Thứ Tư, ngày 2 tháng 10 năm 2024

Nhân ngày truyền thống Người cao tuổi - gửi vài ước mong…

Nhóm dưỡng sinh của Hội Người cao tuổi phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM tập múa chén. Ảnh minh họa (Nguồn: SGGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Đã có những số liệu nghiên cứu cho thấy Việt Nam bước vào giai đoạn “lão hóa dân số” vào hàng nhóm cao nhất thế giới. Số người 60 tuổi trở lên tại Việt Nam đã gần 12 triệu người (số liệu năm 2019 đã là 11,41 triệu).

Riêng TPHCM, theo số liệu thống kê từ dữ liệu dân cư, đến ngày 30/12/2023 có 1.133.235 người cao tuổi (chiếm khoảng 11% dân số Thành phố). Chỉ số già hóa của Thành phố là 49,4% - cao hơn số liệu cả nước là 48,8%.

Họ vẫn đã và đang đóng góp cho xã hội

Không có đủ nghiên cứu tỉ mỉ về điều kiện và lối sống của người cao tuổi từng tầng lớp. Ở nước ngoài, nhiều người cao tuổi còn tham gia các công việc dịch vụ hoặc lái taxi… Ở nước ta, người cao tuổi còn khỏe mạnh thì tiếp tục đóng góp cho nghề nghiệp và theo đuổi đam mê chuyên môn, nghiên cứu, đọc sách, viết lách, làm chuyên gia, giảng dạy hoặc góp sức cho các công ty, doanh nghiệp,…

Ở TPHCM được biết đến với “những người cao tuổi xuất sắc” như công chúng từng chứng kiến “cuộc trò chuyện song đôi giữa hai nhà nghiên cứu trên trăm tuổi như hai cụ Nguyễn Đình Đầu - Nguyễn Đình Tư”. Những nhà văn cao tuổi như bà Xuân Phượng 95 tuổi còn viết nhiều tác phẩm hồi ký có giá trị.

Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng ở tuổi 80 sau nhiều năm lãnh đạo ở Bệnh viện Từ Dũ vừa được trao giải Ramon Magsaysay - như một dạng “giải Nobel của châu Á”. Bà đã góp sức đào tạo thế hệ bác sĩ tài năng và có nhiều năm nghiên cứu phát triển chuyên khoa sâu và kỹ thuật cao trong sản khoa. Bà cũng đóng góp nhiều nghiên cứu tác động của chất độc màu da cam lên sinh sản và nỗ lực tranh đấu cho các nạn nhân.

Không thể kể hết tên tuổi nhiều trí thức lớn của TP đóng góp trong nhiều lĩnh vực kinh tế - các doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, trí thức nhiều ngành nghề khác nhau. Họ đã có những đóng góp vào các hoạt động xã hội đầy ý nghĩa, trở thành điểm tựa tinh thần, nêu gương sáng để con cháu noi theo.

Tuy nhiên, đâu đó người cao tuổi vẫn còn bán hàng ở chợ, nhiều người không có lương hưu, nhận trợ cấp xã hội thấp…

Những mong ước - nhỏ hay lớn?

“Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm 2024 có chủ đề là “Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”. Mục đích cao nhất là đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, phát huy đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "kính lão, trọng thọ", để họ được “phát huy và chăm sóc đầy đủ”.

Thực tế, mong ước của người cao tuổi nói chung - ngoài thu xếp ổn thỏa cuộc sống riêng trong gia đình, thì có nhiều việc phải có hành động của tổ chức xã hội và các chính sách lớn. Quan trọng nhất là cần có chính sách và tổ chức cụ thể để những người cao tuổi còn có thể đóng góp cho TP, cho đất nước.

Nhà dưỡng lão nếu tốt thì người cao tuổi đều muốn được sống, được chăm sóc bớt gánh nặng cho con cháu; được chăm sóc y tế và có môi trường hòa nhập đặc thù của người cao tuổi. Nhưng hầu như nước ta hiện nay có rất ít đơn vị đầu tư tốt - trừ phân khúc cao cấp thì người có cuộc sống ở mức trung bình không với tới được. Ước mong Nhà nước có chính sách cho các tổ chức đoàn thể, tôn giáo, doanh nghiệp lớn đầu tư những cơ sở tốt nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi.

Trên thế giới, ở những nước phát triển như khối Bắc Âu, Đan Mạch, Hà Lan, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã hướng tới việc chăm sóc người cao tuổi ngay tại khu dân cư, không bắt buộc họ phải rời ngôi nhà thân thuộc của mình để đến nơi xa lạ như nhà dưỡng lão. Có các dịch vụ giúp đỡ tại nhà. Họ có cả các dịch vụ ứng dụng smartphone sử dụng dễ dàng, đơn giản.

Chắc chắn sẽ có các nước “thèm” đầu tư nhà dưỡng lão ở những nơi như Nha Trang, Đà Lạt… với khí hậu tốt, phong cảnh thiên nhiên, bờ biển đẹp, phù hợp để nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, vì già hóa dân số hiện nay đang trở thành vấn đề rất lớn. Ở nước ta thì hầu như chưa được nghĩ tới…

Nhân ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam 1/10 - gửi vài ước mong…

Quảng Yên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo