Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Cần nâng cao tính định hướng, tính giáo dục, tính khoa học, tính hiệu quả của công tác lý luận, phê bình

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tổng kết tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Phát biểu tổng kết tọa đàm “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức vào sáng 23/11, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM nhìn nhận cần “nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, VHNT, của công tác lý luận, phê bình VHNT trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay.

Kế thừa và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá, các tham luận, ý kiến đóng góp tại tọa đàm dù tiếp cận chủ đề tọa đàm theo nhiều góc độ, bình diện và điểm nhìn, từ sáng tác, nghiên cứu, đào tạo hoặc xuất phát từ thực tiễn vận động của VHNT; từ vấn đề tiếp nhận, vận dụng lý thuyết hoặc tiến trình và xu hướng vận động, phát triển, từ thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình VHNT…, chung nhất là cách đánh giá và thể hiện cũng có những điểm khác nhau nhưng đều bám sát chủ đề tọa đàm nêu ra.

“Kết quả Tọa đàm là cơ sở tin cậy để Hội đồng báo cáo Thường trực Thành ủy việc thực hiện Kế hoạch “Tổng kết 50 năm VHNT TPHCM sau ngày đất nước thống nhất”; đồng thời, là cơ sở để Hội đồng tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng chiến lược phát triển VHNT trong tình hình mới” - đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cho biết.

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê tọa đàm đã tập trung về quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn hóa, VHNT TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Các tham luận khẳng định: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của VHNT Thành phố. Những định hướng cơ bản cho sự phát triển VHNT nói chung, lý luận, phê bình VHNT nói riêng đã được xác định, phù hợp với sự phát triển của VHNT cả nước.

Bên cạnh đó, VHNT Thành phố thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ; phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân.

Các ý kiến tham luận khẳng định: Trong quá trình xây dựng và phát triển lý luận, văn hóa, VHNT Thành phố sau 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, việc kế thừa, cách tân văn hóa, VHNT, trong đó công tác lý luận, phê bình có vai trò quan trọng. Quá trình giao lưu, tiếp thu, tiếp biến các trào lưu tư tưởng, lý luận, VHNT nước ngoài ở Việt Nam; việc kế thừa, cách tân lý luận, phê bình VHNT không chỉ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn đẩy mạnh sự tiến bộ, đổi mới trong lý luận, phê bình.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, các vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều tác giả đó là, trước hết phải bảo tồn và khai thác hiệu quả vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc, lý luận, phê bình VHNT phải vừa bảo vệ, tôn vinh, vừa nâng tầm, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; làm sao để văn hóa dân tộc phải là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa tính dân tộc và quốc tế, giữa cái phổ biến và đặc thù, giữa văn hoá đại chúng và văn hoá tinh hoa, bác học, giữa sự thống nhất và tính đa dạng của văn hoá, VHNT...; kế thừa và cách tân vốn văn hóa dân tộc cần đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, giới thiệu, quảng bá những giá trị, sản phẩm văn hoá, văn nghệ TPHCM ra thế giới.

Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác lý luận, phê bình

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung đánh giá thành tựu và hạn chế trong công tác lý luận, phê bình văn hóa, VHNT TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Theo đó, hầu hết các tác giả đều khẳng định: Thành tựu nổi bật nhất của lý luận, phê bình VHNT TPHCM sau 50 năm thống nhất đất nước là đã xác định được các định hướng cơ bản phù hợp với sự phát triển của VHNT trong bối cảnh mới. Kết quả của sự tiếp thu, vận dụng, tiếp biến lý thuyết văn nghệ nước ngoài đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng kiến thức, tầm nhìn và nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình. Công tác lý luận VHNT có bước đổi mới, mối quan hệ giữa VHNT với chính trị, giữa VHNT với hiện thực. Tư tưởng VHNT truyền thống của cha ông đã được quan tâm nghiên cứu, kế thừa. Lý luận, phê bình VHNT trong thời kỳ đổi mới có tác động tích cực đối với sáng tác và tiếp nhận, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, cái tiến bộ trong hoạt động sáng tạo; quan tâm hơn đến ngôn ngữ nghệ thuật và tính sáng tạo. Việc đánh giá tác phẩm VHNT, lý luận, phê bình đã công tâm và khích lệ những tài năng trẻ, những thể nghiệm sáng tạo mới trong xu thế hội nhập với thế giới.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng sau 50 năm, công tác lý luận, phê bình VHNT Thành phố vẫn đang đứng trước những thách thức như sự thiếu hụt trầm trọng nền tảng khoa học vững chắc; thiếu tính hệ thống, tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, từ đó dẫn đến thiếu các khuynh hướng, trường phái phê bình đúng nghĩa; thiếu tính chiến đấu, thiếu sự gắn bó mật thiết - giữa sáng tác - phê bình và tiếp nhận. Công tác lý luận, phê bình chưa phát huy hết vai trò, bản lĩnh, trình độ và sức mạnh. Hoạt động lý luận, VHNT còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, chưa năng động, chưa theo kịp thực tiễn sáng tác; thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác…

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp hình lưu niệm Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp hình lưu niệm

Về định hướng, giải pháp, phương pháp xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ trong thời kỳ tới, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê lưu ý cần tập trung cho các giải pháp, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, VHNT, của công tác lý luận, phê bình VHNT trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Chủ động mở rộng, nâng cao việc tiếp nhận tư tưởng và lý thuyết từ nước ngoài trong thời đại toàn cầu hóa, văn hóa, VHNT cần gắn chặt với đời sống, với nền kinh tế thị trường, với quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công tác lý luận, phê bình.

Bên cạnh đó, cần chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác lý luận, phê bình. Đội ngũ này phải có nhận thức, trình độ có chuyên môn sâu, am hiểu văn hóa, VHNT dân tộc và các kiến thức, phương pháp hiện đại; quan tâm xây dựng các cơ sở đào tạo có chất lượng cao. Mở rộng đối tượng tiếp nhận các nội dung lý luận, phê bình VHNT thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; tăng cường định hướng thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên và phát huy vai trò của văn hóa, VHNT trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người TPHCM.

“Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu, bài học đã đạt được trong 50 năm qua, định hướng thẩm mỹ và công tác lý luận phê bình cần bảo đảm cao hơn tính định hướng, tính giáo dục, tính khoa học, tính hiệu quả; tăng cường nội lực của nhà lý luận, phê bình bằng sự đổi mới cơ chế, chính sách, chú ý đãi ngộ, tôn trọng tự do sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho tác phẩm VHNT phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn đời sống tinh thần của xã hội...” - đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê lưu ý.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo