Quang cảnh hội thảo(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 9/1, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cùng Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành du lịch đến năm 2030”. Hội thảo là nhằm tìm giải pháp phát triển du lịch văn hóa đạt hiệu quả kinh tế, tăng tỷ trọng đóng góp vào vào tổng sản phẩm GRDP của Thành phố.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, ngành du lịch thành phố hiện đang khuyến khích phát triển du lịch văn hóa theo hướng hỗ trợ cộng đồng dân cư tham gia quản lý du lịch nhằm tăng thêm lợi ích kinh tế, thực hiện tốt giám sát góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực, rủi ro của du lịch đối với môi trường. Điều này còn giúp người dân địa phương phát huy truyền thống văn hóa, nâng cao trình độ dân trí và đời sống vật chất, tinh thần, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị, di sản lịch sử - văn hóa trong bối cảnh mới và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Để phát triển du lịch văn hóa, Thành phố cần tìm ra điểm nhấn thu hút khách du lịch; tăng cường đầu tư, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân để bảo tồn những di sản tự nhiên, lịch sử, di sản kiến trúc. Huy động sự tham gia rộng rãi của các cấp chính quyền, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch văn hóa, bảo vệ di sản và môi trường tự nhiên.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chức năng cần lưu ý các yếu tố nền tảng bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc; tôn trọng các nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Những người làm trong lĩnh vực văn hóa, du lịch cần suy nghĩ đầy đủ để các các di sản được tồn tại; đồng thời có những giải pháp cụ thể để giữ gìn và phát huy các di sản này nhằm phục vụ cho du lịch, cho các hoạt động sinh hoạt truyền thống nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc.
Khách du lịch tham quan Hội trường Thống Nhất – TPHCMCác đại biểu cũng đề xuất Thành phố cần hoàn thiện đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển du lịch, trong đó có du lịch văn hóa; đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thành phố. Các đơn vị, ngành chức năng cần tăng cường công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tạo thêm nhiều sản phẩm đặc trưng, không trùng lắp; nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng.
Thống kê của Sở Du lịch TPHCM cho thấy, hiện Thành phố có trên 385 tài nguyên du lịch, trong đó có tới 97,9% được xếp vào tài nguyên du lịch văn hóa. Phân loại tài nguyên này, Thành phố đang sở hữu đa dạng hơn 200 tài nguyên văn hóa vật thể và hơn 100 tài nguyên nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng... với nhiều điểm đến hấp dẫn khách du lịch.