Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Loạt bài “Quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội”

Bài 1: Sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm

Ngày 11/6/2019, các đồng chí lãnh đạo dự Lễ khai trương mạng VCNet; đến ngày 17/4/2020, mạng này đã có 1 triệu tài khoản đăng ký. (Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Hiện nay, việc sử dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã trở nên rất phổ biến ở Việt Nam, gần như không còn phân biết thành thị hay nông thôn, cũng không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp… Tính đến năm 2020, nước ta có hơn 61 triệu người sử dụng Faecbook cùng hàng chục triệu tài khoản YouTube, Instagram, Facebook Messenger, TikTok, Twitter, Skype, Viber, Wechat, Whatsapp... Tính đến tháng 11/2020, Zalo là nền tảng mạng xã hội trong nước lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng; xếp sau là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu), Lotus (2,5 triệu) và VCNet (gần 2 triệu). 

Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc nâng cao kiến thức, tiếp cận các tri thức mới, chia sẻ, trao đổi tình cảm, phản ánh các vấn đề mình quan tâm, thể hiện quan điểm và năng lực cá nhân, phục vụ nhu cầu giải trí, kết nối với nhau, đồng thời tham gia giám sát xã hội tích cực. Chính điều đó đã góp phần quan trọng vào việc phát huy quyền làm chủ của người dân, phát huy các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…

Đặc biệt, với cán bộ, đảng viên, việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội về cơ bản đã góp phần đắc lực vào việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, qua đó phục vụ người dân tốt hơn. Chẳng hạn, nhiều cán bộ đã sử dụng Facebook, Zalo… để thông tin, tuyên truyền đến người dân, đồng thời lập các trang cộng đồng (fanpage) trên Facebook để nắm bắt tâm tư, ý kiến của người dân, hoặc sử dụng các nhóm trên Facebook Messenger, Zalo, Viber… để trao đổi công việc hàng ngày…

Tuy nhiên, mặt trái của internet và mạng xã hội cũng không ít. Kể cả với cán bộ, đảng viên, những người vốn có trình độ học vấn khá cao, được thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được làm việc trong môi trường có tính kỷ luật cao…, vẫn có thể sử dụng internet và mạng xã hội chưa phù hợp, chưa tích cực. Thậm chí, có trường hợp còn lợi dụng internet và mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, thể hiện thiếu tính đảng và tính kỷ luật. Có không ít cán bộ, đảng viên bị cho ra khỏi đội ngũ vì những vi phạm này, kể cả có những trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang… phải luôn có ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật, nội quy của cơ quan, quy tắc ứng xử của tổ chức, của ngành, giới mình khi sử dụng internet và mạng xã hội; mỗi người phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng tiếp nhận thông tin, phân tích, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng. Đồng thời, phải luôn gương mẫu trong việc sử dụng không gian mạng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, địa phương, đất nước và dân tộc. Nhất là với mạng xã hội, dù một số người cho là “để chơi”, cũng cần “chơi” sao có ích, có ý nghĩa thiết thực cho bản thân và xã hội, tránh gây bất lợi, thiệt hại cho bất kỳ chủ thể nào trong xã hội.

Trên thực tế, để sử dụng internet và mạng xã hội có ích hay ít nhất là không gây tác hại, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự có trách nhiệm. Đó là có ý thức và biện pháp bảo mật tài khoản mạng xã hội và thông tin cá nhân trên không gian mạng. Đôi khi, một số người còn xem nhẹ việc này, cho rằng tài khoản và thông tin của mình không có gì cần phải bảo mật nhưng trong nhiều trường hợp, chính sơ hở này đã bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi hoặc gây nguy hại cho các chủ thể khác. Chẳng hạn, kẻ xấu có thể đăng nhập vào tài khoản rồi nhân danh người chủ tài khoản thực sự thực hiện hành vi lừa đảo, bôi nhọ hoặc xúc phạm người khác, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước… Điều này rất dễ xảy ra, bởi kẻ xấu đó gần như không lo bị phát hiện do dùng tài khoản của người khác, nên “thoải mái” làm các việc sai trái.

Đó là phải cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên internet, mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng (như tin đồn, thông tin từ nguồn không có độ tin cậy cao, thông tin không rõ xuất xứ…). Hiện nay, thông tin trên không gian mạng là rất nhiều, có đủ “thượng vàng hạ cám”, đủ các việc đúng sai, thậm chí có những việc đúng sai lẫn lộn, có những thông tin “trôi nổi” và cũng có những thông tin được tán phát theo một ý đồ nào đó. Do đó, cán bộ, đảng viên phải “làm người thông minh” khi tiếp nhận thông tin với nhiều câu hỏi như: thông tin này đến từ đâu, ai có thể là người đã tán phát thông tin, thông tin này có dụng ý gì, thông tin đó có thể gây hại cho ai, ai có thể được hưởng lợi từ thông tin này… Khi trả lời được một cách rõ ràng các câu hỏi này thì hẳn người tiếp nhận sẽ có cách thức tiếp nhận và xử lý thông tin phù hợp hơn.

Đó là phải xác định tính chính danh, độ uy tín, tin cậy của trang mạng, tài khoản mạng xã hội và nội dung được đăng tải trước khi thực hiện việc chia sẻ, phát ngôn, trích dẫn, bình luận… Việc này thật ra không khó với hầu hết cán bộ, đảng viên, những người vốn có kiến thức và thông tin khá phong phú. Chẳng hạn, phải xem trang đó có nguồn gốc ở đâu (ở Việt Nam hay ở nước ngoài), có chính danh không (có thể xác định chủ tài khoản là cá nhân hay tổ chức nào cụ thể không), “lịch sử” thông tin của họ như thế nào (trước đây đã từng tán phát những thông tin loại gì, có tích cực không…), dụng ý của họ khi đưa tin này là gì (ngẫu nhiên hay nhằm một mục đích nào đó), dự báo tác động, hiệu ứng xã hội của thông tin đó (có lan tỏa nhanh không, có tích cực không…), quan điểm chính trị của người hay tổ chức này như thế nào… Khi giải đáp được những vấn đề này thì người dùng có thể ứng xử một cách hợp lý.

Tính trách nhiệm trong việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội không chỉ cho bản thân người dùng mà còn cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng và toàn xã hội. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tính trách nhiệm đó.

Trúc Giang

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo