(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo tổng kết Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2026 - 2030.
Theo UBND TPHCM, từ năm 2022 đến hết năm 2025, tỷ lệ điều tiết ngân sách TP là 21% (đã tăng 3% so với tỷ lệ 18% của giai đoạn 2017 - 2021) và tiếp tục được giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo như chủ trương tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022. Kết quả này đã góp phần tạo điều kiện để TP có thêm nguồn lực ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho các nhiệm vụ đột phá chiến lược, ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, đà suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét. Dự báo nền kinh tế trong nước, cũng như trên địa bàn TP sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng. TP không ngừng phấn đấu để tăng trưởng kinh tế, đóng góp cho ngân sách quốc gia; bảo đảm sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định khu vực và cả nước.
Trong công tác điều hành, triển khai nhiệm vụ ngân sách nhà nước, TP tiếp tục tăng cường quản lý thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, để sử dụng hiệu quả nguồn thu ngân sách địa phương nói chung và thu từ việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nói riêng, TP tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm. Chỉ đạo rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, chậm tiến độ.
Bảo đảm chi ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm và theo đúng dự toán được cấp có thẩm quyền giao, trong đó chú trọng triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu… để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác.