Thứ Tư, ngày 2 tháng 10 năm 2024

Cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho đào tạo người lao động

Đồng chí Huỳnh Thanh Nhân kết luận tại giám sát

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 1/10, đoàn giám sát của HĐND TPHCM do đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, Phó Trưởng đoàn giám sát, làm trưởng đoàn giám sát đối với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) TPHCM về công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2025.

Tạo việc làm mới cho 700.000 lao động

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hoài Nam cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án đào tạo nguồn nhân lực theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP, công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP, Sở GD-ĐT đã góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên ngành giáo dục những kiến thức pháp luật cần thiết, xây dựng tình cảm pháp lý, lòng tin đối với pháp luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành, hình thành động cơ tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường.

Trong thời gian tới, đồng chí Lê Hoài Nam cho biết, Sở khẩn trương hoàn thành và nghiệm thu các Đề án thành phần đã được ký kết hợp đồng; triển khai công tác thí điểm đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành đối với các Đề án thành phần đã nghiệm thu. Đồng thời, bố trí nhân lực trình độ quốc tế sau khi được đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP, đảm bảo công tác thông tin, báo cáo kịp thời, xuyên suốt; tiếp tục triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP.

Đồng chí Lê Hoài Nam báo cáo tại giám sát Đồng chí Lê Hoài Nam báo cáo tại giám sát

Sở GD-ĐT TP cũng tập trung trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên ngành giáo dục những kiến thức pháp luật cần thiết, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành, hình thành động cơ tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường.

Còn Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Lê Văn Thinh cho biết, các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM tỷ  lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc; tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4% đều đạt và dự kiến đạt vào năm 2025.

Tại buổi giám sát, đồng chí Lê Văn Thinh kiến nghị  Bộ LĐTB-XH hướng dẫn thực hiện quy định Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể nội dung "Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạo việc làm và khởi nghiệp..."

Đồng chí Lê Văn Thinh báo cáo tại giám sát Đồng chí Lê Văn Thinh báo cáo tại giám sát

Về công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động, đề nghị Bộ LĐTBXH ban hành thông tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025. Trong đó, hướng dẫn các nội dung triển khai các hoạt động trong chương trình; phương pháp thu thập số liệu, phương thức đánh giá và công thức tính toán việc thực hiện 8 mục tiêu của chương trình. Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đề nghị Bộ LĐTBXH tham mưu Quốc hội điều chỉnh bổ sung thêm đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp…

Cần đánh giá về chất lượng chương trình đào tạo nghề

Trao đổi về các chỉ tiêu Đề án của UBND TP triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP, các đại biểu cho rằng, tiến độ thực hiện các Đề án thành phần chậm. Do vậy, công tác triển khai đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với 8 ngành sẽ chậm so với lộ trình được đặt ra tại Quyết định số 2426/QĐ-UBND.

Đối với các chỉ tiêu theo Nghị quyết 13/2020/NQ-HDND của HĐND TP về Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021 – 2025, các đại biểu cũng đánh giá, chương trình giảm nghèo bền vững còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện kéo giảm chiều thiếu hụt về thu nhập, trình độ giáo dục của người lớn, đào tạo nghề. Theo các đại biểu, hiệu quả của công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trong thời gian qua, cần đánh giá về chất lượng chương trình đào tạo nghề, học nghề xong người dân có tìm kiếm việc làm phù hợp, đúng ngành nghề đào tạo…

Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, TP chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; kinh phí đào tạo nghề hiện nay chưa đảm bảo; giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người sau cai, người chấp hành xong án phạt tù chưa thật hiệu quả.

Kết luận tại giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Huỳnh Thanh Nhân đề nghị 2 sở cần tham mưu UBND TP kịp thời rà soát, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo; đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp trong pháp luật về: cấp mã ngành và chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo, các trường đại học trên địa bàn TP; kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, các trường đại học; về quản lý Lao động nước ngoài, về chính sách đối với đối tượng bị tai nạn lao động, về công tác giáo dục nghề nghiệp…

Riêng đối với Sở LĐTB-XH, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân đề nghị tiếp tục tham mưu UBND TP các giải pháp thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đề ra. Đồng thời, thực hiện chuẩn hoá tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng như việc cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận nghề nghiệp cho lao động; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung đối với lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm TP.

Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm; tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động cũng như công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại TP. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng các chương trình, chính sách cải thiện, nâng cao năng suất lao động; nhất là đối với các nhóm ngành ưu tiên của TP, đáp ứng nhu cầu lao động theo quy hoạch chung của TP đến năm 2040, tầm nhìn 2060; quan tâm công tác đánh giá hiệu quả, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP…

Đồng chí Huỳnh Thanh Nhân cũng yêu cầu Sở LĐTB-XH cần nghiên cứu, tham mưu UBND TP có các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho đào tạo người lao động; hướng dẫn việc tổ chức sát hạch trình độ nghề đối với lao động được đào tạo tại doanh nghiệp, đơn vị và làm ngành nghề kỹ thuật nhưng chưa có bằng nghề; quan tâm các giải pháp tạo việc làm tăng thêm; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; chính sách tạo việc làm trong các doanh nghiệp, hợp tác xã...

Đối với Sở GD-ĐT, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân đề nghị Sở phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh; nâng cao chất lượng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP; nâng cao kỹ năng đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số trong học sinh phổ thông; thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hướng đến phát triển năng lực từng cá nhân người học; phát triển khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực, sở thích, điều kiện của học sinh và nhu cầu nhân lực của TP.

Đối với Khu CNC TP, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân đề nghị cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc kết nối giữa doanh nghiệp; giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong Khu, nhất là các trường hợp lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách…; đồng thời, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề trong kết nối với các doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề trong Khu; cung ứng lao động cho doanh nghiệp tại chỗ và cho khu vực…

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo