Trong số những nguyên nhân của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, bên cạnh sự tác động của các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ của các thế lực thù địch còn có sự hạn chế về nhận thức và thông tin. Ở đây, có vai trò và trách nhiệm của báo chí, nhất là hệ thống báo đảng.
Báo chí của nước ta hiện nay có những chức năng chính:
Một là, chức năng tư tưởng. Báo chí thực hiện vai trò truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời truyền bá Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng. Chức năng này nhằm phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về hệ tư tưởng của Đảng, từ đó không ngừng nâng cao giác ngộ cách mạng, tự giác cách mạng, đồng thời bồi dưỡng niềm tin, tình cảm cách mạng và cổ vũ hành động cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là, chức năng định hướng. Đó là sự tác động, giúp đỡ để công chúng hiểu đúng các chủ trương, chính sách, các sự kiện, hiện tượng xảy ra trong xã hội, để từ đó có thái độ, hành vi đúng đắn, phù hợp. Sự định hướng này chính là nhằm bảo đảm mục tiêu, lợi ích của đất nước, của xã hội, của nhân dân cũng như của Đảng, của chính quyền và các tổ chức khác trong xã hội.
Ba là, chức năng giáo dục. Báo chí có khả năng giáo dục công chúng báo chí nói riêng và xã hội nói chung trên nhiều lĩnh vực, từ ngôn ngữ, kiến thức cho đến hành vi, đạo đức… Chức năng giáo dục của báo chí có thể gián tiếp thông qua các sự kiện, hiện tượng, hình tượng… được biểu dương, phê phán, cảnh báo hoặc trực tiếp thông qua sự hướng dẫn, thuyết phục…
Bốn là, chức năng quản lý, giám sát xã hội. Báo chí đăng tải, phổ biến các quyết định quản lý và tổ chức thực hiện các quyết định quản lý đó, đồng thời phản ánh, phân tích tình hình thực tiễn để thể hiện việc thực hiện các quyết định quản lý diễn ra trên thực tế như thế nào, điều gì cần biểu dương, phê phán, phản biện... Qua đó, báo chí giám sát hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội, để có thể nhân rộng các mô hình tiên tiến, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, hiến kế, đề xuất giải pháp để các mặt hoạt động tiến bộ và hiệu quả hơn…
Năm là, chức năng giải trí. Báo chí đáp ứng thị hiếu, nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân về văn hóa – nghệ thuật, thể dục thể thao, các trò chơi, kể cả các chương trình truyền hình thực tế hoặc các hoạt động có tính tương tác giữa tòa soạn với công chúng báo chí… Dĩ nhiên, nếu các tác phẩm, các chương trình được tổ chức khoa học, hợp lý thì đồng thời có chức năng giải trí, chức năng định hướng, chức năng giáo dục…, nhưng nếu ngược lại thì có khi cả tính giải trí cũng không thể hiện đầy đủ…
Như vậy, với các chức năng đó, báo chí có tác dụng vừa cung cấp thông tin, vừa nâng cao nhận thức, vừa định hướng dư luận, vừa khơi gợi những hành vi tích cực, vừa bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ… Tuy nhiên, trên thực tế, có lúc, có nơi báo chí chưa thể hiện đầy đủ các chức năng này. Nghị quyết 16-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đã nêu một số hạn chế, tồn tại: “Trong hoạt động báo chí, một số yếu kém, khuyết điểm được nhắc nhở nhiều lần nhưng chậm khắc phục, có mặt, có lúc, có nơi còn trầm trọng hơn. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí ngày càng tăng. Các cơ quan báo chí quan trọng của Đảng, Nhà nước chậm đổi mới, nội dung và hình thức chưa hấp dẫn, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền không cao, chưa chi phối, làm chủ thông tin và định hướng được dư luận xã hội. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí còn nhiều hạn chế...”. Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động báo chí nói riêng mà còn tác động không tốt đến xã hội, nhân dân cũng như cán bộ, đảng viên.
Nhận rõ vai trò của báo chí trong công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong phần “Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng”, đã nêu: “Chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống...”. Nghị quyết cũng yêu cầu “các cấp ủy, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý, chấn chỉnh các cơ quan báo chí của mình, bảo đảm đúng định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước”.
Đối với hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, vai trò ngăn chặn, đẩy lùi của báo chí thực sự có những tác động rất tích cực. Vì vậy, báo chí cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Báo chí phải chủ động tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, chính xác, có định hướng các vấn đề của đất nước, của xã hội, các thông tin thế giới có liên quan đến Việt Nam. Trong đó, cần nêu bật các thành tựu của công cuộc đổi mới cũng như các định hướng phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới, nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để chung sức, chung lòng trong công cuộc phát triển đất nước. Việc thông tin cần khách quan, trung thực, thuyết phục, tránh nêu chung chung, thông tin một chiều hoặc nêu lấy có. Trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, cần quan tâm giới thiệu quá trình triển khai, tổ chức thực hiện trong thực tế, với các mô hình tích cực, các kinh nghiệm cần rút ra và các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung… Có như vậy, thông tin dễ dàng được tiếp nhận với những góc nhìn khác nhau, tránh sự suy diễn, xuyên tạc bất lợi.
Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa biểu dương và phê phán, trong đó, coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội. Việc thông tin quá dày, quá đậm các biểu hiện tiêu cực trong xã hội ít nhiều tác động đến nhận thức, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, khiến một số người cho rằng xã hội “đen tối”, “bất an”… Do đó, báo chí phải phản ánh các mặt tích cực của xã hội nhiều hơn nữa bằng những hình thức phong phú hơn nữa và những cách tiếp cận thuyết phục hơn nữa. Khi thông tin về các hiện tượng tiêu cực, cần làm rõ các yếu tố khách quan tác động, để thấy rằng trong một xã hội đang “chuyển mình” thì thường xuất hiện các vấn đề chưa lành mạnh và sẽ dần được đẩy lùi chứ không phải do bản thân của xã hội đó; nhưng cũng thẳng thắn nêu những nguyên nhân chủ quan, nhất là các vấn đề của cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch; tăng cường đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các hiện tượng thiếu lành mạnh trong cán bộ, đảng viên. Việc đấu tranh phản bác trên báo chí thường có tác dụng tích cực, kịp thời và có khả năng lan tỏa cao hơn so với một số hình thức đấu tranh khác. Trong khi đó, nếu các quan điểm sai trái không được đấu tranh, phản bác sẽ dễ dẫn đến sự mơ hồ, nhầm lẫn giữa cái đúng cái sai, công chúng (kể cả cán bộ, đảng viên) có thể không phân biệt được đâu chính đâu tà, từ đó có thể thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, bởi không rõ hiện tượng đó sẽ diễn tiến như thế nào, hoặc dẫn đến nhầm lẫn về đối tượng cũng như phương pháp đấu tranh. Do đó, báo chí phải vạch trần các biểu hiện, luận điệu sai trái, xuyên tạc, các vi phạm nguyên tắc, nhất là trong tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
Thứ tư, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo; rà soát, đánh giá lại đội ngũ lãnh đạo, quản lý, phóng viên, biên tập viên, kiên quyết đưa những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi cơ quan báo chí. Những người hoạt động báo chí phải thực sự vừa “hồng” vừa “chuyên”, tức là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt. Bởi những người đi tuyên truyền, định hướng, giáo dục cho người khác, đồng thời là người giám sát, phản biện một số mặt hoạt động của tổ chức đảng, của chính quyền, của xã hội thì bản thân họ phải là những người thể hiện được sự tiêu biểu, tiên phong, gương mẫu về bản lĩnh, tư cách, năng lực. Do đó, các cơ quan báo chí phải luôn chú ý rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ của mình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người làm báo được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Thứ năm, không ngừng đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ cơ quan báo chí, trong lực lượng người làm báo, đặc biệt với các nhà báo là đảng viên. Các cơ quan báo chí, hội nhà báo và các cơ quan quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí cần đấu tranh mạnh mẽ với những hiện tượng thiếu lành mạnh trong hoạt động báo chí cũng như một số nhà báo có biểu hiện tiêu cực. Đó là hiện tượng vụ lợi không chính đáng trong quá trình tác nghiệp; phát ngôn không chính thức (trên mạng xã hội, trên các diễn đàn…) trái với quan điểm, đường lối, chủ trương chung; phụ họa, cổ động cho các quan điểm sai trái; vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo… Nếu người có biểu hiện này là đảng viên, cần sử dụng kỷ luật đảng xử lý nghiêm.
Đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một công việc phức tạp, đòi hỏi phải có phương pháp đúng đắn và sự kiên trì. Trong số các biện pháp hữu hiệu, cần chú trọng biện pháp cung cấp thông tin đúng đắn, kịp thời và chính thống qua các cơ quan báo chí, đặc biệt là hệ thống báo đảng. Đó cũng chính là việc báo chí thực hiện đúng và đầy đủ các chức năng của mình. Do đó, bản thân báo chí phải tự xác định trách nhiệm của mình trong công tác này và tích cực tham gia một cách quyết liệt hơn, chủ động hơn, mạnh dạn hơn.