Thứ Hai, ngày 14 tháng 7 năm 2025

Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2016)

Báo chí Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, báo chí có điều kiện phát triển và có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau ngày Nam bộ kháng chiến, một bộ phận đông đảo văn nghệ sĩ, các nhà báo đã dùng ngòi bút sắc bén của mình để thông tin, tuyên truyền, vừa phản ánh tình hình đấu tranh, vừa cổ vũ tinh thần nhân dân, vừa vạch mặt bọn Việt gian và những thủ đoạn lừa bịp của thực dân Pháp. Báo chí đã thực sự góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh giữ nước của nhân dân Nam bộ.

Ngày 23-9-1945, quân dân Sài Gòn và Nam bộ nhất tề đứng lên đánh Pháp để gìn giữ nền độc lập, tự do vừa giành được. Cùng với các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, mặt trận đấu tranh báo chí cũng diễn ra hết sức căng thẳng và quyết liệt. Do được chuẩn bị từ trước, từ phương tiện, nhân lực, vật lực để thành lập nhà in và các phương tiện thông tin, ngay ngày 23-9, tại Sài Gòn, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã cho in ngay hàng triệu bản hiệu triệu kêu gọi toàn dân kháng chiến, đồng thời cho ra tờ Kèn gọi lính.

Tháng 12-1945, các đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan và Trịnh Đình Trọng chủ trương thành lập tờ Thông tin Kháng chiến tại tỉnh Chợ Lớn. Sau vài số in trên giấy perlure, được đổi thành Chống xâm lăng với nội dung, tư thế kháng chiến mới, đầy đủ hơn, phong phú hơn và sinh động hơn. Tờ báo trên danh nghĩa là cơ quan thông tin tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh Sài Gòn – Chợ Lớn này ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1946 được in bằng giấy sáp với sự tham gia cộng tác của nhiều đoàn thể cứu quốc tại Gia Định – Chợ Lớn – Sài Gòn. Tháng 4-1947, đồng chí Trịnh Đình Trọng được điều động làm Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ thì Chống xâm lăng được đổi thành Tiến lên và ra thêm tờ Liên Việt. Chỉ được ít lâu, do tác động rất mạnh mẽ của các tờ báo này, thực dân Pháp tổ chức đánh phá. Ba cơ quan ấn loát, một căn cứ thu tin bị địch tịch thu, một số cán bộ bị bắt, tờ Liên Việt phải đình bản.

Ngay sau đó, Thành hội Liên Việt Chợ Lớn bí mật cho ra tờ Tổ quốc trên hết, in chữ chì, phổ biến gần như công khai, được đồng bào hết sức hoan nghênh và ủng hộ. Tờ báo này được sự cộng tác của nhiều cây bút tên tuổi như Bách Việt, Nam Quốc Cang, Vũ Tùng, Hoàng Quốc Tân, Dương Tử Giang… Điều lý thú mà trạm trung chuyển của báo Tổ quốc trên hết được bí mật đặt tại văn phòng ông đốc phủ Trực, nguyên là thị trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn, nhờ đồng chí Giỏi (cán bộ nội tuyến của ta, hoạt động công khai), là thư ký được tin cậy của ông Trực.

Mấy năm đầu kháng Pháp, lực lượng cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn còn có tờ Công đoàn do đồng chí Nguyễn Lưu, Chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn, phụ trách. Tờ báo này phát hành số đầu tiên vào ngày 9-10-1945, in 5.000 bản tại Thủ Đức và được chuyển ngay vào nội thành trong ngày. Ra được 5 số, Công đoàn được chuyển về An Phú Đông cho sát với mặt trận và đổi tên thành Cảm tử. Ngày 30-9-1946, trong một trận chống càn, đồng chí Lý Chính Thắng, chủ nhiệm báo Cảm tử, bị bắt và hi sinh; đồng chí Nguyễn Lưu lại được giao phụ trách và tờ báo dời trụ sở về kinh Bà Vụ. Năm 1950, sau nhiều lần bị đánh phá, Cảm tử được dời về tận Đồng Tháp Mười và kết thúc sứ mạng lịch sử ít lâu sau đó.

Bên cạnh đó, trực tiếp phục vụ kháng chiến còn có tờ Sinh viên kháng chiến, Trí thức kháng chiến, Cứu nước, Cứu quốc thông tin, Tin đến, tạp chí Tu chỉnh… Ngoài ra, Sở Thông tin Nam bộ còn có Thông tấn xã, hàng ngày thu tin tức Trung ương và điện bằng morse ra cho Việt Bắc. Lúc đó, các đồng chí Nguyễn Văn Hạng (Ba Đỗ) và Sáu Nghĩa cùng nhiều đồng chí khác vừa điện tin vừa chạy máy phát, làm cơ công để thông tin hai chiều với Thông tấn xã Việt Nam(1).

Bấy giờ, để đối phó với các đợt càn quét của thực dân Pháp, đồng thời phải liên tục chuyển địa bàn hoạt động đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ, công tác của đội ngũ làm báo rất vất vả. Hồi ức dưới đây là một nhân chứng: “Theo sự hướng dẫn của giao liên, đoàn chúng tôi “ngậm tăm” (cấm nói chuyện) lặng lẽ bước trong đêm tối, qua bao làng mạc lạ hoắc, qua bao nhiêu đồn bót địch dày đặc (…) Một số anh em mang máy đánh chữ cồng kềnh, mang cả nồi niêu xoong chảo và nhứt là ruột tượng gạo choàng qua vai, tréo qua tréo lại, trong đêm tối và khá xa tầm nhìn, chúng (lính canh) lầm tưởng là súng đạn bự…”(2).

Ngoài mũi nhọn quân sự, mũi đấu tranh chính trị của ta có nhiệm vụ giáo dục các tầng lớp nhân dân đô thành, vô hiệu hóa những người cộng tác với Pháp, kể cả công chức cao cấp, và từ vô hiệu hóa đến biến họ thành lực lượng cách mạng. Đây là nhiệm vụ của báo chí cách mạng Sài Gòn, mà từ sau khi chính phủ Nam kỳ tự trị ra đời được gọi là “báo chí thống nhứt”(3).

Ngay tại Sài Gòn, nơi bị Pháp chiếm đóng rất sớm sau ngày trở lại, cũng là nơi có mặt của cái gọi là “chính phủ Nam kỳ tự trị” mà Báo chí Thống nhất ra tuyên ngôn “ủng hộ triệt để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Một số tờ khác, tuy không có chân trong Báo chí Thống nhất nhưng cũng công khai bày tỏ thái độ thuận lợi cho kháng chiến, như tờ Quần chúng, Sài Gòn mới… Báo chí Thống nhất mạnh mẽ đấu tranh và góp phần tạo nên sức ép làm chủ trương thống nhất sau này được thắng lợi. Kháng chiến càng mạnh càng thúc ép thực dân Pháp “buông tay” với chính quyền bù nhìn. Cuối cùng, ngày 3-6-1949, Quốc hội Pháp đành phải nhìn nhận một chân lý hiển nhiên: Nam kỳ là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam.

Một số tờ báo tiếng Pháp cũng có đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh này như Lendemains (Những ngày mai) của nhóm Văn hóa Mácxít, Justice (Công lý) của SCIFO (Đảng bộ của Đảng Xã hội Pháp), Sud (miền Nam), cơ quan hợp tác Pháp – Nam… đã sẵn sàng lên tiếng phản đối chính quyền Pháp ở Đông Dương hay ở Pháp. Ngày 4-10-1946, Justice kêu gọi “thống nhất hành động” với một chương trình tối thiểu, trong đó nêu: “Chiến đấu cho sự hiệp nhất ba kỳ và ủng hộ triệt để chính phủ Hồ Chí Minh”(4). Tờ báo in bằng 2 thứ tiếng Việt – Pháp có Thiếu Sơn và Vũ Tùng trong bộ biên tập này từng cho in một bài của Vũ Tùng với hàng tít chạy dài suốt trang báo: “Nếu không thương lượng với Chánh phủ Hồ Chí Minh, Pháp phải treo cờ trắng đầu hàng”(5). Lời tuyên bố đó trở thành một lời tiên tri, bởi chỉ mấy năm sau, thực dân Pháp phải đầu hàng tại Điện Biên Phủ.

Trong khi đó, năm 1946 là năm xuất hiện những tờ báo có mặt trong nhóm Báo chí Thống nhất triệt để ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như Tân Việt (của Châu Vĩnh Thạnh, số 1 phát hành ngày 24-1-1946), Tin điển (của Nguyễn Kỳ Nam, số đầu ra ngày 7-2-1946), Việt bút (của Nguyễn Kim Bắc), Nam kỳ (của Hồ Văn Huê, Huỳnh Văn Dang và Lê Văn Trường), Kiến thiết (của Tô Thị Thân)… Thời gian này, những cây bút yêu nước, ủng hộ kháng chiến không cần ngụy trang tư tưởng, không cần nói bóng nói gió. Họ trực diện đối đầu, ta – địch phân minh.

Mặt trận báo chí thống nhất liên tục tấn công vào thành trì “Nam kỳ tự trị”, làm lộ rõ bộ mặt tay sai, bù nhìn và đi ngược lại nguyện vọng, lợi ích của toàn dân tộc. Vì vậy, cái chính phủ này cũng sớm chết yểu sau khi Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh tự tử (ngày 10-11-1946).

Bên cạnh đó, ngày 10-9-1945, mặc dù bị quân Đồng Minh do tướng Anh Gracey gây nhiều khó khăn nhưng các đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Trần Bửu Kiếm đã bí mật đưa một số phương tiện thông tin ra ngoại thành tại xã Tân Bửu (Bình Chánh). Đó là nhà in và đài phát thanh dự phòng của Đài Sài Gòn. Một số cán bộ được phân công phụ trách mặt trận này.

Khi Nam bộ bị Pháp chiếm đóng, cần có một đài phát thanh tại chỗ làm cầu nối liền giữa nhân dân miền Nam và Chính phủ Trung ương. Do đó, Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam (gồm Nam Trung bộ và Nam bộ), huy động vật tư, thiết bị dựng lên Đài Tiếng nói Miền Nam tạm thời đóng ở Quảng Ngãi, rồi Bình Định. Ra đời ngày 1-6-1946, đài đã phát huy tác dụng trong việc cổ vũ toàn dân chiến đấu dưới sự lãnh đạo của chính phủ Hồ Chí Minh, nhưng cũng có mặt hạn chế vì ở quá xa chiến trường Nam bộ. Năm 1947, để cổ vũ chiến trường Đồng Tháp Mười, Ủy ban Kháng chiến Miền Nam cho phát thanh Đài Tiếng nói Đồng Tháp Mười, cũng đặt tại Quảng Ngãi. Thực hiện chủ trương của cấp trên, một số cán bộ kỹ thuật đã nỗ lực nghiên cứu và lắp ráp Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ kháng chiến. Đài phát sóng buổi đầu tiên vào ngày 1-12-1947 trên bờ kinh Quận xã Nhơn Hòa Lập huyện Mộc Hóa (Đồng Tháp Mười, nay thuộc tỉnh Long An). GS. Phạm Thiều thay mặt Ủy ban Kháng chiến – Hành chánh Nam bộ đọc lời chào giới thiệu làn sóng đến bạn nghe đài trong và ngoài nước. Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ kháng chiến là bộ phận quan trọng của Sở, đã cổ vũ mạnh mẽ các giới trí thức, công chức đang ở vùng bị tạm chiếm, gián tiếp hoặc trực tiếp ra vùng giải phóng tham gia kháng chiến.

Có thể nói, trong không khí toàn dân chống giặc thì báo chí cũng không đứng bên ngoài cuộc đấu tranh đó. Giảm các nội dung giải trí, văn học – nghệ thuật thuần túy, báo chí gần như chỉ tập trung vào nội dung đòi độc lập, tự do và thống nhất cho đất nước. Tuyệt đại đa số báo chí ở Nam bộ đều hướng về cách mạng, về nền tự do, độc lập của dân tộc. Qua đó, hoạt động báo chí yêu nước, tiến bộ thu hút được hầu hết những văn nghệ sĩ yêu nước, tiến bộ cùng tham gia, để hình thành nên một mặt trận rộng lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp vào năm 1954.

-----------------------------

(1) Phạm Dân, Chuyện kể về Thông tấn xã Giải phóng, in trong Báo chí Việt Nam – những dấu ấn đấu tranh cách mạng, Tạp chí Sổ tay xây dựng đảng và NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành, 2010, tr.330.

(2) Ký Ninh, Làm báo ở chiến khu Dương Minh Châu, in trong Mùa thu rồi ngày hăm ba, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.199-200.

(3) Trương Võ Anh Giang, Dương Tử Giang – cuộc đời và sự nghiệp, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1998, tr.52.

(4) Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn, sđd, tr.108.

(5) Trương Võ Anh Giang, sđd, tr.53.

TRÚC GIANG

Thông báo