Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch hiệu quả
Theo báo cáo của Hội Nông dân TPHCM, thời gian qua, du lịch TP nói chung, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn đã có bước phát triển khởi sắc với nhiều khu, điểm du lịch mới được hình thành, nhiều điểm đến, điểm dừng chân với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, di tích lịch sử,… đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.
Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Lê Minh Dũng cho biết, thời gian qua, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị cũng như phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn… Việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển đang mở rộng nhiều mô hình tích hợp đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp của hội viên nông dân kết hợp du lịch. Cụ thể, như: Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau của các hợp tác xã như “Tuấn Ngọc”, “Phước An”, “Phước Lộc”, “Rau sạch nên ăn”… Hay mô hình du lịch nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống Bánh tráng xã Phú Hòa Đông – huyện Củ Chi; làng nghề xe nhang xã Lê Minh Xuân – huyện Bình Chánh và làng nghề mai vàng Bình Lợi huyện Bình Chánh; mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái của các xã trên địa bàn huyện Củ Chi (Trung An, An Nhơn Tây, Bình Mỹ); hay Nhị Bình (huyện Hóc Môn)...
Như mô hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn (Pro-Farm), Củ Chi (Nông trang xanh, Về quê..), Bình Chánh (Happy farm), Quận 12 (Trang trại Tam Nông), Thủ Đức (Dragon farm…). Hay mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch lịch sử trên địa bàn huyện Cần Giờ (du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, Khu du lịch rừng Sác), Củ Chi (Địa đạo Củ Chi), Hóc Môn (Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng) và Bình Chánh (Khu di tích lịch sử các dân công hỏa tuyến, Khu di tích lịch sử Tết Mậu Thân, Khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò)…
Theo số liệu thống kê, các loại hình dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang có chiều hướng phát triển tốt trên địa bàn TP. Cụ thể, ngày càng nhiều “nông dân” đã nắm bắt đúng xu thế và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng năng động, tích cực và hiệu quả trong kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.
Bên cạnh những thời cơ đó, du lịch nông nghiệp, “nông dân làm du lịch” còn đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nông dân vẫn đang gặp khó trong quá trình “lấn sân” sang làm du lịch; cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện; cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch chưa đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trình độ quản lý, quy định về xây dựng…; chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của du khách; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; một số mô hình nông dân tự phát làm du lịch không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên, chưa khai thác các sản vật gắn liền với truyền thống và văn hóa bản địa đã làm giảm đi sức hấp dẫn du khách.
Cùng với sự phát triển du lịch nông nghiệp, đồng chí Lê Minh Dũng cho rằng, các hộ dân làm du lịch trong TP chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn; sản phẩm du lịch nông thôn của nhiều địa phương còn chưa đặc sắc. Nhiều nông dân vẫn đang gặp khó trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang loại hình khác…
Quang cảnh chương trình Phát triển du lịch nông nghiệp đa dạng, hấp dẫn
Với mong muốn góp phần cùng ngành du lịch TPHCM phát triển, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, lịch sử truyền thống kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng chí Lê Minh Dũng đề xuất TPHCM cần xây dựng, phát triển du lịch nông nghiệp phong phú, đa dạng, hấp dẫn, có tính mới lạ, đặc thù, theo chủ đề và có chất lượng cao; sản phẩm du lịch nông nghiệp có tính trải nghiệm và tính ứng dụng cao, có thể thu hút sự tham gia của du khách, giúp cho du khách thu thập được những thông tin, những kiến thức hữu dụng, gắn với giáo dục hướng nghiệp về nông nghiệp với hàm lượng tri thức công nghệ cao; sản phẩm du lịch nông nghiệp cần có tính tổng hợp, vừa giúp du khách trải nghiệm, thư giãn trong không gian nông nghiệp, hòa mình vào sinh hoạt của đời sống nông thôn; vui chơi, giải trí bằng những trò chơi dân gian; thưởng thức đặc sản địa phương; chia sẻ cảm xúc với người nông dân; thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp theo xu thế mới... đào tạo cho những người nông dân biết cách truyền thông.
“Cần có một môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách. Đó là sự thân thiện về cảnh quan, môi trường thiên nhiên, an toàn về vệ sinh thực phẩm; là sự thân thiện, cởi mở trong mối quan hệ giao tiếp giữa người dân địa phương với du khách; là sự thông thoáng, thuận lợi, dễ dàng của các chính sách quản lý nhà nước về du dịch; là môi trường xã hội an ninh và an toàn; đảm bảo cho yếu tố chuyên nghiệp, chất lượng và tính cạnh tranh cao của sản phẩm du lịch nông nghiệp” – đồng chí Lê Minh Dũng bày tỏ.
Bên cạnh đó, TP cần quan tâm phát triển thị trường khách du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó có người dân sinh sống ở trung tâm TP; học sinh, sinh viên cần có các chương trình tham gia hoạt động du lịch học đường, du lịch ngoại khóa…; cần phải thu hút thêm khách du lịch quốc tế tham gia trải nghiệm du lịch nông nghiệp độc đáo của TP; tăng cường hợp tác với các địa phương lân cận để cùng phát triển bền vững hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, TP cần ưu tiên thành lập Tổ hợp tác, hợp tác xã, trong đó có các tổ dịch vụ chuyên về phục vụ du lịch; đẩy mạnh đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương…
Trên cơ sở chương trình lãnh đạo TP gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân TP năm 2024, đồng chí Lê Minh Dũng mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp các chuyên gia, các nhà khoa học, các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội TP, chính quyền các cấp nhằm giúp Hội Nông dân TPHCM cùng hội viên, nông dân tham gia phát triển du lịch thích ứng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn xoay quanh một số nội dung như: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; nông dân tham gia phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; hoạt động và giải pháp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; vai trò của hội viên, nông dân và các tổ chức chính trị, xã hội trong phát triển du lịch; giải pháp giúp hội viên, nông dân làm du lịch thích ứng biến đổi khi hậu; những kỹ năng cần có của người nông dân khi tham gia làm du lịch; chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ cho khách du lịch…