Các đại biểu tham quan triển lãm (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 17/12, Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 đã khai mạc tại tỉnh An Giang với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - TPHCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Diễn đàn là sáng kiến liên kết vùng mang tính chiến lược, ra đời từ năm 2015, do mạng lưới ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp) phối hợp thực hiện, với sự tham gia của TPHCM. Tính đến nay, Mekong Connect đã tổ chức được 8 kỳ thành công và lần này là thứ 9 - sự kiện trở lại với sự đồng tổ chức của UBND tỉnh An Giang và UBND TPHCM. Năm nay, Diễn đàn Mekong Connect 2024 cũng chào đón sự gia nhập chính thức của hai tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang.
Mekong Connect 2024 chính thức bắt đầu với triển lãm “Doanh nghiệp TPHCM và ĐBSCL tăng cường liên kết, phát huy nội lực hướng tới phát triển bền vững” và chương trình giao lưu quốc tế: “Những câu chuyện - hành trình khởi nghiệp, Việt Nam và quốc tế”.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh: Một trong những điểm nhấn không thể bỏ qua tại Diễn đàn Mekong Connect 2024 chính là không gian triển lãm trưng bày, nơi quy tụ những biểu tượng gắn kết, sáng tạo và phát triển bền vững của các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL và TPHCM. Triển lãm không chỉ là nơi giới thiệu những giá trị kinh tế xã hội tiêu biểu mà còn là thông điệp hành động mạnh mẽ về sự liên kết vùng và phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá, không gian triển lãm mang đến hình ảnh biểu trưng đầy ý nghĩa của TPHCM và tỉnh An Giang, hai đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2024. Bên cạnh đó, là không gian độc đáo của các tỉnh, thành phố đồng hành như: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long. Mỗi gian trưng bày không chỉ thể hiện nét đặc trưng riêng của từng địa phương mà còn gửi gắm câu chuyện về triển vọng hợp tác bền vững và phát triển nội lực vùng.
“Chúng tôi hy vọng tại Diễn đàn Mekong Connect năm nay sẽ là cơ hội nhằm khai thác tiềm năng bản địa từng địa phương, tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác thiết thực giữa tỉnh An Giang với TPHCM và các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL, trong đó nòng cốt là 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp) và các tỉnh tham gia Vĩnh Long, Hậu Giang. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành liên kết chuỗi giá trị, nắm bắt xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản, ứng dụng công nghệ để kết nối, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường; kết nối tour tuyến du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu Việt Nam - Campuchia” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết.
Mekong Connect 2024 tập trung vào 3 lĩnh vực then chốt để đẩy mạnh hợp tác đó là kinh tế, thương mại và công nghệ. Đây là nền tảng để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, phát huy nội lực địa phương, kết nối với TPHCM và cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Các sự kiện chính tại diễn đàn gồm: Ra mắt Câu lạc bộ Doanh Nông xanh ba miền; giao lưu khởi nghiệp quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia, mô hình khởi nghiệp từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc. Tổ chức không gian triển lãm dấu ấn hành động thực tiễn gồm không gian triển lãm tập trung vào chủ đề “Doanh nghiệp TPHCM và ĐBSCL tăng cường liên kết, phát huy nội lực hướng tới phát triển bền vững”. Phiên livestream bán hàng với chủ đề “Thúc đẩy thương mại bền vững dựa trên tài nguyên bản địa”; lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương và đơn vị trong khuôn khổ Diễn đàn mang ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết, nâng cao sức mạnh nội tại và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của khu vực.
Hội thảo phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới quy tụ nhiều chuyên gia và nhà lãnh đạo đến từ các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL và TPHCM nhằm thảo luận sâu về các giải pháp phát triển bền vững thông qua khai thác tài nguyên bản địa và gia tăng giá trị kinh tế vùng.