Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu; Ban Quản lý các vườn quốc gia (VQG) ở Việt Nam; các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh du lịch mạo hiểm ở các vườn quốc gia trong cả nước,…
Theo Ban tổ chức, Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia ở Việt Nam” nhằm mục đích xin ý kiến, lắng nghe những trao đổi, thảo luận của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về thực trạng khai thác du lịch mạo hiểm và tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm ở các VQG của Việt Nam hiện nay.
Trên cơ sở đó, đưa ra định hướng chiến lược, các giải pháp, các mô hình khai thác có hiệu quả loại hình du lịch mạo hiểm ở các VQG. Hội thảo là một nội dung của đề tài cấp Bộ “Phát triển du lịch mạo hiểm ở các vườn quốc gia” do Trường ĐH Văn hóa TPHCM thực hiện nghiên cứu. Hội thảo cũng là sự kiện hướng tới chào mừng 50 năm ngày thành lập Trường ĐH Văn hoá TPHCM (1976-2026).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Cơ sở lý luận và thực tiễn về du lịch mạo hiểm, đặc biệt là việc phát triển du lịch mạo hiểm tại các VQG ở Việt Nam; khai thác giá trị tri thức bản địa của cộng đồng dân tộc địa phương và giá trị hệ sinh thái, đa dạng sinh học ở các VQG để phát triển du lịch bền vững.
Kinh nghiệm khai thác và phát triển du lịch mạo hiểm ở các quốc gia trên thế giới; thực trạng khai thác du lịch mạo hiểm và tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm tại các VQG Việt Nam… cũng được các nhà khoa học chia sẻ. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất các định hướng, giải pháp, mô hình phát triển du lịch mạo hiểm phù hợp tại các VQG Việt Nam hiện nay.
Chia sẻ về hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm tại các VQG, PGS.TS. Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội, cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng phát triển du lịch bền vững, nhu cầu trải nghiệm thiên nhiên và các hoạt động mạo hiểm ngày càng tăng. Các VQG ở Việt Nam với hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan hùng vĩ có tiềm năng lớn để phát triển du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch mạo hiểm tại các VQG còn gặp nhiều thách thức, cần chiến lược phát triển bền vững.
“Mặc dù có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nhưng hoạt động du lịch mạo hiểm vẫn gặp nhiều thách thức. Kết quả khảo sát và phỏng vấn chuyên gia đã chỉ ra ba nhóm rào cản chính: Hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp và chính sách quản lý còn nhiều bất cập”, PGS.TS. Triệu Thế Hùng cho biết.
Theo ông, để đảm bảo khai thác hiệu quả và bền vững, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan, từ chính quyền, doanh nghiệp đến cộng đồng địa phương. Các giải pháp về hạ tầng, nhân lực, quản lý và hợp tác kinh tế cần được triển khai đồng bộ để du lịch mạo hiểm trở thành một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam, góp phần bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đoàn khảo sát đề tài cấp Bộ “Phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia ở Việt Nam”, thực hiện khảo sát tại vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh ThuậnPGS.TS. Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Du lịch mạo hiểm là một phân khúc đặc biệt trong ngành du lịch, kết hợp giữa yếu tố khám phá, phiêu lưu và thử thách với thiên nhiên. Những năm gần đây, du lịch mạo hiểm đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm nhờ địa hình đa dạng gồm núi, biển, rừng và hệ thống sông suối phong phú. Một số điểm đến nổi bật cho du lịch mạo hiểm bao gồm trekking ở Sapa, leo núi tại Hà Giang, lặn biển ở Phú Quốc hay dù lượn tại Đà Lạt. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, ngành du lịch mạo hiểm ở Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Một vấn đề lớn là thiếu hệ thống quản lý an toàn và đào tạo hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhiều công ty du lịch chưa có quy trình đánh giá rủi ro đầy đủ, dẫn đến việc cắt giảm tiêu chuẩn an toàn để tối đa hóa lợi nhuận, gây nguy cơ nghiêm trọng khi số lượng du khách tham gia du lịch mạo hiểm tăng.
Để phát triển du lịch mạo hiểm an toàn và bền vững, cần áp dụng mô hình quản lý rủi ro như Đánh giá rủi ro động để hướng dẫn viên linh hoạt ứng phó với tình huống bất ngờ. Cần đào tạo chuyên môn cho hướng dẫn viên về kỹ năng sinh tồn, sơ cứu, quản lý rủi ro và tâm lý du khách, đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế về huấn luyện an toàn. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và yêu cầu bảo hiểm du lịch cho du khách.
Chuyên gia cho rằng, cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và trải nghiệm của du khách. Các điểm du lịch mạo hiểm tại Việt Nam như Ba Bể, Phước Bình, Bidoup, Daknong, Cát Tiên, Chư Yang Sin,… cần được đầu tư mạnh vào hệ thống đường sá, thiết bị cứu hộ, biển báo an toàn, trung tâm hỗ trợ y tế, cấp cứu,... Đồng thời, việc cải thiện kết nối giao thông giữa các khu vực, các vùng có tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận của du khách.
Doanh nghiệp du lịch cần phát triển sản phẩm mạo hiểm thân thiện với môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, như sử dụng phương tiện không gây ô nhiễm, hạn chế khai thác tài nguyên và khuyến khích du khách tham gia bảo tồn. Mô hình du lịch mạo hiểm kết hợp sinh thái, như trekking kết hợp khám phá văn hóa tại VQG, là hướng đi phù hợp.