Thứ Năm, ngày 4 tháng 7 năm 2024

Xử phạt 1.621 trường hợp phương tiện không đăng ký xe

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 27/6, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, đại diện Công an TP thông tin về việc xử lý vi phạm đối với xe tự chế và cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra khi hàn, gắn các lồng sắt hay khung bảo vệ ở các căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, việc xử lý vi phạm đối với các loại phương tiện tự chế đã được lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an TPHCM quan tâm xử lý nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa giao thông của người TP. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 8.500 trường hợp theo chuyên đề xử lý xe mù mờ tự chế, xe thô sơ, xe 3, 4 bánh. Trong đó 1.621 trường hợp phương tiện không có đăng ký xe, 12 trường hợp gắn biển số giả, 5.997 trường hợp chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ giới hạn, 340 trường hợp xe không thắng, kèn, đèn, bộ phận giảm thanh không đúng quy định. Riêng xe 3 bánh đã phát hiện, xử lý 643 trường hợp vi phạm.

Song song việc xử lý vi phạm, Công an TP đã tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để nắm chặt các cơ sở độ, chế xe tự chế, xe thô sơ, xe 3 - 4 bánh. Trong đó, cơ bản trong 7 ngày ra quân gần đây nhất đã phát hiện 3 cơ sở độ chế xe, phát hiện nhiều phương tiện không rõ nguồn gốc, việc phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo, hoạt động ngoài nội dung phạm vi ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Công an Thành phố đang tiếp tục truy xét, làm rõ, mở rộng, xử lý.

Quá trình thực hiện, Công an TP phối hợp UBND cấp huyện để vận động người dân, chủ cơ sở cam kết chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, không tự chế xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; đồng thời, phối hợp để thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các cơ sở sửa chữa, độ chế xe.

Trao đổi về tình trạng người dân thường hàn, gắn các lồng sắt hay khung bảo vệ (hay gọi là chuồng cọp) ở các căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, đây là giải pháp phòng chống tội phạm của người dân. Nhưng đối với lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy thì lại ngăn chặn lối thoát nạn. Nếu xảy ra cháy, gây khó khăn cho lực lượng chức năng muốn tiếp cận hiện trường, gây nguy hiểm. Thời gian qua, đã có nhiều vụ cháy mà nạn nhân không thể thoát ra ngoài do chuồng cọp ngăn lối.

Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý, nếu việc lắp những lồng sắt này có dấu hiệu cơi nới, mở rộng so với thiết kế được duyệt là vi phạm quy định pháp luật về xây dựng. Bên cạnh đó, nếu các lồng sắt, chuồng cọp ngăn lối thoát nạn và lối tiếp cận của lực lượng chức năng thì vi phạm quy định pháp luật về luật phòng cháy, chữa cháy. Muốn sử dụng “chuồng cọp” thì chúng ta phải mở lối thoát nạn và có phương án thoát ra bên ngoài, tạo điều kiện để lực lượng chức năng tiếp cận cứu hộ, cứu nạn. Nên có dây thoát hiểm để thoát ra từ trên “chuồng cọp” xuống và phải bố trí thêm lối thoát nạn thứ hai”.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo