Thứ Sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2024

Tìm ra những giải pháp giải quyết nhu cầu về nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long

Giáo sư – TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học, kỹ thuật TPHCM, Chủ tịch Hội Nước và môi trường TPHCM đúc kết hội nghị
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 30/ 6, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM phối hợp Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM tổ chức hội thảo Nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với sự tham gia của gần 100 nhà khoa học, các chuyên gia môi trường nhằm tìm ra những giải pháp giải quyết nhu cầu về nước ngọt cho khu vực này.

Tại hội nghị, TS Võ Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ miền Nam (Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính - Bộ Tài chính) trình bày dự án Nước ngọt cho ĐBSCL. TS Võ Văn Hải cho biết, trong những năm qua, ĐBSCL  đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt thách thức quan trọng là khan hiếm nguồn nước ngọt.

Theo TS Võ Văn Hải, nếu tất cả dòng nhánh của sông Mekong thuộc Thái Lan và Campuchia đều có các trạm bơm lấy nước trữ trong các hồ chứa thì lượng nước về ĐBSCL sẽ giảm bớt trong mùa khô dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn tăng cao; nhưng trong mùa lũ, lượng nước lũ sẽ giảm bớt. Việc thay đổi chế độ dòng chảy và lượng phù sa suy giảm sẽ tác động mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp và nếu khai thác ở thượng nguồn sông Mekong một cách thái quá thì ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả nặng nề...

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu do TS Võ Văn Hải làm chủ nhiệm đề tài, thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô ở ĐBSCL hiện khoảng 4,2 tỷ m3, dự báo lên đến 4,8 tỷ m3 vào năm 2030 và 5 tỷ m3 vào năm 2050. Vì vậy, việc xây dựng các công trình thủy lợi đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững cho ĐBSCL là rất cần thiết, nhưng chưa có dự án nào giải quyết được như mong đợi của người dân ĐBSCL cũng như chính quyền các cấp.

TS Võ Văn Hải và nhóm nghiên cứu đã đề xuất xây hồ chứa nước lớn chủ động điều tiết, kiểm soát lượng nước, giảm thiểu nhiều nhất những tác động tiêu cực. TS Võ Văn Hải cho rằng, ĐBSCL ở cuối nguồn dòng Mekong, nên cần xây dựng những hồ chứa nước ngọt đủ lớn, để điều tiết lưu lượng nước ngọt.

Sau khi nghe TS Võ Văn Hải trình bày nghiên cứu của nhóm, nhiều nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích, như: cần nghiên cứu cụ thể hơn về các số liệu, các tính toán; tính đến việc bốc hơi nước bề mặt, nhất là đối với hồ chứa lớn; quan tâm hơn nữa đến việc giải phóng mặt bằng, xử lý kỹ thuật trên nền đất yếu; xây dựng hồ chứa nước nhỏ ở các địa phương... Nhất là việc phân phối nước từ hồ chứa đến những nơi, những khu vực đang khan hiếm nước ngọt.

Đặc biệt, vấn đề kênh đào Phù Nam Techno to lớn làm ảnh hưởng dòng chảy về ĐBSCL làm nhiễm mặn nhiều hơn, ảnh hưởng đa dạng sinh học và sự tồn vong của các sinh vật quý hiếm. Ngoài những giải pháp chống xâm nhập mặn, xây hồ điều tiết, qui hoạch vùng căn cơ, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió... cần có giải pháp quốc tế để thương lượng, chia sẻ...

Tổng kết hội thảo, Giáo sư – TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học, kỹ thuật TPHCM, Chủ tịch Hội Nước và môi trường TPHCM cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu, khai thác thượng nguồn và những vấn đề nội tại đã khiến nguồn nước ĐBSCL ngày càng giảm. Nước đến không thiếu, chỉ thiếu cục bộ ở vùng cao hơn. Bên cạnh đó là hiện tượng mất nước do bốc hơi; xây dựng nguồn tăng nước chưa hiệu quả, chưa có kế hoạch dẫn đến nguồn nước thiếu. Về sử dụng nước sông trên thượng nguồn, các nước bạn có quyền sử dụng, can thiệp hiệu quả cho nước họ, ta không thể ngăn  được.

Nhấn mạnh hiện chưa đủ cơ sở để lựa chọn các hình thức, phương án được đề xuất tại hội thảo, Giáo sư – TS Nguyễn Văn Phước cho rằng cần có những đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên nước ở trong nước và xuyên quốc gia. Các tỉnh vùng ĐBSCL cần có giải pháp cụ thể hơn như xem lại việc xây dựng; cách thức trữ nước, cấp nước phù hợp hơn, có hồ chứa và kênh dẫn; áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với nước; áp dụng công nghệ sản xuất thông minh tiết kiệm nước; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế đồng thời giảm nhu cầu về nước...

An An

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo