TPHCM luôn quan tâm, chăm lo đến các hoạt động văn hóa tinh thần của người dân, phát triển văn hóa đọc. Trong ảnh: người dân tham quan, tìm đọc sách tại Đường sách Tết 2023. (Thanhuytphcm.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về việc đọc sách. Trong Bài nói chuyện tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 3 (10/4/1953), Người thổ lộ “Trong khi rỗi, Bác thường đọc sách, sách mới có, cũ có”. Năm 1947, khi trả lời một nhà báo nước ngoài của hãng Reuter, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định bao giờ đạt được mục đích “Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ”, tôi sẽ “trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thuỷ, đọc sách làm vườn”. Như vậy, Người rất ham đọc sách và coi trọng sách báo, luôn đánh giá cao vai trò của sách báo trong việc khai mở tri thức, giác ngộ tư tưởng, vì thế, Người rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh luôn cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất để Nhân dân được tiếp cận với sách, báo một cách dễ dàng, để Nhân dân có thể mở mang tầm mắt, bồi dưỡng kiến thức và hiểu biết thông qua việc đọc sách. Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam hiện nay cũng mang dấu ấn của Người. Theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Việc lựa chọn ngày này mang ý nghĩa rất lớn, đó là thời điểm cuốn sách “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc được in bằng tiếng Việt, soi sáng cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta.
Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm nay diễn ra từ ngày 15/4 đến 1/5/2023 với ý nghĩa nhằm phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.
Với thông điệp “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn”, “Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc”, tại TPHCM, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 23/4/2023 tại khu vực Công trường Công xã Paris (từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Duẩn) - đường Nguyễn Văn Bình (Đường Sách TPHCM), Quận 1. Hoạt động này cũng đồng loạt tổ chức tại TP Thủ Đức và các quận huyện trên địa bàn TP nhằm góp phần lan tỏa tình yêu sách, xây dựng thói quen đọc sách đến mỗi người dân TP đạt hiệu quả hơn.
Một trong những điều đặc biệt của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 tại TPHCM là có sự chung tay của 10 Đại sứ văn hóa đọc, nhiệm kỳ 2023 - 2024. Thông qua những người có tầm ảnh hưởng, có lý tưởng sống tốt đẹp, có đóng góp giá trị cho xã hội, sẽ có những thông điệp về sách, góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng trong lĩnh vực của mình để ngày càng có nhiều người yêu sách hơn, viết sách và đọc sách nhiều hơn.
Không chỉ triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm, thực tế trong những năm qua TPHCM luôn quan tâm, chăm lo đến các hoạt động văn hóa tinh thần của người dân, phát triển văn hóa đọc, mà sự kiện tổ chức Đường sách Tết hàng năm là một minh chứng sinh động. Hay việc hình thành Đường sách TPHCM (Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1) được xem như một nét son văn hóa của TPHCM nơi hội tụ rất nhiều nhà sách trong cả nước với không gian mở, du khách tự do tham quan, đọc sách, thưởng thức văn hóa đọc. Nơi đây dần trở thành điểm đến hấp dẫn, điểm hẹn của những người yêu sách trong thành phố và du khách trong và ngoài nước. Đường sách TPHCM từ lâu đã trở thành điểm hẹn lý tưởng, tạo nên thương hiệu cho TPHCM trong việc lan tỏa văn hoá đọc.
“Không gian Bác Hồ với thiếu nhi” trong trường học góp phần nuôi dưỡng văn hoá đọc, thói quen đọc sách trong học sinh. Một trong những hoạt động đặc biệt diễn ra gần đây tại TPHCM chính là việc phát triển văn hoá đọc gắn với xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh. Rất nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, các trường học trên địa bàn TP đã hình thành nhiều không gian văn hoá Hồ Chí Minh vật thể đa dạng, phong phú như xây dựng khu vực trưng bày, triển lãm hình ảnh, tư liệu về Bác, trong đó đặc biệt chú ý việc thành lập “Tủ sách Bác Hồ” trong nhà trường với việc tuyển chọn những cuốn sách có nội dung hấp dẫn và phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhận thức của học sinh từng cấp học. Từ việc xây dựng tủ sách và không gian trưng bày các tác phẩm của Bác trong trường học sẽ khơi gợi nhu cầu đọc sách và nuôi dưỡng văn hóa đọc, thói quen đọc sách trong học sinh.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không phải cứ ban hành nhiều kế hoạch, mua và trưng bày nhiều sách nói chung và sách về Hồ Chí Minh nói riêng là tốt, mà vấn đề cốt lõi trong văn hóa đọc chính là thái độ chính trị khi chúng ta tiếp cận và đọc những quyển sách đó. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi người đọc, bởi nó sẽ quyết định cách thức, phương pháp đọc, nhất là việc chắt lọc và vận dụng những kiến thức từ sách vào thực tiễn cuộc sống. Đối với những đầu sách liên quan đến Hồ Chí Minh, đó không chỉ là việc tiếp cận các cứ liệu lịch sử, mà quan trọng hơn là mỗi người đọc cần thấu hiểu, thấu suốt và thấu cảm về những bài học, chân giá trị đạo đức mà Người đã để lại cho chúng ta.
Văn hoá đọc là một trong những vấn đề then chốt của giáo dục khai phóng, hướng tới năng lực tự học của con người. Phát triển văn hóa đọc là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của mỗi người. Đó cũng là hành trình giúp con người tự khám phá chính mình, hướng đến những giá trị cao đẹp trong cuộc sống, rèn luyện nhân cách con người. Hy vọng với những giải pháp, hoạt động thiết thực, TPHCM sẽ có nhiều “trái ngọt” cho nỗ lực xây dựng, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn, hướng đến mục tiêu chung là lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng xã hội.