Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được phát biểu khai mạc hội thảo(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 28/3, tại TPHCM, Bộ Tài chính phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Hội nghị xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM;…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, việc Trung ương lựa chọn TPHCM để xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam là niềm vinh dự lớn, đồng thời là trọng trách nặng nề mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện thành công. Trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn, mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng, và khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính - thương mại toàn cầu.
Đồng chí Nguyễn Văn Được cũng cho rằng, việc phát triển Trung tâm tài chính không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho TP và cả nước, mà còn tạo ra sức lan tỏa đến các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để TPHCM nâng cao năng lực quản trị đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác toàn cầu.
Việc xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam tuy có những điều kiện thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện. Vì vậy TP mong các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tư vấn, các định chế tài chính, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng TP trong quá trình xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính; đồng thời đề xuất các chính sách dựa trên kinh nghiệm của các Trung tâm tài chính quốc tế đã thành công trên thế giới; hỗ trợ TP nguồn lực và kết nối các nhà đầu tư lớn, tiềm năng để tham gia Trung tâm tài chính, giúp kiến tạo tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng, minh bạch, sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu định hướng hội thảo“Chính quyền TPHCM cam kết sẽ đồng hành cùng Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong và ngoài nước để kiến tạo Trung tâm tài chính toàn diện, nơi quy tụ các dòng vốn chất lượng, tri thức sáng tạo, đột phá với chuẩn mực quốc tế” - đồng chí Nguyễn Văn Được khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2025 được coi là năm bản lề của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, năm cuối của kế hoạch 2021 - 2025; đồng thời là bước đệm chiến lược cho giai đoạn tăng tốc 2026 - 2030, hướng tới mục tiêu trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Để đạt mục tiêu đó, Việt Nam xác định Trung tâm tài chính là một trong những mũi nhọn chiến lược, là đột phá thể chế mang tầm quốc gia, giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, huy động, phân bổ và nâng cao hiệu quả dụng nguồn lực, qua đó tăng sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, xây dựng Trung tâm tài chính không phải của riêng TPHCM hay Đà Nẵng, đó là “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, triển khai quyết liệt, đồng bộ và đổi mới mạnh mẽ để bứt phá” như chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 47-TB/TW về xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Các đại biểu trao đổi thảo luận tại phiên thảo luậnBộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thông tin, Việt Nam hiện đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính nhằm mục tiêu thiết lập khung hành lang pháp lý mở, minh bạch, có chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời chuẩn bị các điều kiện nền tảng để phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
“Việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ” - đồng chí Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh; đồng thời mong muốn Trung tâm tài chính tại Việt Nam sẽ kết nối và tham gia vào quá trình chuyển động mạnh mẽ của dòng chảy tài chính toàn cầu, mang tính chất bổ trợ với các trung tâm tài chính hiện có.
Hội nghị nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp và phản biện từ các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về: kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính; mô hình trung tâm tài chính phù hợp thực tiễn Việt Nam; chiến lược thu hút đầu tư tài chính, phát triển fintech; cơ chế, chính sách nói chung và cơ chế xử lý tranh chấp quốc tế nói riêng; đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao; các sản phẩm tài chính mới, đặc thù… để từ đó xây dựng mô hình Trung tâm tài chính phù hợp, thực chất và khả thi với điều kiện Việt Nam.
Hội nghị diễn ra với 4 phiên thảo luận gồm các chủ đề: kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Trung tâm tài chính - gợi ý chính sách cho Việt Nam; đề xuất chính sách cần thiết cho Trung tâm tài chính; định vụ Trung tâm tài chính tại Việt Nam; sự chuẩn bị của các địa phương trong việc xây dựng, phát triển và vận hành Trung tâm tài chính.