Tập khảo cứu “Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở khu trọng điểm (Sài Gòn - Gia Định)” của hai tác giả Hà Minh Hồng và Trần Nam Tiến (Thanhuytphcm.vn) - Hòa cùng không khí cả nước kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các Nhà xuất bản (NXB) cũng tập trung vào chủ đề lớn này cho mùa sách Tết 2018.
Nhìn lại tầm vóc trận chiến lịch sử
NXB Tổng hợp TPHCM với thế mạnh ở dòng sách chính trị, tư tưởng, lịch sử giới thiệu hai ấn phẩm có giá trị khảo cứu chuyên sâu là: “Tết” của tác giả người Mỹ Don Oberdorfer và “Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở khu trọng điểm (Sài Gòn - Gia Định)” của hai tác giả Hà Minh Hồng và Trần Nam Tiến.
Trong đó, “Tết” được Don Oberdorfer, phóng viên thường trú của tờ Washington Post tại chiến trường miền Nam từ năm 1965, xuất bản lần đầu vào năm 1971 và đến nay vẫn được giới chuyên môn đánh giá là một trong những quyển sách hay nhất của người Mỹ viết về sự kiện Mậu Thân 1968.
Đối với người Mỹ, “TET” là một từ ám ảnh khi làm người ta liên tưởng ngay tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Nguyên đán 1968 ở miền Nam Việt Nam. Đó cũng là lý do Don Oberdorfer chọn từ “TET” làm tựa đề cho quyển sách của mình với tâm điểm là cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã gây chấn động toàn nước Mỹ.
Tác phẩm “Tết” của cựu phóng viên chiến trường Don Oberdorfer Cùng với đó là diễn biến các trận chiến ở Sài Gòn, Huế, Đồng bằng sông Cửu Long…; những mô tả về tình hình chiến sự ở miền Nam Việt Nam và đặc biệt là một cuộc chiến khác cách Việt Nam nửa vòng trái đất: cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ. Ở đó, người dân Mỹ bàng hoàng nhận ra những tuyên truyền giả dối của chính phủ về một “chiến thắng trong tầm tay” và bùng nổ phong trào phản chiến, đòi chính phủ giảm sự can dự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trước áp lực ngày càng tăng, Tổng thống Johnson buộc phải “xuống thang” chiến tranh và quyết định không tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Ở lần tái bản này, NXB Tổng hợp đã chuyển tất cả danh từ riêng về nguyên bản tiếng Anh và bổ sung một số hình ảnh trong bản sách gốc cũng như những hình ảnh do NXB sưu tầm để phần minh họa nội dung sách thêm phong phú, sinh động.
“Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở khu trọng điểm (Sài Gòn - Gia Định)” là những khảo cứu chuyên sâu của hai tác giả Hà Minh Hồng và Trần Nam Tiến về chiến trường Khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định, một hình thế chiến trường độc đáo và duy nhất trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Quyển sách như một món quà tinh thần kỷ niệm mùa Xuân chiến thắng năm xưa, giúp bạn đọc ôn lại một sự kiện lớn đã trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM và cả nước.
Không chọn góc nhìn lịch sử, các văn nghệ sĩ thể hiện tầm vóc cuộc chiến qua hình tượng nghệ thuật. Tập kịch bản sân khấu “Ký ức Mậu Thân 1968” (NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành) được “đơm hoa kết trái” từ sự cảm phục, lòng tri ân vô hạn của những tác giả sân khấu đối với các thế hệ cha anh đã làm nên “bản hùng ca 1968” vĩ đại.
Loạt sách kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân do NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM ấn hành “Ký ức Mậu Thân 1968” gồm 4 kịch bản kịch nói là: Những khoảnh khắc một mùa xuân của Trần Văn Hưng, Ngọn lửa mùa xuân của Ngọc Trúc, Huyền thoại của Đăng Nhân, Bản giao hưởng dang dở của Bích Ngân. Mỗi kịch bản là một góc nhìn khác nhau về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhưng tựu trung lại vẫn là cảm hứng về một Sài Gòn quật khởi, về thế trận lòng dân với những con người bình thường đã làm nên chiến công vĩ đại.
Các nhà văn Trần Văn Tuấn, Hoàng Xuân Huy và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu bằng cách riêng của mình đã viết về Xuân 1968 với tất cả niềm tự hào cảm phục, lòng tri ân sâu sắc những người đã tham gia chiến đấu, cống hiến và hy sinh trong niềm tin tất thắng vào một ngày không xa qua trường ca “Củ Chi và Xuân Mậu Thân 1968” và trường ca “Pháo dậy phố Xuân”.
Đặc biệt, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã thể hiện tấm lòng của mình với chiến công của các bậc tiền nhân bằng một cách rất riêng qua tập phê bình văn học “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân” viết về 12 tác giả là những nghệ sĩ chiến sĩ, như: nhà văn Anh Đức, nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Diệp Minh Tuyền, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn Nguyễn Thi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Lê Anh Xuân…
Những số phận giữa cuộc chiến
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cả miền Nam có hơn 2 triệu lượt phụ nữ tham gia, giữ vị trí quan trọng trong chiến tranh du kích và tích cực đấu tranh với 3 mũi giáp công (chính trị - quân sự - binh vận), trên cả 3 vùng chiến lược (thành thị - nông thôn - miền núi). Đã có nhiều cán bộ là phụ nữ ngã xuống trên chiến trường và cả trong lao tù kìm kẹp của kẻ thù. Ghi nhận sự đóng góp của “đội quân tóc dài”, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ra mắt tập sách “Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, tập hợp những bài viết mang tính nghiên cứu nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong sự kiện Mậu Thân 1968.
Tập truyện ký “Chuyện Mậu Thân 1968” dày gần 500 trang với hơn 200 hình ảnh của nhà văn Trầm Hương là tập hợp những bài viết về những “người thật, việc thật” đã góp phần làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đó là những nhân vật mà tác giả đã tìm đến mọi miền đất nước để gặp gỡ, nghe kể chuyện về cuộc đời cống hiến của họ suốt hơn 20 năm qua. Qua tập sách, nhà văn Trầm Hương mong muốn thế hệ sau hiểu thêm về khúc bi tráng của sự kiện Mậu Thân, đồng thời gửi đến thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau thông điệp về cột mốc lịch sử được viết nên bằng những tấm gương anh hùng, bằng máu và nước mắt, bằng những hy sinh thầm lặng cao cả để những người hôm nay thêm yêu thương, trách nhiệm với cuộc sống hiện tại.
Là nhà văn quân đội trực tiếp tham gia chiến đấu và sáng tác, tác giả Thanh Giang đã tái hiện sinh động diễn biến trận tập kích chiến lược Xuân Mậu Thân 1968 qua tập truyện ký “Chiến sĩ Mậu Thân” với đầy đủ hình ảnh những con người đã làm nên lịch sử: từ vị tướng, người anh hùng đến những chiến sĩ, cô gái biệt động, nhà văn yêu nước…
Trong khi đó, tập truyện ký “Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968” của nhà văn Ngô Bá Chính (Đồng Đen) được viết theo lời kể, hồi ký của các chiến sĩ biệt động lại tạo nhiều cảm xúc cho bạn đọc với những chi tiết sống động, gay cấn, những tấm gương hy sinh anh dũng, khí tiết can trường của người chiến sĩ cách mạng…