Chủ Nhật, ngày 27 tháng 4 năm 2025

Ra mắt 2 tựa sách giới thiệu mỹ thuật truyền thống Việt Nam

Các tác giả, khách mời chia sẻ giới thiệu về tác phẩm

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 11/4, tại Đường Sách TPHCM, 2 tựa sách “Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam từ một hướng tiếp cận hiện đại: Huế, Nam Trung Bộ, Nam Bộ” và “Re-embracing Vietnamese Identity through Hue Fine Art” đã ra mắt đông đảo bạn đọc, giới chuyên môn và công chúng yêu mến mỹ thuật.

Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Văn Lang (1995 - 2025), 20 năm thành lập Khoa Mỹ thuật và Thiết kế (2005 - 2025); hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4/2025) và Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2025).

Hai tựa sách là kết quả của quá trình nghiên cứu, tìm hiểu công phu qua nhiều năm tháng của thầy và trò Khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường Đại học Văn Lang cùng các nhà nghiên cứu mỹ thuật hàng đầu như: Lê Văn Tạo, Nguyễn Hữu Thông, Trần Đình Hằng, Lê Anh Tuấn. Việc ra mắt hai cuốn sách trên nhằm ghi nhận đóng góp của nhóm tác giả trong quá trình khai phá học thuật, giới thiệu mỹ thuật truyền thống Việt Nam và phát triển khả năng sáng tạo trong mỹ thuật đương đại.

“Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam từ một hướng tiếp cận đương đại: Huế, Nam Trung Bộ, Nam Bộ” nghiên cứu về các di vật mỹ thuật cổ hiện tồn của Việt Nam với góc nhìn đa chiều; có sự liên hệ, đối sánh với mỹ thuật truyền thống Bắc Bộ, mỹ thuật dân gian, mỹ thuật Phật giáo, mỹ thuật trung đại Việt Nam.

Cuốn sách gồm ba phần: Mỹ thuật cổ truyền xứ Huế, Mỹ thuật cổ truyền Nam Trung Bộ, Mỹ thuật cổ truyền Nam Bộ. Với mỗi không gian văn hóa vùng miền, nhóm tác giả đặt trọng điểm khảo sát là các thành tựu mỹ thuật đặc trưng. Ví dụ: mỹ thuật cung đình, chùa, lăng mộ ở Huế; mỹ thuật Champa, tháp Chăm ở Nam Trung Bộ; mỹ thuật chùa, đền, miếu cổ của người Hoa và mỹ thuật chùa cổ Kh’mer ở Nam Bộ. Thông qua khảo sát trực tiếp di sản mỹ thuật - chủ yếu là trang trí kiến trúc, điêu khắc, bích họa, nội thất, thể hiện phần nào qua 150 hình ảnh tư liệu - nhóm tác giả đưa ra các phân tích nghệ thuật xác đáng, độc đáo.

Theo nhóm tác giả, cuốn sách tựa “một hành trình khảo sát mỹ thuật cổ trên đất nước Việt Nam với nhiều sắc màu văn hóa”, với mong muốn đồng hành cùng mọi người ở thời đương đại để làm sáng tỏ dần những di sản mỹ thuật của người xưa để lại.

“Re-embracing Vietnamese Identity through Hue Fine Art” gồm 5 chương: Nghệ thuật – kiến trúc trang trí đình thờ; Nghệ thuật – kiến trúc nhà Rường;  Nghệ thuật – kiến trúc trang trí bình phong (trong đình, trong cung điện, trong miếu thờ và nhà riêng); Góc nhìn về nghệ thuật Huế: tiếp cận tính đương đại từ truyền thống; Ứng dụng trong thiết kế và kể chuyện của sinh viên. Được biên soạn bằng tiếng Anh, cuốn sách góp phần mang một phần bức tranh nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Cuốn sách có sự dày dặn vì đó là thành quả khảo cứu các công trình kiến trúc, nghệ thuật tại vùng đất cố đô từ năm 2015 đến nay của thầy và trò Khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường Đại học Văn Lang; thể hiện ở các hình ảnh tư liệu, bản vẽ chi tiết, phác thảo, tranh kèm mô tả, thuyết minh, phân tích. Không dừng lại ở đó, cuốn sách còn giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật (bao bì, trang phục, nội thất, đồ gốm…) do sinh viên sáng tạo dựa trên các vốn cổ (như phượng hoàng, rồng, họa tiết mây, họa tiết hoa…), mang đậm bản sắc dân tộc, phong cách cá nhân và giá trị quốc tế.

Chủ biên Phan Quân Dũng chia sẻ về ý nghĩa ra đời của cuốn sách, đó là câu trả lời cho câu hỏi vai trò của lịch sử và bản sắc dân tộc đối với quá trình sáng tạo nghệ thuật trong thời đại công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa: Chúng ta sinh ra và lớn lên với những bản sắc riêng biệt, bắt nguồn từ dân tộc và văn hóa của mình. Các tác phẩm nghệ thuật không thể đạt đến đỉnh cao khi chúng không mang trong mình phong cách riêng biệt của tác giả. Tương tự, một quốc gia cần bảo tồn và phát triển bản sắc của mình.

M. Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo