Tại tọa đàm các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà lý luận phê bình VHNT ghi nhận những thành tựu ở lĩnh vực này, đồng thời trao đổi, làm rõ những vấn đề về sự kế thừa, đổi mới công tác lý luận, phê bình VHNT của dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận, VHNT TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; đề xuất giải pháp cụ thể trong việc xây dựng, phát triển lý luận, phê bình VHNT TPHCM trong thời kỳ mới.
Cần vai trò định hướng trong công tác lý luận phê bình
Ở góc độ của lĩnh vực mỹ thuật, GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP cho rằng, lý luận, phê bình VHNT đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống VHNT và sự phát triển của xã hội. Trong thời gian qua, lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động lý luận, phê bình để thúc đẩy sự phát triển của nền VHNT. Nhờ vậy hoạt động lý luận, phê bình VHNT nói chung, mỹ thuật nói riêng đã phát huy vai trò định hướng giá trị xã hội, định hướng sáng tác, là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, tác động sâu sắc đến thị hiếu của công chúng.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, lý luận và phê bình trong lĩnh vực mỹ thuật cũng đồng thời bộc lộ những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là ở vai trò định hướng hoạt động thực tiễn và hoạt động sáng tạo, cần phải được phân tích, đánh giá, lý giải để tìm ra giải pháp phát triển.
Do vậy, theo GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên, cần đổi mới, phát triển lý luận, phê bình mỹ thuật, nâng cao tính khoa học, học thuật, chuyên nghiệp và tính thuyết phục; tiếp thu có chọn lọc thành quả của ông cha và thế giới, vận dụng sáng tạo có hiệu quả để kết nối giữa nhu cầu của xã hội - nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng trong bối cảnh mỹ thuật đương đại, sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo... Đồng thời, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi năng lực sáng tạo có cơ hội phát huy phát triển, khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về đánh giá và phê bình mỹ thuật vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của mỹ thuật và xã hội.
GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên phát biểu tại tọa đàm Bên cạnh đó, cần có bước đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp; có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút, giải thưởng cho tác phẩm, công trình chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, hội chuyên ngành cần có cơ chế bảo vệ, hỗ trợ các nhà lý luận, phê bình.
Theo PGS.TS. Phan Thị Bích Hà, Trưởng khoa nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, hiện nay, công tác lý luận, phê bình còn có chức năng phát hiện, định hướng và cổ vũ cho cái mới trong hoạt động sáng tác, giúp cho văn nghệ sĩ trong công việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Thực trạng mới đòi hỏi công tác lý luận, phê bình nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng, phải có những chuyển đổi trong tư duy và nhận thức, trong phương hướng hành động để phù hợp với bối cảnh sáng tạo mới. Bên cạnh đó, vấn đề hiệu quả kinh tế trong tác phẩm điện ảnh cũng cần phải được chú tâm, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả xã hội, bởi chúng ta vẫn xem xét điện ảnh ở các góc độ: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Để thực hiện hiệu quả những vấn đề trên, rất cần vai trò hướng đạo của công tác lý luận, phê bình.
PGS.TS. Phan Thị Bích Hà góp ý tại tọa đàm Nâng cao tính khoa học, tính tư tưởng, tính chiến đấu và tính thuyết phục của lý luận, phê bình
Theo ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, phẩm chất và năng lực của đội ngũ văn nghệ sĩ phải được cụ thể bằng hiệu quả công tác thực tiễn, đó là luôn nắm vững được ngọn bút phê bình sắc bén, có tư duy khoa học và nghệ thuật, vừa nhạy bén vừa bản lĩnh vững vàng có thể đánh bại được tư tưởng sai trái, thù địch, phát hiện và khuyến khích được tài năng mới, giá trị mới, phong cách mới, kịp thời uốn nắn lệch lạc, khắc phục sai lầm trong hoạt động VHNT.
Do vậy, để làm tròn chức năng của lý luận phê bình VHNT, thì đội ngũ làm công tác này phải là chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa văn nghệ, có đủ phẩm chất, năng lực và khát vọng cống hiến vì nước, vì dân.
PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa phát biểu đề tại tọa đàm Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, phê bình VHNT trước hết và trên hết là nâng cao tính khoa học, tính tư tưởng, tính chiến đấu và tính thuyết phục của lý luận phê bình. Để nâng cao tính chiến đấu và thuyết phục, những người làm công tác lý luận phê bình VHNT cần lắng nghe và coi trọng dư luận quần chúng rộng rãi, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về công việc của mình. Phê bình phải khoa học, khách quan, trong sáng, nghiêm túc, khắc phục thói nể nang hoặc thô bạo, lối phê bình một chiều hời hợt, hình thức, tệ bè phái và quy chụp tùy tiện, thiếu trung thực.
Ở lĩnh vực đờn ca tài tử và cải lương, TS. Lê Hồng Phước, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho rằng, hiện nay, người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình không nhiều. Để đào tạo thế hệ lý luận, phê bình kế thừa cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Trước hết, thì người làm công tác này phải có sự đam mê, phải có chuyên môn, phải nghe, phải xem, nghiền ngẫm để có những nhận định, so sánh, đánh giá. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ số, đòi hỏi người làm công tác lý luận, phê bình trong lĩnh vực đờn ca tài tử, cải lương cần trang bị kỹ tăng chọn lọc thông tin trên không gian mạng, kỹ năng đối thoại với sách, kỹ năng nghiên cứu, phải tìm tòi học hỏi để có kiến thức đúng, định hướng đúng.