội để trở về chiến đấu là điều không thể nào do vết thương đã tàn phá đôi chân. Ông kể lại, vào lúc buồn chán nản nhất, anh tình cờ được đọc nhân vật Paven Coocsaghin qua tập sách “Thép đã tôi thế đấy” của văn hào Nga. Và từ đó, như được tiếp thêm nghị lực sống, ông vừa chiến đấu với thương tật, vừa lao vào tự học văn hóa... để thành người công dân gương mẫu về sau.

Sau thời gian mổ và điều trị vết thương, Lý Hòa thầm nhủ mình không thể tiếp tục làm chiến sĩ giết giặc cứu nước, thì sẽ làm “chiến sĩ trên giường bệnh”: học tập! Tự đề ra giáo trình tự học, không thầy cô, không thi cử, anh đã mượn sách của những người vào thăm nuôi thương binh, nhờ y tá mua sách và tự học. Thế mạnh của anh là các môn tự nhiên. Sau gần 20 tháng say mê học tập trên giường bệnh, Lý Hòa đã nắm vững kiến thức cơ bản của 4 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh đến lớp 10 (hệ 10/10 năm lúc đó tại miền Bắc).

Trong thời gian tiếp tục điều trị, chờ mổ hai chân, dù chưa lành hẳn vết thương, song thương binh Lý Hòa vẫn xin cho xuất viện về Sư đoàn 338. Tại đây, anh xin Sư đoàn cho phép đi liên hệ tìm một việc làm gì đó như ở Ban phát hành báo chí, làm mậu dịch viên, có khi làm văn thư ở một xí nghiệp…, nhưng ở chỗ nào, anh cũng bị từ chối vì đi lại cực kỳ khó khăn do đôi chân không giúp gì cho anh trong mọi công việc.

Đến ngày cuối của sự bi quan đó, Lý Hòa đã xin thi vào lớp 10 bổ túc văn hóa công - nông (loại hình phổ biến lúc đó ở miền Bắc). Sau nhiều lần bị các cán bộ sư đoàn từ chối vì lý do: “Trong giấy chiêu sinh chỉ tuyển những thí sinh đã học xong lớp 9, còn cậu mới học xong lớp 3 như theo lý lịch quản lý của Sư đoàn, nên không thể thi vào được” - thế là lại phải quyết tâm cao hơn nữa cho việc học hành, từ trình độ lớp 3 đến lớp 9 và rồi lớp 10 bằng cách tự học trong quá trình điều trị.

Sau nhiều lần giải thích với cán bộ Sư đoàn thế nào cũng không được, anh Lý Hòa phải tự mình nhờ đến Chính ủy Sư đoàn 338 là tướng Tô Ký để nhờ ông can thiệp. Thiếu tướng Tô Ký sau khi xem xét đã lệnh cho sĩ quan quân lực của Sư đoàn: “Cậu ấy là thương binh, xin đi thi thì mình cứ cho cậu ấy đi thi, nếu đậu thì đi học, còn không đậu thì cậu ấy trở về đây Sư đoàn nuôi tiếp”.

Thật bất ngờ, từ trong cái tâm sáng ngời của vị tướng đã giúp đỡ người lính thương binh nặng và tại đợt thi ấy có 110 người dự thi, thì thương binh nặng Lý Hòa là 1/8 người đạt điểm cao nhất cuộc thi vào lớp 10 bổ túc công - nông Trung ương. Anh trở về Sư đoàn báo cáo, nộp giấy gọi nhập trường, được Sư đoàn 338 cấp giấy chuyển ngành với giấy chứng nhận sức khỏe loại D. Cũng từ đây anh trở lại thời học trò như thuở chưa đi lính. Sau khi học xong lớp 10, Lý Hòa không dừng lại ở đó mà quyết chí để học lên đại học. Được bạn bè và các thầy tư vấn, Lý Hòa chọn thi Khoa Vật lý - Đại học Tổng hợp Hà Nội hệ 4 năm, vào khóa 1959-1963. Sau 4 năm học vất vả, chịu đói, giá rét tại đất thủ đô mùa Đông, ngoài bằng tốt nghiệp ngành Vật lý quang và quang phổ, Lý Hòa còn đậu bằng chuyên tu ngoại ngữ tiếng Nga, được Ban Giám hiệu tuyển làm giảng viên chính thức Khoa Vật lý - đó là một vinh dự hiếm có của một thương binh nặng, qua phấn đấu của bản thân, đã vượt qua tất cả, được đứng trên bục giảng một trường Đại học lớn loại hàng đầu của nước ta lúc đó.

Từ ý chí vươn tới chân trời khoa học

Được Ban giám hiệu nhà trường giúp đỡ, từ năm 1963-1966, thương binh Lý Hòa làm giảng viên chính thức Khoa Vật Lý - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 10/1965, thầy Lý Hòa từ quyết tâm học và nói tiếng Nga thành thạo, được Hiệu trưởng nhà trường là GS. Ngụy Như Kon Tum cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô với đề tài quang phổ phân tử; đồng thời thầy Lý Hòa còn được cử là Phó Bí thư Đảng ủy lưu học sinh Việt Nam tại Leningrad (Liên Xô). Nhiều người tại Hà Nội hay TPHCM rất ngạc nhiên, sao một thương binh hạng nặng, có lúc tưởng chừng không qua khỏi mọi nỗi đau chiến tranh, giờ thầy lại được Hiệu trưởng nhà trường cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, cấp học bổng toàn phần, để làm luận án phó TS và TS, điều thật hiếm trong hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ.

Sau 3 năm miệt mài học tập, vượt qua khó khăn từ vết thương những lúc tái phát, tự nghiên cứu tại thành phố Leningrad, thầy Lý Hòa trở về tiếp tục giảng dạy ở Khoa Vật Lý - ĐHTH Hà Nội, rồi được tín nhiệm cử làm Trưởng khoa. Thầy đã soạn được 5 giáo trình chuyên ngành và có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đề tài “G-H” chống bom của Mỹ, phục vụ chiến đấu và đảm bảo giao thông ở miền Bắc. Từ thành công này, tập thể các nhà nghiên cứu đề tài được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và riêng thầy Lý Hòa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thầy Lý Hòa được trở lại quê hương miền Nam, được phân công về làm Phó ban Điều hành tiếp quản trường Đại học Cần Thơ. Một thời gian sau, thầy được bổ nhiệm làm Phó ban kiêm phụ trách trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Tiếp đó, thầy được Bộ Đại học - TH Chuyên nghiệp (tên lúc đó) cử làm Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp TPHCM từ 1977 - 1990.  

Suốt 13 năm liền, trong thời gian này, ông còn được bầu làm Bí thư Đảng ủy khối Đại học - Cao đẳng - Trung học Chuyên nghiệp tại TPHCM, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Ủy viên Thường vụ Hội Cựu Chiến binh TPHCM (các khóa đầu khi Hội CCB mới thành lập).

Với những cống hiến nhiều năm liền ở trường ĐHTH Hà Nội, trường Đại học Khoa học Sài Gòn và hơn 13 năm liền là Hiệu trưởng trường ĐHTH TPHCM và cho ngành giáo dục đại học của nước nhà, PGS.TS Lý Hòa được Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Lao động và được Chủ tịch nước tuyên dương Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (tháng 7/1998). Đến nay là một cự chiến binh, một thương binh nặng, thầy đã về hưu, song vẫn tiếp tục góp phần đào tạo chương trình nghiên cứu sinh Vật lý đại cương cho một số trường Đại học ở phía Nam.

Nhắn nhủ với các thế hệ sinh viên, nhà nghiên cứu, PGS.TS Lý Hòa mong muốn: “Mỗi bạn trẻ hãy say mê học tập, chọn một chuyên môn thật sâu, không nên “cái gì cũng biết nhưng cuối cùng chẳng biết gì, rèn luyện những kỹ năng cần thiết để không rơi vào tình trạng học giỏi nhưng lại ngơ ngác khi vào đời”. Đó có thể là tâm huyết từ người thương binh nặng đi lại rất khó khăn - thầy Lý Hòa đã vượt qua tất cả để trở thành nhà khoa học, Hiệu trưởng một Đại học lớn của Việt Nam. 

Phạm Bá Nhiễu

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo