Quang cảnh hội thảo (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 27/11, tại TPHCM, tổ chức CHANGE phối hợp cùng Viện Môi trường và Tài nguyên (IER), Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo “Hiện trạng ô nhiễm không khí và chính sách quản lý chất lượng không khí tại TPHCM”. Tham dự Hội thảo có Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài Nguyên & Môi Trường (TN&MT) Nguyễn Thế Đồng; GS. TS. Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Trường Đại học Quốc gia TPHCM; PGS. TS. Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu…
Hội thảo được tổ chức với mục đích cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình chất lượng không khí và quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam, đồng thời tạo ra kênh đối thoại giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách để thảo luận về những lỗ hổng trong quy trình quản lý chất lượng không khí.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ trung bình năm của PM2.5 (nồng độ bụi mịn) ở các đô thị Việt Nam rơi vào khoảng 28 mg/m3, cao hơn gấp 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm là 10 mg/m3. Giai đoạn cuối năm là thời điểm ô nhiễm không khí tăng cao do sự kết hợp giữa yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn nhiễm vốn có. Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở mức kém; ở TPHCM cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn. Với tốc độ đô thị hoá và sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng trong tương lai…
Tại hội thảo, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng nhận định dù đã rất nỗ lực, nhưng chất lượng không khí giai đoạn gần 10 năm qua nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp, theo xu hướng dần gia tăng ô nhiễm.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng: quy trình kiểm soát chất lượng không khí chưa được thực sự triển khai ở cấp địa phương mà chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các địa phương phối hợp thực hiện, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, vì vậy địa phương chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn quy định đối với vấn đề quản lý chất lượng không khí của Việt Nam còn thiếu nghiêm ngặt so với các nước trên thế giới, có những tiêu chuẩn cao hơn gấp đôi so với tiêu chuẩn của WHO, chẳng hạn như PM10 và PM2.5.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia cũng dành thời gian để thảo luận về tầm quan trọng của Luật Không khí sạch và những bất cập trong chính sách hiện tại đối với vấn đề quản lý chất lượng không khí, và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường về quản lý môi trường không khí và hướng đến sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan để giảm thiểu các tác động của ô nhiễm không khí trong giai đoạn cấp bách, cũng như đưa ra giải pháp cho vấn đề ở tầm trung và dài hạn.